Hóa đơn tiền điện

Ngày đăng: 09:36 09/08/2021 Lượt xem: 203

                                 Hóa đơn tiền điện

                                                                Nguồn: Báo Điện tử VnExpress

Tôi phấn khởi khi nghe tin sẽ được giảm 10% tiền điện vì nhà tôi ở địa phương áp dụng giãn cách.


Ở chỗ tôi, ngày 23/7, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gửi văn bản tới các doanh nghiệp cung cấp điện, nước đề nghị miễn giảm tiền điện, nước cho hộ lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, giúp họ giảm gánh nặng. Công ty cấp nước đã miễn tiền nước kỳ tháng 4 đến tháng 6 cho các khu cách ly tập trung, hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, song bên điện lực thì chưa.

Gia đình chị Hoa thuê nhà cạnh nhà tôi, anh làm thợ xây, chị giúp việc cho các nhà trong khu. Khi thành phố Vũng Tàu thực hiện chỉ thị 16 từ ngày 14/7, anh chị phải nghỉ hẳn ở nhà, không có thu nhập.

Chiều nào ra bỏ rác cạnh cột điện, tôi cũng được chị nhờ đọc số trên chiếc đồng hồ đo điện gắn ở đầu nhà rồi ghi lại. "Mới nghỉ dịch có mười ngày mà hết 100 số điện, tính ra bình quân mỗi ngày 10 số", chị nói. Những ngày đầu giãn cách, họ hay mở nhạc, xem tivi và sử dụng máy giặt, hai đứa nhỏ cũng học thêm trên máy tính nên "công tơ tăng", chị giải thích. Tuy nhiên, sau khi theo dõi số điện hàng ngày, họ quyết định hạn chế mở tivi, nghe nhạc, chuyển sang giặt tay và tắt đèn đi ngủ sớm.

Nhà anh chị có bốn người, hai cháu nhỏ không dùng thêm thiết bị điện nào khác ngoài một bộ máy tính để bàn để học online. Các thiết bị điện của họ ít hơn nhiều so với nhà tôi, chúng chỉ gồm vật dụng tối thiểu như tủ lạnh, máy giặt, bóng đèn sợi đốt và bóng đèn huỳnh quang, quạt điện, quạt thông gió, thiết bị mạng, sạc điện thoại, sạc xe đạp điện, tivi, ấm nấu nước.

Tôi thử liệt kê thiết bị điện nhà chị rồi tính công suất tiêu thụ theo quy tắc ước tính điện năng, kết quả ra, tổng thiết bị điện của anh chị sử dụng những ngày không có dịch là 228 kW. Theo đơn giá điện bậc thang, hộ chị Hoa phải nộp hàng tháng 443.000 đồng. Tuy nhiên, mới 10 ngày ở nhà đã tiêu thụ hết 100 số điện, chị đang lo cả 30 ngày sẽ hết hơn 300 số điện. Số tiền phải nộp sẽ là hơn 600.000 đồng.

Với bốn người không có thu nhập, đây là con số khá lớn bên cạnh tiền thức ăn và các chi phí khác. Giá thực phẩm cũng đã tăng từ khi thành phố giãn cách.

Dựa theo khảo sát mức sống thông qua tiêu dùng bình quân một người dân năm 2020 của Tổng cục Thống kê và đơn giá một số hàng hóa theo Báo cáo giá thị trường tháng 6/2021 của Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tôi ước tính chi phí tối thiểu tháng này cho gia đình chị ít nhất là 2,5 triệu đồng.

Số tiền trên chỉ gồm: gạo, thịt các loại, mỡ hoặc dầu ăn, trứng, đường, gia vị, tiền nước, Internet, điện thoại, gas. Nếu tiền điện khoảng 600.000 đồng sẽ đẩy tổng chi tiêu của gia đình anh chị lên hơn ba triệu đồng, tiền điện sẽ tương đương với 20% chi tiêu tối thiểu hộ gia đình. Do không đi làm nên chắc chắn khoản chi sẽ được trích ra từ tiền tiết kiệm anh chị đã để dành. Vì vậy, khi chưa biết sẽ phải sống trong giãn cách bao lâu, lo ngại của họ là điều dễ hiểu.

Bộ Các chỉ số quy định về năng lượng bền vững (RISE) của Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo các quốc gia cần thiết lập chính sách đảm bảo 40% dân chúng có thu nhập dưới trung bình không phải chi quá 5% thu nhập cho sử dụng điện. Việc này để "đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng giá cả phải chăng, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người".

Nghiên cứu của Alan David Lee và Franz Gerner trong Báo cáo thực hành toàn cầu về năng lượng của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2020 cho biết, mức tiêu thụ điện trung bình của hộ gia đình Việt Nam là 174 kWh mỗi tháng, chi tiêu hàng năm cho điện là 156 USD - gần 360 nghìn đồng. Các hộ gia đình thuộc nhóm 40% dưới cùng của tổng thu nhập quốc dân có thu nhập 1.444 USD, để mua được lượng điện tiêu thụ trung bình trên toàn quốc, họ sẽ phải chi 10,8% thu nhập của mình. Đây là mức chi cao hơn gấp hai tỷ lệ khuyến cáo của RISE.

Tin vui là Thủ tướng vừa quyết định giảm tiền điện cho các hộ bị tác động bởi dịch bệnh tại tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách. Các gia đình được giảm 10% hóa đơn nếu dùng trên 200 kWh một tháng. Hộ dùng dưới 200 kWh một tháng được giảm 15% trên hóa đơn tiền điện. Mức giảm áp dụng cho hoá đơn tháng 8 và 9/2021.

Theo quyết định này, do tiêu thụ trên 200 kWh nên hàng xóm tôi được giảm tương ứng gần 70.000 đồng. Gia đình tôi có tám người, hai vợ chồng tôi thường xuyên phải sử dụng máy tính để làm việc tại nhà, cộng với bếp từ và điều hòa nhiệt độ nên hóa đơn thường ít nhất gấp hai nhà anh chị. Tôi có thể được giảm hơn 100 nghìn đồng.

Nhưng nếu tháng 8 này chúng tôi được giảm tiền điện như chỉ đạo của chính phủ, chi tiêu cho tiền điện của nhà chị Hoa vẫn trên 5% tổng chi tiêu.

Vì vậy, tôi cho rằng, bên cạnh việc giảm giá 10%-15% tổng hóa đơn trước thuế VAT theo ý kiến của Thủ tướng, là một doanh nghiệp của chính phủ, EVN có thể giúp nhà nước hoàn thành nhiệm vụ an sinh xã hội bằng cách xem xét thêm hai việc sau:

Đầu tiên, cân nhắc giảm nhiều hơn 10% tổng hóa đơn tiền điện cho các đối tượng khó khăn hơn. Ví dụ như những người thuê nhà - thường phải trả tiền điện cao hơn "giá nhà nước" do chủ nhà quy định, hoặc lao động mất việc, những người sống hôm nay phải lo miếng ăn ngày mai. EVN có thể giảm tiền điện ngay trong tháng 7 vì rất nhiều địa phương đã thực hiện Chỉ thị 16 từ tháng 7. Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP HCM cho biết, dù mùa mưa, tỷ trọng điện dùng cho sinh hoạt tháng 7 tăng hơn 4 % so với tháng 6.

Thứ hai, cho người dân nợ hoặc đóng chậm tiền điện đến khi hết giãn cách. Cà Mau, tỉnh ở cuối tổ quốc là tỉnh đầu tiên hoãn thu tiền điện, tiền nước, tiền cước viễn thông cho dân chúng. Hôm 21/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã đồng ý cho các trường hợp chưa đăng ký thanh toán trực tuyến tiền điện sẽ được gia hạn thanh toán đến hết thời gian giãn cách để giúp dân hạn chế đi lại để nộp tiền điện, thực hiện chủ trương giãn cách và giúp họ có điện sinh hoạt khi phải ở nhà. Khoản nợ tiền điện trong thời gian giãn cách có thể đóng một lần hoặc chia đều vào các hóa đơn của các tháng cuối năm hay sang đầu năm sau.

Tiền điện, nước, Internet, viễn thông thậm chí còn quan trọng hơn cả hàng thiết yếu. Có những người đã phải nhịn ăn một vài bữa khi TP HCM bị giãn cách, nhưng tôi vẫn nghĩ "nhịn" điện, nước còn cực hơn nhiều.

Là doanh nghiệp nhà nước cung cấp dịch vụ thiết yếu, EVN còn có nhiệm vụ cùng chính phủ giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy kinh tế. Điều chỉnh giá điện linh hoạt khi dân chúng khó khăn không chỉ có ý nghĩa an sinh xã hội mà còn thể hiện vai trò và tính ưu việt của một doanh nghiệp của dân.
( C. H sưu tầm )

 

tin tức liên quan