Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền phong nói, ngay cả tờ báo của ông cũng bị báo chí đen đe dọa sau khi lời mời chào quảng cáo của họ bị từ chối.
LTS:Ngay cả cơ quan báo chí thuộc loại lớn còn bị báo chí đen đe dọa khi lời mời chào quảng cáo của họ bị từ chối. Hoạt động của báo chí đen đã đến mức nghiêm trọng và không thể không đòi hỏi có những giải pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn, dần làm trong sạch môi trường hoạt động của báo chí cách mạng. Cuộc trao đổi với nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong và nhà báo Ngô Văn Hải, Tổng Biên tập báo điện tử VTC News dưới đây góp thêm những góc nhìn về hiện tượng này.
Theo ông, liệu có một nhóm lợi ích trong hoạt động báo chí chuyên đi nhũng nhiễu người dân, tổ chức, doanh nghiệp với mục đích kiếm lợi bất chính?
Nhà báo Lê Xuân Sơn: Có nhóm lợi ích hay không thì tôi không dám kết luận nhưng qua những vụ việc bị phát hiện, xử lý; qua báo cáo của các phóng viên Tiền Phong từ các địa phương; qua phàn nàn của nhiều đơn vị doanh nghiệp mà tôi tiếp xúc; qua dư luận xã hội thì phải khẳng định là đang có nhiều người / nhóm người làm báo hoặc những nhóm mượn danh, đội lốt báo chí (nhưng được cơ quan báo chí nào đó vô tình hay cố ý tạo điều kiện) đang đi nhũng nhiễu, đe doạ người dân, tổ chức, doanh nghiệp với mục đích kiếm lợi bất chính.
|
Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong |
Từ thực tế hoạt động báo chí nói chung cũng như của đơn vị mình, ông thấy tình trạng nói trên ở mức độ nào thời gian qua?
Nhà báo Lê Xuân Sơn: Tôi cho là tình hình nghiêm trọng. Ngay cả báo Tiền Phong cũng có lần bị “mời quảng cáo” trên một ấn phẩm của một cơ quan quản lý nhà nước. Khi tôi nói rằng Tiền Phong có hệ thống ấn phẩm của mình, cần quảng bá chúng tôi sẽ tự quảng bá thì nghe những câu có hàm ý đe doạ. Khi tôi hỏi lãnh đạo cơ quan chủ quản của ấn phẩm đó thì vị đó nói: “Khổ quá, đó là bọn nó thầu phần quảng cáo”.
Tôi có người thân trong gia đình mở một trường học. Khi trường mới khởi công xây dưng, có nhóm “nhà báo” quây. Có người xưng là phóng viên của một tờ tạp chí của một bộ chả liên quan gì đến giáo dục nói rằng muốn gặp gỡ làm quen, đặt quan hệ. Và giá của cuộc gặp gỡ đó là 10 triệu đồng.
Khi bị từ chối thì lại có kẻ gọi điện đến nói là “trưởng ban” của “PV” kia và nói rằng “từ chối gặp PV của tôi thì nên gặp tôi”. Và giá cuộc gặp với “trưởng ban” được ra là 30 triệu đồng!
Văn bản số 2595/BTTT-CBC do Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo ký ngày 14/7 nêu rõ: “Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật hoặc có hiện tượng sách nhiễu, đề nghị các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm lưu lại bằng chứng, kịp thời phản ánh và cung cấp về đường dây nóng của Cục Báo chí (số điện thoại: 0865282828; email: duongdaynongbaochi@mic.gov.vn) hoặc đường dây nóng của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương mình để cơ quan nhà nước có thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm”.
|
Nhiều ý kiến từ những người có trách nhiệm nói thẳng rằng thời điểm hiện tại, tức là khi đại hội đảng các cấp đang được tiến hành thì đây chính là mùa làm ăn của nhóm lợi ích lợi dụng hoạt động báo chí để trục lợi, ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?
Nhà báo Lê Xuân Sơn: Chắc chắn là như vậy. Khi nắm được thông tin bất lợi cho những nhân sự được cơ cấu trong các đại hội Đảng các cấp thì những kẻ “làm ăn” kia nhất định hành động.
Hoạt động báo chí dạng này không những gây phiền hà cho người dân, tổ chức doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến những tờ báo, những người làm báo tử tế, ông và tờ báo của ông chắc cũng gặp không ít phiền phức bởi những chuyện như vậy?
Nhà báo Lê Xuân Sơn: Uy tín toàn thể báo chí Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên không tờ báo nào và không người làm báo nào là không bị ảnh hưởng. Một người quen của tôi nói rằng, chồng chị là nhà báo nhưng đi các nơi nếu không vì công việc thì cố tránh giới thiệu mình là nhà báo.
Tôi nhớ đã khá nhiều năm trước, khi tình hình còn chưa xấu đến mức như bây giờ, trong một cuộc giao ban báo chí hằng tuần, lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết theo kết quả một cuộc khảo sát ý kiến xã hội thì nhà báo đứng ở nhóm bị xã hội ghét nhất.
Nhưng cũng có ý kiến nói rằng, nếu tổ chức, doanh nghiệp không có sai phạm thì báo chí đen có mưu mô gì đi nữa cũng không thể làm gì được. Ông có thấy như vậy?
Nhà báo Lê Xuân Sơn: Đúng như vậy. Nhưng với thực tiễn nước ta hiện nay thì các tổ chức, doanh nghiệp thật khó để không có sai phạm nào. Một lần, có một vị là phó chủ tịch một thành phố đến gặp tôi để nói đỡ cho một doanh nghiệp đã triển khai xây dựng dự án trước khi xin xong giấy phép dựng (ở chính thành phố đó) đã nói rằng ở nước mình nếu các DN cứ nhất nhất đợi làm đầy đủ thủ tục thì đều chết hết vì mất hết thời cơ kinh doanh.
Đó là chưa kể hiện có rất nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm lợi ích, nhiều doanh nghiệp làm ăn chụp giật, gian dối, bất chấp lợi ích của đất nước, người dân thì điều kiện cho báo chí đen làm ăn càng nhiều.
Cơ quan báo chí ông đang công tác có những biện pháp nào để lực lượng phóng viên hoạt động đúng tôn chỉ mục đích cũng như đạo đức nghề nghiệp?
Nhà báo Lê Xuân Sơn: Thứ nhất, phải nghiêm cấm việc nhũng nhiễu doanh nghiệp để kiếm chác dù là cho tập thể hay cá nhân. Việc này phải đưa vào phương hướng, nhiệm vụ của báo hằng năm và phải nhắc đi nhắc lại trong các diễn đàn nội bộ, các cuộc họp có liên quan.
Thứ hai, không giao chỉ tiêu phát hành và doanh số quảng cáo - truyền thông cho khối phóng viên và các bộ phận liên quan đến làm nội dung báo.
Thứ ba, phải cánh báo, nhắc nhở những ai có biểu hiện tiêu cực.
Thứ tư, phải tỏ thái độ dứt khoát từ chối thu lợi ích từ các doanh nghiệp từ các bài báo chống tiêu cực, phản biện, phê bình (có lần tôi đã phải gửi trả lại hợp đồng mà doanh nghiệp đã ký sẵn do phóng viên mang về kèm công văn xin lỗi trong đó nói rõ là vì báo vừa có bài viết về sai phạm của doanh nghiệp nên hợp đồng này không thể hiện đúng nhu cầu quảng cáo thật của doanh nghiệp; Việc không / chưa ký hợp đồng để theo dõi doanh nghiệp có sửa sai, có tiến bộ hay không cũng thường xảy ra).
Tuy nhiên, tôi cũng không dám khẳng định là trong đội ngũ của Tiền Phong không có những cá nhân tìm cách nhũng nhiễu doanh nghiệp bằng cách này hay cách khác. Có thể có nhưng chưa bị phát hiện hoặc các biểu hiện chưa đủ để có thể xử lý.
Theo ông, cơ quan quản lý cũng như người dân, tổ chức doanh nghiệp cần phải làm gì ngay để ngăn chặn, hạn chế tối đa tình trạng "báo chí đen", chuyên nhũng nhiễu trục lợi?
Nhà báo Lê Xuân Sơn: Tôi chán trả lời câu hỏi này vì điều này được nói quá nhiều rồi.
Xin cảm ơn ông vì cuộc trao đổi chân thành.
Nhà báo Ngô Văn Hải, Tổng Biên tập báo VTC News
Những kẻ trấn lột đội lốt nhà báo
"Tôi cho rằng xã hội có lý khi đánh giá uy tín báo chí rất thấp như hiện nay. Quá nhiều nhũng nhiễu, tiêu cực xảy ra ở khắp nơi. Số vụ công an bắt quả tang những kẻ được gọi là phóng viên, nhà báo đang nhận tiền của doanh nghiệp sau nhiều cuộc ngã giá, mặc cả chắc chắn chỉ là rất nhỏ so với thực tế đang diễn ra hằng ngày.
Chúng tôi không bao giờ coi họ là phóng viên, nhà báo. Đặt tên cho đúng bản chất của họ thì đây là “những kẻ trấn lột đội lốt nhà báo”. Những kẻ này làm gì có liêm sỉ ngoài những toan tính đi ăn cướp, đi trấn lột mà được gọi là nhà báo ư?.
Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến những cảnh nhũng nhiễu, trấn lột doanh nghiệp, thậm chí quan chức, do những kẻ mang danh nhà báo, phóng viên thực hiện nhiều như lúc này. Những nhà báo chân chính đau xót nhưng đành bất lực. Họ đau đớn, xót xa cho nghề nghiệp của mình - một nghề đáng lẽ được xã hội tôn trọng bởi sứ mệnh cao đẹp - thì nay lại bị rẻ rúng đến thế.
Với những gì chúng ta chứng kiến, không thể nói tình trạng hiện nay là “con sâu làm rầu nồi canh” được. Nhiều, rất nhiều kẻ đội lốt báo chí đang hằng ngày tung hoành ngang dọc, với con mắt cú vọ bới lông tìm vết doanh nghiệp để mặc cả, ngã giá. Tôi cho rằng phần lớn doanh nghiệp không dám tố cáo với cơ quan chức năng bởi rõ ràng họ có sai phạm, nói ra lại sợ “xấu chàng, hổ ai” nên tặc lưỡi đưa tiền với cái nhìn khinh bỉ “nhà báo” nhận tiền.
Một cán bộ ngành ở Thái Nguyên bị tố sai phạm. Lập tức từng tốp phóng viên 3 - 4 người kéo lên “làm việc”. Và sau mỗi cuộc “làm việc” ấy, mỗi phóng viên lại nhận được phong bì, ít thì 5 triệu, nhiều thì 10 triệu đồng. Cứ thế tốp này về thì tốp kia lại lên. Vị cán bộ vẫn cứ phải ngậm đắng nuốt cay phát phong bì cho tất các “nhà báo” đến “làm việc” đều đặn.
Có những toà soạn ngay từ đầu được lập ra với mục đích “đánh đấm kiếm tiền”. Họ lập ra hàng loạt cái gọi là “văn phòng đại diện”, tuyển người nhưng không bao giờ ký hợp đồng làm việc chính thức mà luôn để ở chế độ “phóng viên thử việc” hoặc “cộng tác viên” rồi “tạo cơ chế” cho đi đánh đấm, có tiền ăn chia với toà soạn. Khi những “phóng viên thử việc” hoặc “cộng tác viên” bị phát giác, toà soạn phủi tay liền.
Giải pháp chúng ta hay đưa là giáo dục, kêu gọi “giữ đạo đức nghề” tôi cho rằng rất ít, thậm chí không có hiệu quả gì. Đối với những kẻ trấn lột, tâm địa đen tối, xấu xa, sao đi nói chuyện đạo đức với họ được?. Cách tốt nhất trong thời điểm hiện nay, theo tôi, là các tổ chức, cá nhân bị “phóng viên, nhà báo” nhũng nhiễu, hạch sách tiền bạc cần dũng cảm tố cáo, phối hợp với cơ quan chức năng phanh phui việc làm phi pháp của họ. Và phải phanh phui được cả đường dây từ dưới lên trên. Có như thế mới mong báo chí dần trong sạch, dần lấy lại uy tín trong lòng bạn đọc và xã hội".
|