Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, 53 tuổi, đến làm việc tại Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an và lệnh bắt được công bố ở đây, chiều 28/8.
19h25, cán bộ điều tra và đại diện VKSND Tối cùng lúc khám xét nhà riêng ông Chung trên phố Trung Liệt và nơi làm việc tại trụ sở UBND Hà Nội. Ông Chung không xuất hiện ở cả hai địa điểm này.
Bộ Công an cho biết, ông Chung vào chiều 28/8 "đã bị tạm giam ngay sau khi VKSND Tối cao phê chuẩn lệnh bắt".
Trước các thông tin về việc ông Chung có vấn đề về sức khoẻ, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, Bộ Công an cho hay, khi nhà chức trách tống đạt các quyết định tố tụng, ông Chung không có biểu hiện bất thường. "Ông Chung hiện sức khoẻ bình thường" ông nói.
Ông Chung từng hai lần sang Pháp phẫu thuật năm 2015 và 2016 do polyp sát trực tràng và liên quan đến phổi.
Từ 11/8 khi bị Thủ tướng đình chỉ chức vụ 90 ngày, ông Chung thường xuyên có mặt trụ sở UBND Hà Nội để giải quyết một số công việc còn lại và làm việc với cơ quan điều tra liên quan ba vụ án.
Vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước được Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an khởi tố tháng 7. Hai trong ba nghi phạm đầu tiên bị bắt là thuộc cấp của ông Chung: Nguyễn Hoàng Trung, lái xe của ông; Nguyễn Anh Ngọc, 46 tuổi, Phó trưởng Phòng thư ký biên tập thuộc Văn phòng UBND Hà Nội.Việc khởi tố, tạm giam ông Chung hôm qua nhằm phục vụ điều tra vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước xảy ra khi điều tra vụ án buôn lậu quy mô lớn xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường. Tuy nhiên, các cáo buộc về hành vi của ông Chung gây ảnh hưởng thế nào, hiện Bộ Công an chưa công bố.
Người thứ ba là Phạm Quang Dũng, 37 tuổi, cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03, Bộ Công an).
Ngoài vụ án này, ông Chung còn bị điều tra trách nhiệm liên quan hai vụ án khác. Đó là vụ buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cường và vụ án Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại UBND Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Trước đó, cùng ngày bị đình chỉ công tác, ông Chung bị Bộ Chính trị đình chỉ sinh hoạt Ban chấp hành Đảng bộ, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó bí thư Thành ủy.
Ông Chung công tác trong ngành công an từ năm 1990 tại Đội trọng án Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội; 37 tuổi được phong Anh hùng lực lượng vũ trang. Đảm nhận qua nhiều vị trí chủ chốt tại đây, cuối năm 2007, ông làm Trưởng phòng. Từ tháng 9/2010-11/2015, ông làm Phó giám đốc, Giám đốc Công an Hà Nội. Ở tuổi 46, ông là người trẻ nhất trong lực lượng công an được phong hàm thiếu tướng.
Cuối năm 2015, ông được bầu làm Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội, Chủ tịch UBND Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016. Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố giữa năm 2016, ông tái đắc cử nhiệm kỳ 2016-2021 với số phiếu cao.
Điều 195 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: Khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến.
Khi khám xét nơi làm việc của một người phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản; việc khám xét nơi làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Trong trường hợp không có đại diện cơ quan, tổ chức thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.
Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.