Ngăn chặn nạn lừa đảo, biến tướng từ bán hàng đa cấp

Ngày đăng: 08:25 10/08/2021 Lượt xem: 216

Ngăn chặn nạn lừa đảo, biến tướng từ bán hàng đa cấp

                                       Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân

Hiện tượng núp bóng bán hàng đa cấp để lừa đảo, phạm vi bán hàng chỉ loanh quanh trong mạng lưới nhà phân phối khiến bán hàng đa cấp bị mang tiếng xấu.

Để ngăn chặn các hình thức lừa đảo từ bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương đang tham mưu giúp Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12-3-2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Loanh quanh bán hàng trong mạng lưới

 Gần đây, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo hình thức kinh doanh đa cấp tại Công ty Liên kết Việt do Lê Xuân Giang cầm đầu đã bị Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử. Giang và đồng bọn đã lừa đảo hơn 66.000 nạn nhân để chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng. Nhiều đường dây lừa đảo tương tự đã bị bóc gỡ. Nhiều đối tượng đã bị tuyên những mức án rất nghiêm khắc. Nhưng tình trạng lừa đảo, biến tướng của bán hàng đa cấp vẫn tiếp diễn, vì nhiều người nhẹ dạ vẫn cả tin vào những lời đường mật hứa hẹn về một vị trí việc làm thu nhập tốt mà nhàn hạ.

 
 
Ngăn chặn nạn lừa đảo, biến tướng từ bán hàng đa cấp

Phiên tòa xét xử vụ lừa đảo đa cấp Công ty Liên kết Việt. Ảnh: Doãn Tấn 

Để lập “hàng rào” hiệu quả hơn chống lại các hình thức bán hàng đa cấp bất chính, Bộ Công Thương đang tham mưu giúp Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12-3-2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo phân tích của Bộ Công Thương, hoạt động bán hàng đa cấp có bản chất là phân phối bán lẻ hàng hóa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không chú trọng bán hàng mà tập trung xây dựng mạng lưới người tham gia và tìm các cách khác nhau để người đó mua hàng. Vì vậy, hàng hóa chủ yếu được tiêu thụ trong mạng lưới. Việc mua hàng chủ yếu để đạt thành tích, cấp bậc và hưởng hoa hồng, không chú trọng việc đưa hàng hóa đến cộng đồng. Do đó, cần có chính sách, quy định cụ thể thúc đẩy hoạt động bán hàng của người tham gia, đưa bán hàng đa cấp đi theo đúng bản chất của một phương thức phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng. Do vậy, trong dự thảo nghị định, Bộ Công Thương đề nghị bổ sung quy định: Tổng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác trên cơ sở kết quả bán hàng của người tham gia hệ thống bán hàng đa cấp phải đạt tối thiểu 20% tổng số hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác mà người đó được hưởng từ doanh nghiệp trong 1 năm. Ví dụ, một người tham gia hệ thống nhận được 100 triệu đồng tiền hoa hồng từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong 1 năm thì tối thiểu phải đạt được 20 triệu đồng tiền hoa hồng từ hoạt động bán hàng trực tiếp của chính người đó.

Cách nào giúp làm giảm nguy cơ lừa đảo?

 Góp ý vào dự thảo nghị định do Bộ Công Thương xây dựng, Ban Pháp chế của Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam lập luận, quy định như vậy là can thiệp quá sâu vào kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Ban Pháp chế của Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ với quan điểm thúc đẩy bán lẻ tại các doanh nghiệp bán hàng đa cấp và đề xuất giải pháp linh hoạt áp dụng các chương trình khuyến mại, hoặc xây dựng cơ chế để doanh nghiệp phải bán hàng tới khách hàng là người tiêu dùng với tỷ lệ nhất định trên tổng doanh số.

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Pháp luật kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, bán hàng đa cấp thu hút rất đông nhà phân phối, dễ bị trục lợi bởi các hành vi lừa đảo nên rủi ro cá nhân sẽ chuyển thành rủi ro xã hội; đồng thời cũng có những rủi ro nhất định trong hoạt động quản lý thuế. Tuy nhiên, việc bổ sung quy định khống chế mức sàn hoa hồng doanh thu bán lẻ trong tổng số tiền thưởng, thù lao khác hay giới hạn chi thưởng, hoa hồng, lợi ích kinh tế khác không những không làm giảm nguy cơ lừa đảo, biến tướng, mà còn ảnh hưởng tới tính chủ động của doanh nghiệp.

PGS,TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhấn mạnh, thời gian qua, các mô hình lừa đảo đa cấp biến tướng không chỉ ảnh hưởng tới tài sản của nhiều người dân, mà còn gây xáo trộn, làm mất an toàn trong đời sống kinh tế, xã hội. Do vậy, cần có các quy định về chế tài xử lý nghiêm khắc với các hành vi kinh doanh đa cấp chưa được cấp phép kinh doanh hay những hành vi kinh doanh bị cấm theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 40/2018/NĐ-CP để lập lại kỷ cương và sự công khai, minh bạch cho hoạt động kinh doanh đa cấp.

Thực tế, đa cấp là một loại hình kinh doanh tồn tại tương đối phổ biến trên thế giới và cũng có những đóng góp nhất định cho kinh tế, xã hội, nhất là trong ngành bán lẻ. Tuy nhiên, nếu hoạt động kinh doanh theo mô hình này không được quản lý tốt thì đó sẽ tiếp tục là nơi chứa những hoạt động lừa đảo. Do vậy, những chế tài mạnh mẽ cả cho cá nhân và các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép, lừa đảo cần được quy định đầy đủ, rõ ràng và cần được thực thi nghiêm nhằm ngăn chặn từ sớm, tránh để xảy ra hậu quả rất nặng nề cho xã hội với hàng chục, hàng trăm nghìn nạn nhân bị “sập bẫy đa cấp” thì mới khởi tố vụ án. Ngoài ra, theo chúng tôi, rất cần quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải công khai giá bán lẻ sản phẩm hàng hóa để người dân tham khảo, so chiếu trước khi quyết định mua hàng. Có lẽ như vậy, bán hàng đa cấp mới minh bạch hơn và hạn chế các hoạt động lừa đảo núp bóng.
( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan