"Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020". TG: Hoàng Văn Kính
Thể thao Việt Nam
tại Olympic Tokyo 2020
Hoàng Văn Kính
Sau một năm phải trì hoãn vì đại dịch Covid-19, cuối cùng Olimpic Tokyo 2020 đã được khai mạc vào tối 23/7 và kết thúc ngày 8/8. Có 11.058 vận động viên của 206 đoàn thể thao đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, thi đấu ở 33 bộ môn để tranh giành 339 bộ huy chương.
Đoàn thể thao Việt Nam ( TTVN ) sang Tokyo gồm 43 thành viên, trong đó có 18 vận động viên ( VĐV ) thi đấu ở 11 bộ môn: Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành ( Thể dục dụng cụ ); Quách Thị Lan ( Điền kinh ); Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thị Ánh Viên( Bơi ); Hoàng Xuân Vinh ( Bắn súng ); Trương Thị Kim Tuyền ( Taekwondo ); Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ ( Bắn cung ); Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thùy Linh ( Cầu Lông ); Lương Thị Thảo, Đinh Thị Hảo ( Đưa thuyền rowing ); Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Văn Đương( Boxing ); Nguyễn Thị Thanh Thủy ( Judo ); Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên ( Cử tạ ).
Mục tiêu của toàn đoàn là có huy chương ( HC ). Có cơ sở vì tại Olympic Rio de Janeiro, Brasil 2006 VĐV Hoàng Xuân Vinh đã giành được HCV ở môn bắn súng ngắn hơi nam cự li 10m lập kỉ lục Thế vận hội và HCB ở nội dung súng ngắn 50m.
Khi bình luận về các hoạt động thị đấu của VĐV VN trên các kênh truyền hình, thường chúng ta được nghe bài ca: Các VĐV của chúng ta đã rất cố gắng…VĐV của chúng ta đã gặp phải đối thủ rất mạnh… Một ngày không được may mắn… Ít khi thấy họ bình luận thẳng, chỉ rõ nguyên nhân chủ quan của sự thất bại, điều mà nhiều người hâm mộ rất dễ nhận thấy.
Chỉ có 2 điểm sáng le lói là tấm vé vào bán kết 400m rào của Quách Thị Lan, VĐV châu Á duy nhất làm được điều này tại Olympic Tokyo 2020, đồng thời trở thành VĐV VN đầu tiên trong lịch sử vào đến bán kết một nội dung chạy ở Thế vận hội. VĐV Nguyễn Thùy Linh cũng đáng được ghi nhận, kết thúc bảng P môn cầu lông chị thắng 2 trận, thua 1 trận trước tay vợt số 1 thế giới Tai Tzu Ying ( Đài loan ). Lần đầu tiên VN có một tay vợt nữ thắng hai trận liên tiếp tại một kì Thế vận hội. Có 4 cái tên được kì vọng nhất nhưng cũng mang lại nỗi thất vọng ê chề nhất. Hoàng Xuân Ving xếp hạng 22/36, sớm thành cựu vô địch.
Thạch Kim Tuấn có một kì Olympic đáng quên, thất bại trong cả 3 lần cử đẩy, không được xếp hạng. VĐV Kim Tuyền ( Taekwondo ) võ sỹ hiếm hoi được đi tập huấn ở nước ngoài nhưng không cải thiện được thành tích, ngược lại còn bộc lộ nhiều hạn chế về kĩ thuật và thể lực. Nguyễn Thị Ánh Viên có thành tích thấp nhất trong 10 năm qua ở cự li bơi 200m tự do, trong khi ở cự li 800m kém đối thủ về đầu gần một vòng bể.
Nhiều người trong đó có các quan chức của ngành thể thao đã đổ tội lên đầu đại dịch Covid-19 vì 2 năm qua chúng ta không có điều kiện để cọ sát với thế giới, nhưng thưa rằng khó ta thì cũng khó người, ở các nước ấy đại dịch còn khủng khiếp hơn ở nước ta. So sánh với các quốc gia Đông Nam Á có một chút máu mặt mới thấy thành tích của TTVN là cực kì kém cỏi, cực kì thất vọng. Indonesia giành 1 vàng, 1bạc, 2 đồng; Thái Lan và Philippines đều có 1 vàng; Malaysia 1 đồng.
Phải thừa nhận một sự thật, trong những năm qua TTVN mới chỉ tạo được sự chú ý trên sân chơi SEA Games, chưa đủ tầm để bước ra các đấu trường lớn ở châu lục và thế giới.
TTVN có một khoảng trống rất lớn về lực lượng kế cận, quanh đi, quẩn lại vẫn chỉ có mấy cái tên nghe mãi đã thấy nhàm: Xuân Vinh, Tiến Minh, Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn. Già rồi, chân yếu, tay mềm, thể lực suy giảm, phản xạ chậm chạp… thua là phải. Đến như kình ngư Nguyễn Ánh Viên được đầu tư cả “ núi tiền ”, có thời gian dài được sang Hoa Kì tập luyện nhưng cũng chỉ quanh quẩn trong cái ao ĐNA, không thể phát triển được. Cô đã bước qua thời kì đỉnh cao, đấy cũng là bài học đắng về đầu tư.
Nếu như tại Olympic 2016, TTVN có 23 VĐV thi đấu thì đến Tokyo chỉ có 18 VĐV. Từ Athens 2004 đến Rio 2016, số lượng VĐV đạt chuẩn Olympic của ta không ngừng tăng, trong đó nhiều người đạt chuẩn A.
Ngoài những môn có thế mạnh truyền thống như: bắn súng, cử tạ, chúng ta còn cải thiện thành tích ở những môn thể thao đại diện cho Thế vận hội như: bơi lội, điền kinh. Đến Tokyo năm nay, TTVN chưa được 10 xuất chính thức ( trong đó có Nguyễn Huy Hoàng với 2 xuất chuẩn A ), những người nhận vé sau chỉ đạt chuẩn B Olympic và theo diện được mời tham gia. Trường hợp của Ánh Viên cũng chỉ theo diện “phiếu bình đẳng giới” hay còn gọi là đi “ ké” nhờ chính sách: Nếu một quốc gia X có bao nhiêu xuất dành cho nam, thì nữ cũng được nhận bấy nhiêu xuất. Chính sách này của IOC suy cho cùng cũng chỉ nhằm tạo điều kiện cho những quốc gia thể thao không thật sự mạnh có dịp để trải nghiệm Thế vận hội, do đó cũng không thể tranh tài huy chương, họ đều sớm bị loại và không để lại ấn tượng gì, trong đó có các VĐV VN
Mỗi lần thất bại, nguyên nhân thường được nhắc đến là tâm lí không ổn định. Với các VĐV trẻ lần đầu được tham gia một sự kiện thể thao tầm cỡ như Olympic thì điều ấy là đúng ( nhưng không phải với tất cả ), còn với những trụ cột, những cây đa cây đề, đã từng nhiều năm chinh chiến trên các đấu trường quốc tế, đã từng tham gia nhiều kì Olympic thì đấy chỉ là một cách nói để lấp liếm cho sự kém cỏi.
Sau 4 thập niên thạm dự 10 kì Olympic, TTVN mới chỉ giành được có 1 HCV, thứ hạng quá khiêm tốn nếu so với thể thao Thái Lan 10 HCV, Indonesia 8 HCV. Olympic Tokyo 2020 là một thất bại rất đáng buồn vì: Không đạt được mục tiêu đề ra là có huy chương, thành tích tụt lùi so với Olympic trước đó và có nhiều nội dung thi đấu các VĐV không thắng được chính bản thân mình.
Là đấu trường khắc nghiệt nhất, ở đấy quy tụ những vận động viên hàng đầu đến từ 205 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Không phải là cái ao làng, bởi vậy muốn lập công phải có một chiến lược thích hợp và thực hiện một cách bài bản, khoa học mới mong vượt qua được các đối thủ và đứng trên bục vinh quang.
TTVN cần phải thật sự cầu thị xem lại cả 3 khâu: Tuyển chọn – Đầu tư – Đào tạo huấn luyện và phải có một “ lãnh tụ ” thật sự có đủ cả tâm và tầm để cầm lái con thuyền này.
Hy vọng Thế vận hội 2024 tại Paris, chúng ta sẽ có huy chương.
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT và BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN