Hai phút nộp lệ phí trước bạ, ba phút đăng ký, xe ra khỏi gara đã có biển số

Ngày đăng: 09:11 20/08/2020 Lượt xem: 391

Hai phút nộp lệ phí trước bạ, ba phút đăng ký, xe ra khỏi gara đã có biển số

Tại lễ khai trương 3 dịch vụ công thứ 998, 999, 1000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia vào sáng 19/8, một số người dân đã được trải nghiệm thực tế với thời gian làm thủ tục chỉ vài phút.

Cụ thể đó là các dịch vụ công: Kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3 (thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại Hà Nội, TP.HCM); liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động; đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.

5 phút nhận được biển số

Trực tiếp làm thủ tục kê khai, nộp lệ phí trước bạ và tờ khai đăng ký ô tô trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, ông Nguyễn Anh Tú được ông Nguyễn Việt Hưng ủy quyền có mặt tại điểm cầu showroom một công ty ô tô ở Hà Nội.

Chỉ vài phút sau, ông Tú đã hoàn thành các thủ tục và phấn khởi chia sẻ: "Việc đăng ký, cấp biển số xe trực tuyến rất đơn giản, chỉ mất 2 phút đối với kê khai, nộp lệ phí trước bạ và 3 phút với đăng ký xe. Trong khi đó trước đây tôi phải mất nửa ngày đi đến cơ quan thuế nộp thuế và nhiều ngày đi lại cơ quan công an để đăng ký xe".

Hai phút nộp lệ phí trước bạ, ba phút đăng ký, xe ra khỏi gara đã có biển số
Ông Nguyễn Việt Hưng thực hiện thành công dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Sau khi ông Tú hoàn thành thủ tục, tại điểm cầu Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội đã nhận được tờ khai, kiểm tra, đối chứng hồ sơ. Các thông tin khai báo đã hoàn toàn chính xác, hợp lệ, đầy đủ và ông Nguyễn Việt Hưng thực hiện bấm biển.

“Tôi là người đầu tiên thực hiện thành công dịch vụ kê khai nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe trực tuyến”, ông Hưng nói sau khi nhận biển xe.

Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, đây là lần đầu tiên có cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các bộ, ngành trong lĩnh vực này. Người dân chỉ cần kê khai một lần và các cơ quan dùng chung dữ liệu này.

"Trước đây phải có 6 loại giấy tờ, mất nửa ngày để làm các thủ tục thì nay có dữ liệu điện tử chỉ cần 2 loại giấy tờ và rút ngắn được 3 tiếng. Với con số năm 2019 có 670.000 ô tô và 4,3 triệu mô tô đăng ký, khi có dữ liệu dùng chung đồng bộ sẽ tiết kiệm rất nhiều cho người dân và Nhà nước", Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết.

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, thời gian tới Cục CSGT tiến tới sẽ điện tử hóa toàn bộ quy trình đăng ký xe, "phấn đấu xe ra khỏi gara đã có biển số".

Hai phút nộp lệ phí trước bạ, ba phút đăng ký, xe ra khỏi gara đã có biển số
Số liệu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Để thực hiện dịch vụ này, người dân chỉ cần đăng nhập, khai số seri phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, mã hồ sơ lệ phí trước bạ và một số thông tin của chủ xe để hoàn thành tờ khai giấy đăng ký xe. Trên cơ sở đó, các dữ liệu (thuế, đăng kiểm) sẽ được tự động tích hợp vào tờ khai (thông tin của người nộp thuế, thông tin của xe).

Người khai đăng ký sẽ nhận được thông báo bằng tin nhắn về điện thoại từ Cổng Dịch vụ công quốc gia thông báo địa điểm đến đăng ký xe. Chủ xe chỉ cần đưa xe, mang theo hóa đơn hoặc giấy tờ mua bán xe và giấy tờ tùy thân đến cơ quan CSGT để bấm biển, lấy biển số và giấy chứng nhận đăng ký xe.


 
 

Theo số liệu tổng hợp của CSGT, khi triển khai toàn quốc, dịch vụ này sẽ phục vụ khoảng hơn 4 triệu trường hợp đăng ký xe trong một năm. Với việc áp dụng thí điểm tại Hà Nội, TP.HCM, ước tính sẽ tiết kiệm khoảng hơn 327 tỷ đồng/năm.

Tương tự với dịch vụ công liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động cũng giúp đơn vị sử dụng lao động sẽ tiết kiệm được ít nhất 2 ngày công/năm, từ đó tiết kiệm chi phí mỗi năm tối thiểu 344 tỷ đồng/năm.

Còn dịch vụ công đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cũng tiết kiệm của toàn xã hội sẽ khoảng 1.329 tỷ đồng/năm.

Hình thành DN điện tử, công dân điện tử

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, tính đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 227.000 tài khoản đăng ký; hơn 58 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện dịch vụ; hơn 14,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 280.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng.

Tính trung bình hiện nay mỗi ngày làm việc Cổng tiếp nhận, xử lý khoảng 4.000 hồ sơ trực tuyến; tiếp nhận, xử lý hơn 23.000 cuộc gọi tới tổng đài và hơn 7.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, DN.

Hai phút nộp lệ phí trước bạ, ba phút đăng ký, xe ra khỏi gara đã có biển số
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

"Đây chính là những tín hiệu tích cực cho thấy sự thông suốt, hiệu quả trong xây dựng, vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia; sự ủng hộ, chung tay, phối hợp, tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương; niềm tin của người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là những yêu cầu, đòi hỏi mới, nhất là trong quá trình xây dựng doanh nghiệp, công dân điện tử hướng tới xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nói.

Thủ tướng đánh giá 3 dịch vụ công vừa được công bố hôm nay là những vấn đề thiết yếu phục vụ người dân. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, tỷ lệ hồ sơ thực hiện còn thấp, mới chiếm gần 2% nên các bộ ngành, địa phương, cơ quan chức năng phải kết nối với Cổng Dịch công quốc gia nhiều hơn nữa.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu hoàn thành việc tích hợp các dịch vụ công thiết yếu như: Xuất nhập khẩu, đất đai, xây dựng, khoáng sản, thuế, xử phạt hành chính, viện phí, học phí. Cùng với đó là tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tinh năng của cổng để bảo đảm phục vụ người dân, DN tốt hơn, với mục tiêu phải hoàn thành 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020.

Thu Hằng


tin tức liên quan