Bị cáo vụ Đồng Tâm thay đổi lời khai sau 'một đêm suy nghĩ'

Ngày đăng: 10:04 08/09/2020 Lượt xem: 242

Bị cáo vụ Đồng Tâm thay đổi lời khai sau 'một đêm suy nghĩ'

HÀ NỘIBị cáo Bùi Viết Hiểu, 77 tuổi, xin lỗi HĐXX, do hiểu biết lạc hậu ông có lời khai sai trái về nguồn gốc đất cánh đồng Sênh vào hôm qua.

Sáng 8/9, giơ tay xin được trình bày, bị cáo Hiểu nói sau một đêm suy nghĩ thấy nhiều lời khai trước tại toà là không đúng nên xin lỗi chủ toạ.

Bị cáo 77 tuổi, một trong bốn chủ mưu của vụ án tấn công cảnh sát ở Đồng Tâm, nói việc mình viện dẫn các văn bản từ năm 1981 về nguồn gốc đất ở cánh đồng Sênh là "quá lạc hậu", trong khi từ năm 1990 đến nay chính sách về đất đai đã thay đổi nhiều.

"Bị cáo không theo kịp tình hình nên có hành vi và lời nói sai trái. Xin HĐXX "đánh kẻ chạy đi chứ đừng đánh người chạy lại", cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật", bị cáo Hiểu trình bày.

Khẳng định lời khai hôm nay là đúng sự thật, ông Hiểu nói tối 8/1 ra nhà ông Lê Đình Kình ngủ là do bị cáo Lê Đình Công (con ông Kình) vào đón và thông báo "tối nay có thể có biến". Trước đó, ông từng khai "sai sự thật" rằng ra nhà ông Kình ngủ vì sợ bị bắt cóc, ám sát.

 

24 người còn lại bị truy tố tội giết người khi trả lời thẩm vấn sáng nay đều thừa nhận sai phạm. Bị cáo Nguyễn Thị Bét, 59 tuổi, khai chiều 8/1 đến nhà ông Kình tham gia làm một quả bom xăng với nhiều người. Tối, bị cáo lại đến chơi chứ không tham gia bàn bạc kế hoạch chống đối. Rạng sáng 9/1, thấy hai thành viên "tổ đồng thuận" đứng lên sân thượng nhà ông Kình bắn pháo "báo hiệu tấn công", bị cáo đứng cùng ở đó đã bê chậu nước hất về phía cảnh sát đang thực thi công vụ.

Cuối lời khai tại tòa, bị cáo Bét xin được hưởng khoan hồng với lý do không tham gia "tổ đồng thuận" khiếu kiện đất đai với ông Kình mà "suốt ngày ở nhà, làm tự do".

Theo cáo trạng, rạng sáng 9/1 bị cáo Bét cùng nhiều người đã đứng ở phía trước mái nhà ông Kình, dùng bom xăng, gạch đá, pháo tấn công lực lượng công an.

Là thành viên "tổ đồng thuận" với vai trò thủ quỹ, Mai Thị Phần khai được ông Kình hứa hẹn nếu đòi được đất sẽ chia phần. Thừa nhận cáo buộc có vai trò giúp sức cho bị cáo Công và đồng phạm trong hành vi giết người song bị cáo khai không tham gia, không bàn bạc kế hoạch tấn công cũng không chuẩn bị vôi bột, gạch đá.

Trong hai triệu đồng tiền góp mua lựu đạn, bị cáo bỏ 500.000 đồng, còn lại nhận của 5 người khác. "Lúc đầu, bị cáo chỉ biết là góp tiền cho ông Kình lo việc, mãi sau mới biết tiền đó mua lựu đạn", bị cáo 57 tuổi nói.

Khi xảy ra vụ án, bị cáo Phần bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã ngày 30/3.

Nguyễn Thị Phương khai tại toà sáng nay
 
 

Bị cáo Trần Thị Phượng xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Ở nhóm tội Chống người thi hành công vụ, bị cáo Trần Thị Phượng, 36 tuổi, khi trả lời thẩm vấn đã bật khóc, xin được hưởng khoan hồng do gây án vì hiểu biết hạn chế về pháp luật. "Ba con của bị cáo đều còn nhỏ, đứa út mới 16 tháng tuổi, vẫn đang bú. Bị cáo mong sớm được trở về chăm sóc các con", Phượng nhỏ giọng nói.

Bị cáo khai dù không trực tiếp gây ra cái chết cho ba cảnh sát nhưng vẫn muốn gửi lời xin lỗi đến gia đình họ.

Phượng khai rạng sáng 9/1 nghe thấy kẻng báo động đã chạy ra đường và thấy người dân đang ném gạch đá. Cùng lúc cầm hai cục đá ném, Phượng được một người lạ mặt dí con dao vào tay nên đã cầm và lao về phía công an. Hai ngày sau, bị cáo ra đầu thú.

Các bị cáo tại toà sáng nay. Ảnh: TTXVN.

Các bị cáo tại phiên toà sáng nay. Ảnh: TTXVN.

Theo cáo trạng, năm 2013, ông Lê Đình Kình cùng bị cáo Lê Đình Công và Bùi Viết Hiểu và một số người lập "tổ đồng thuận" với mục đích lôi kéo người dân khiếu kiện, chiếm đất ở cánh đồng Sênh (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) do Bộ Quốc phòng quản lý.

Tháng 12/2019 ông Kình chỉ đạo Công bàn bạc với thành viên "tổ đồng thuận" mua lựu đạn, chuẩn bị vũ khí để "tấn công, tiêu diệt" công an. Bị cáo Nguyễn Quốc Tiến được giao đặt mua lựu đạn song tiền quỹ của tổ còn thiếu nên vận động quyên góp. Trong số này, bị cáo Phần góp hai triệu đồng.

Tối 8/1, bị cáo Công thông báo tập trung ở nhà mình để bàn cách tấn công lực lượng công an đang thực thi công vụ; đề nghị tất cả ngủ lại nhà ông Kình để chuẩn bị. Rạng sáng 9/1, Công tiếp tục chỉ đạo nhóm này chuyển toàn bộ 85 chai bom xăng, 10 tuýp sắt gắn dao phóng lợn... đưa lên mái nhà khi biết tin công an tiến vào Đồng Tâm.

Hành vi chống đối của các bị cáo sau đó đã khiến ba cảnh sát hy sinh khi đang triển khai đội hình đột kích. Lực lượng công an khi tiến vào đã nổ súng tiêu diệt ông Kình đang cầm lựu đạn cố thủ, chống đối trong nhà.

Phiên xét xử 29 bị cáo dự kiến diễn ra 10 ngày, từ 7/9. Trong số này, 25 người bị truy tố về tội Giết người, 4 người về tội Chống người thi hành công vụ. Ông Kình đã chết nên được đình chỉ điều tra.
Phạm D

tin tức liên quan