Tại diễn đàn hàng không vũ trụ MAKS-2021 diễn ra gần đây ở Zhukovsky, ngoại ô Moskva, các phát biểu của quan chức liên tục nói về sự tăng tốc của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Đó là máy bay không người lái tấn công hạng nặng Okhotnik sẽ hoàn thành trước thời hạn một năm so với kế hoạch đề ra, hay máy bay chiến đấu một động cơ của công ty Sukhoi sẽ bắt đầu được sản xuất hàng loạt sau 5 năm nữa sau khi nguyên mẫu đầu tiên dành cho thử nghiệm tĩnh được thực hiện.
Một thông tin đáng chú ý được tiết lộ tại Zhukovsky là loại bom lượn Drill (mũi khoan) đã đến giai đoạn tăng tốc và sẽ được đưa vào trang bị vào cuối năm 2021.
Việc thử nghiệm Drill không chỉ đươc tiến hành trong nước, một số mẫu thậm chí đã được đưa tới Syria. Điều này được tiết lộ từ đoạn video của Bộ Quốc phòng Nga. Theo đó, một máy bay thả bom xuống và quả bom đã bay, lượn trên khoảng cách 30 km rồi khi tiến đến một nhóm mục tiêu, nó được chia ra thành vô số quả bom con, tạo ra một biển lửa trên mặt đất.
Đó là cách thức hoạt động của bom Drill, được thiết kế để chống lại xe bọc thép. Nhưng được biết rằng, ở Zhukovsky, các nhà phát triển đã chuẩn bị một số sửa đổi của loại bom này và mỗi loại sẽ có đặc trưng riêng. Nghĩa là, có thể mong đợi các tùy chọn khác như bom phân mảnh và có sức công phá cao, bom xuyên thủng bê tông, và một số phương án khác nữa. Và thậm chí có thể sẽ còn có bom áp nhiệt. Việc sản xuất các sửa đổi của Drill dự kiến sẽ được đưa ra càng sớm càng tốt, tức là trong 1 rưỡi - 2 năm tới.
Vậy Drill có tác dụng gì mà Nga có ý định sẽ tạo ra cả một dòng bom này và đang khẩn trương bắt tay vào sản xuất?
Các nhà phát triển của Tổ hợp sản xuất-khoa học Basalt (thuộc Liên hợp Tekhmash) tuyên bố rằng bom Drill hiện không có đối thủ. Các thuộc tính của loại bom này chứng minh điều đó. Loại bom chùm lượn PBK-500U với các bom con tự hướng tới mục tiêu SPBE-K Drill bắt đầu được chế tạo vào giữa những năm 90. Do nguồn tài trợ khan hiếm, dự án đã bị gián đoạn trong một thời gian dài và mới đến đầu những năm 2010 mới được khởi động lại. Loại bom này lúc đầu dự định sẽ được đưa vào trang bị vào năm 2016 và sau này là năm 2019, nhưng điều đó đã không xảy ra do việc doa các hệ thống đảm bảo độ chính xác chưa tốt. Cuối cùng sau nhiều năm, bom Drill cũng đã sẵn sàng và thậm chí nó còn được sát hạch ở Syria.
Bom Drill nặng 540 kg, chiều dài 3,1 m, đường kính tối đa 45 cm. Độ cao cho phép để ném bom trong khoảng từ 100-14.000 m, với tốc độ từ 700-1.100 km/h. Quả bom chứa 15 thành phần chiến đấu được thiết kế để phá hủy các phương tiện bọc thép, cũng như các công trình kỹ thuật kiên cố, các hệ thống radar phòng không và sở chỉ huy của kẻ thù.
Sức mạnh vượt trội
Drill thuộc dạng bom lượn, được thả ở khoảng cách vài km trước khi bay tới mục tiêu. Đối với Drill, khoảng cách lượn tối đa là 30 km. Điều này chưa thấm vào đâu so với các loại bom lượn của Mỹ, vốn có thể di chuyển độc lập cả trăm km hoặc hơn. Nhưng khoảng cách đó cũng không hề nhỏ và đủ đảm bảo cho máy bay chở Drill không đi vào vùng phòng không của đối phương.
Bom sẽ tiếp cận điểm tấn công định sẵn của kẻ thù nhờ tín hiệu GLONASS. Nó sẽ bay lượn với sự trợ giúp của những chiếc cánh di động và điều chỉnh hướng bay bằng cách sử dụng bánh lái khí động học. Ở độ cao 250 m so với mục tiêu đơn lẻ hoặc mục tiêu nhóm, đầu đạn chùm sẽ được mở ra và 15 thành phần chiến đấu bắt đầu hạ xuống bằng dù. Đồng thời, mỗi thành phần trong số đó sẽ tự tìm mục tiêu với sự hỗ trợ của đầu tự dẫn tia hồng ngoại và lao vào mục tiêu.
Các phần tử chiến đấu được trang bị một loại đạn xuyên giáp với khả năng xuyên giáp tới 800-900 mm thép đồng nhất. Trên thực tế, sức công phá như vậy là ấn tượng, vì để tiêu diệt xe tăng thì ở phần phía trên, độ dày của lớp giáp cũng không vượt quá 100 mm. Về mặt này, thực tế Drill không khác nhiều so với tổ hợp chống tăng Javelin của Mỹ. Tức là hiệu quả tấn công của chúng là như nhau.
Mỹ cũng có loại bom chùm chống tăng. Đây là loại bom lượn AGM-154 JSOW có khả năng bay xa tới 110 km. Trong một sửa đổi, bom chùm này có 6 bom con. Nhưng chúng có sự khác biệt đáng kể về nội dung bên trong so với Drill. Mỗi bom con của Nga đều có một bộ phát đáp nhận dạng "bạn - thù". Có nghĩa là, Drill có thể được ném vào một trận địa dày đặc xe tăng, nhưng nó sẽ không gây ra bất kỳ tổn hại nào cho các xe tăng Nga. AGM-154 không có chức năng này. Chính vì vậy, Drill có thể được coi là loại bom độc nhất vô nhị trên thế giới.
Còn một điểm đặc biệt nữa đó là hiệu suất của nó. Nếu Drill có khả năng tiêu diệt từ 6 đến 10 xe tăng, xe bọc thép chở quân, xe chiến đấu bộ binh và các loại xe bọc thép khác thì con số này của AGM-154 chỉ bằng một nửa.
Ngoài ra, theo đại diện của công ty Bazant, Drill còn có một số ưu điểm khác mà ít ai có thể cạnh tranh được. Ví dụ như, Drill có giá trị vùng tán xạ hiệu quả cực kỳ thấp. Có nghĩa là, nó thực tế là vô hình, radar của đối phương cực kỳ khó phát hiện ra nó và nó cũng có tỷ lệ trọng tải có ích trên trọng lượng của bom rất cao.
Các nhà thiết kế Drill đã mở rộng chức năng của nó. Thông qua việc sử dụng đầu dò radar thụ động trong các bom con. Phương án này được thiết kế để tiêu diệt các radar của đối phương nằm trong các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa khác nhau. Và cuối cùng, nói về những bom con xuyên bê tông. Có tới 10 quả bom con như vậy trong quả bom mẹ.
Cũng cần phải nói rằng Drill không phải xuất hiện đầu tiên. Trước đây, trong thời kỳ Liên Xô, công ty Bazalt cũng đã phát triển và đưa vào sản xuất hàng loạt bom chùm RBK-500. Chúng đã được sử dụng hiệu quả trong chiến tranh Afghanistan. Trọng lượng và kích thước của nó gần giống với kích thước của Drill. Nội dung bên trong cũng giống như vậy - bao gồm 15 phần tử tự dẫn chống tăng. Chỉ có điều, không có bộ phát đáp nhận dạng "bạn - thù".
Trong dòng bom RBK-500 cũng bao gồm bom phân mảnh, bom nổ phân mảnh có sức công phá cao, bom xuyên bê tông, bom định hướng chống tăng. Tuy nhiên, các loại bom chùm này không phải là bom lượn. Nó chỉ bay theo quỹ đạo được thiết lập bởi chế độ khi được thả ra khỏi máy bay - theo độ cao và tốc độ bay của bom.
Nguyễn Quang
Theo Svpressa.ru