Chuyên gia lý giải việc "chậm trễ" công bố ca Covid-19 của Bộ Y tế

Ngày đăng: 09:45 13/03/2020 Lượt xem: 343

Chuyên gia lý giải việc "chậm trễ" công bố ca Covid-19 của Bộ Y tế

Diệu Linh 
 

(Dân Việt) Trước nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Y tế đang chậm trễ trong việc công bố thông tin các ca bệnh, chậm hơn mạng xã hội và một số cơ quan báo chí khác, ông Nguyễn Đình Anh – Vụ trưởng Vụ Truyền thông Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) đã chia sẻ về điều này.

Theo ông Đình Anh: “Chúng tôi là những người làm truyền thông trong ngành y tế, những thông tin chúng tôi đưa ra không đơn giản chỉ phục vụ thị hiếu, sự tò mò của người dân, mà còn liên quan đến đời sống, mối quan hệ thậm chí sinh mạng của người bệnh hoặc người bị nghi nhiễm bệnh. Do vậy, để có được thông tin khẳng định về ca bệnh, chúng tôi cần phải kiểm chứng, đối chứng và khi nào khẳng định chắc chắn ca bệnh thì mới công bố và cung cấp thông tin cho báo chí, cho người dân. Chúng tôi gần như là tuyến cuối, thông tin chúng tôi đưa ra ảnh hưởng không chỉ một người mà rất nhiều người”.

Ông Đình Anh lý giải, trong công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19, ai cũng muốn có thông tin nhanh, tuy nhiên, việc để công bố một ai đó mắc bệnh thì Bộ Y tế cần thận trọng.

 chuyen gia ly giai viec "cham tre" cong bo ca covid-19 cua bo y te hinh anh 1

Theo quy trình hiện nay của Bộ Y tế, một ca bệnh được xác nhận mắc Covid-19 sau khi có kiểm chứng của 3 Viện xét nghiệm hàng đầu của Việt Nam.

Ông Đình Anh phân tích, hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới công nhận 3 đơn vị đầu ngành của Việt Nam đạt chuẩn xét nghiệm, đó là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, nếu các mẫu từ các địa phương gửi trực tiếp đến 3 Viện trên, khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 thì khẳng định bệnh nhân đó mắc bệnh Covid-19.

Còn nếu các mẫu do các đơn vị đủ điều kiện và năng lực xét nghiệm, được Bộ Y tế cấp chứng nhận đạt chuẩn (hiện nay có gần 30 bệnh viện, viện, Trung kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố) có kết quả dương tính, họ phải chuyển mẫu về 3 Viện đầu ngành để xét nghiệm khẳng định.

Nếu xét nghiệm tại 3 Viện này cũng cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, thì khi đó mới khẳng định bệnh nhân bị bệnh Covid-19.

“Có những việc cần làm ngay và luôn, nhưng có những việc cần chậm một chút, cẩn thận một chút để thông tin chính xác hơn. Chúng tôi hy vọng mọi người cùng đồng hành, đồng lòng, đồng sức với Chính phủ, với Chính quyền địa phương ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19” – ông Đình Anh chia sẻ.

Hiện nay, ở các địa phương khi có ca xác định nghi ngờ mắc Covid-19 (ho sốt, có tiền sử đi về từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc với những người từ vùng dịch trở về, người có nguy cơ cao...) thì các ngành liên quan đã cần phải vào cuộc để điều tra dịch tễ, cho cách ly người nghi ngờ, khoanh vùng người tiếp xúc với đối tượng nghi ngờ chứ không cần phải đợi đến lúc có kết quả xét nghiệm.

Tuy nhiên, khi có các kết quả xét nghiệm chắc chắn theo đúng quy trình, quy định, Bộ Y tế mới ra thông báo xác nhận ca bệnh. 

Trước đó, sáng 13/3, Hà Nội đã công bố ca bệnh thứ 6, một nữ tiếp viên hàng không (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) sau 1 lần xét nghiệm dương tính, cho dù Bộ Y tế chưa ra thông báo về ca bệnh này.

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị không chờ công bố của T.Ư mà khi dịch tễ của Hà Nội đã xác định dương tính, các biện pháp phải triển khai ngay. “Chứ nếu chờ T.Ư thì mất 7 – 8 tiếng sẽ mất một thời cơ để giảm nguy cơ lây nhiễm cho rất nhiều người” - ông nhấn mạnh.


tin tức liên quan