Nhiều quy định mới về lương tối thiểu vùng có hiệu lực từ năm 2021

Ngày đăng: 08:14 15/12/2020 Lượt xem: 282

Nhiều quy định mới về lương tối thiểu vùng có hiệu lực từ năm 2021


                                                      Nguồn: Báo Điện tử Thời Đại

Quy định nhiều điểm mới liên quan đến mức lương tối thiểu của Bộ luật Lao động 2019 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Cụ thể, căn cứ quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 thì mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.

Trong khi đó, hiện hành, Khoản 1 Điều 91 Bộ luật lao động 2012 quy định mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành.

Bộ luật Lao động 2012 hiện hành quy định mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành, được ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.

Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2019 không còn quy định khái niệm mức lương tối thiểu ngành nữa.

Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 91 Bộ luật lao động 2019 thì mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên các căn cứ sau: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Đây là điểm mới so với Khoản 2 Điều 91 Bộ luật lao động 2012 quy định mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh dựa trên nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động.

Nhiều quy định mới về lương tối thiểu vùng có hiệu lực từ năm 2021
Ảnh minh họa

Trước đó, cuối tháng 8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng đã có dự thảo khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu vùng áp dụng với người lao động trong các doanh nghiệp trong năm 2021 theo hướng tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đến hết năm 2021, chưa điều chỉnh lương tối thiểu vùng đã được quy định trong Nghị định 90/2019/NĐ-CP.

Trong dự thảo, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng phân tích rõ những ưu và nhược điểm. Về ưu điểm, đề xuất thể hiện được rõ ràng, ổn định để doanh nghiệp chủ động sắp xếp, ổn định sản xuất - kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao đọng trong bối cảnh trong nước và quốc tế bị tác động sâu từ đại dịch COVID-19, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh xung đột thương mại giữa các nước lớn.

Người lao động, doanh nghiệp và nhà nước cũng góp phần chia sẻ khó khăn và thực hiện trách nhiệm trong việc đảm bảo cuộc sống cho người lao động theo Nghị quyết của Chính phủ. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, lấy đà phục hồi do ảnh hưởng dịch COVID-19 và sau nhiều năm liên tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng để duy trì sản xuất, việc làm.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng tạo thuận lợi cho người lao động có cơ hội giữ được việc làm hoặc đang mất việc làm có cơ hội sớm quay lại thị trường lao động.

Đảm bảo được tính thống nhất trong chủ trương chung của Chính phủ trong việc thực hiện tổng thể giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Cùng với đó, đồng bộ trong lộ trình cải cách tiền lương giữa các khu vực theo tinh thần Nghị số 27-NQ/TW.

Đồng thời, dự thảo cũng đề cập hạn chế của đề xuất là trong ngắn hạn, nếu chỉ số giá tiêu dùng của năm 2021 lên cao (trên 2,5 %) thì tiền lương tối thiểu thực tế sẽ bị giảm so với mức sống tối thiểu.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, chưa nên tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2021, bởi mục tiêu trước mắt hiện nay là bảo vệ việc làm cho người lao động.

Hiện, các hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần trở lại. Dù thị trường trong nước có hồi phục mà thị trường nước ngoài chưa, bà Hương cũng cho rằng, nền kinh tế nước ta phụ thuộc vào xuất nhập khẩu vẫn bị ảnh hưởng.

Do đó, theo chuyên gia này, việc tăng lương tối thiểu vùng phải tính toán hài hòa quyền lợi của cả doanh nghiệp và người lao động, cứu người lao động nhưng cũng phải cứu cả doanh nghiệp.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan