TS Nguyễn Hùng Vĩ: Luôn thực hành "Đạo hiếu", không cứ chỉ Vu Lan
Nguồn: Báo Điện tử Thời Đại
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ - Nhà nghiên cứu văn học dân gian, nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá rằng: "Tôn giáo nào cũng trọng đạo hiếu và chữ hiếu luôn phải thực hành trong đời sống hàng ngày".
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ - nhà nghiên cứu văn học dân gian, nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). |
Thưa ông, xin ông cho biết lễ Vu Lan có mặt ở nước ta từ thời điểm nào?
Trả lời
Phật giáo vào nước ta từ rất sớm. Theo sách Lĩnh Nam chích quái (thế kỷ XIV - XV), trong Man Nương truyện và sách Cổ Châu luc (XVII) thì từ thời Sĩ Vương (137 - 226) cai trị Giao Châu, tức là cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III, các nhà sư như Ma ha Kỳ Vực và Khâu đà la đã truyền đạo ở vùng Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) và đã thực hành các pháp hội, lễ nghi Phật giáo ở đó. Các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam đã dựa vào ghi chép của Sử ký mà cho rằng, từ thời đó, các pháp hội Phật giáo nghiêm trang đã được thực hành.
Lễ Vu lan bồn là một lễ trọng mà bất cứ tông phái nào của Phật giáo cũng đều thực hành vì nó gắn với đạo hiếu (chí đạo - đạo chí tôn của Phật giáo), gắn với thực hành tu tập (mùa đi hạ), gắn với kinh sách cơ bản (Vu lan bồn kinh), gắn với việc cúng dường cho nhà Phật (cung dưỡng phật sự)...nên chúng ta có thể suy đoán rằng: cùng với thời gian Phật giáo được truyền bá thì lễ Vu lan cũng đã được thực hành trên đất Việt Nam vào thời kỳ đầu Bắc thuộc. Tuy nhiên, ghi chép thời đó để lại không còn rõ ràng.
Tài liệu ghi chép rõ ràng về lễ Vu lan bồn hiện tồn nằm trên tấm bia cực kỳ quý hiếm ở chùa Đọi, Hà Nam mang tên là "Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Ling tháp bi" do Nguyễn Công Bật soạn vào năm 1121 thời Lý Nhân tông. Lý Nhân Tông làm lễ Vu lan để tưởng nhớ cha mình là Lý Thánh Tông, mất năm 1072. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi vào ngày rằm tháng 7 năm 1118, Lý Nhân tông mở hội Vu lan để tưởng nhớ mẹ mình là Ỷ Lan Hoàng thái hậu mất một năm trước đó là năm 1117.
Trong tấm bia có dung lượng 4257 chữ này, tác giả dành một đoạn đến 396 chữ viết về một pháp hội hoành tráng mà chính Lý Nhân tông chủ trì tổ chức, đó là đoạn viết về tài lạ của hoàng đế khi chế tao Kim ngao. Nhưng thực chất là lễ Vu lan bồn.
Thời điểm tổ chức lễ trong bia ghi là vào tiết Trung thu cảnh đẹp, muôn việc nhà nông được rảnh rang. Vậy tại sao lại có thể suy ra đây lễ Vu lan mà sau này thường tổ chức vào tiết Trung nguyên tức rằm tháng bảy âm lịch?
Ngoài những tài liệu kể trên còn dữ liệu nào giúp ông đưa ra nhận định này?
Trả lời:
Theo tôi có 4 lý do sau đây để suy luận. Đầu tiên, sách Đại Đường Tây vực ký của Đường Tăng Trần Huyền Trang (602 - 664) từ thế kỷ VII, trong quyển 2 và quyển 8 còn ghi rõ, ở Tây Trúc, lễ Vu lan được tổ chức vào ngày 15 - 16 tháng Tám. Lịch Tây Trúc chênh với lịch nhà Đường một tháng và họ "kết hạ" vào 15 tháng 5, tính đến 15 tháng 8 là "giải hạ" và làm lễ Vu lan. Vì vậy, trên thế giới Phật giáo, nếu theo truyền thống cũ, người ta có thể tổ chức vào Rằm Trung Thu.
Về nội dung đoạn bia chúng ta thấy, Lý Nhân tông vì lý do lòng "hiếu thành" với cha mẹ mà lập hội. Về cấu trúc nội dung, so sánh với tác phẩm Vu lan bồn phú (bài phú viết về lễ Vu lan) của Dương Quýnh (một trong tứ kiệt thời Sơ Đường) viết về việc Võ Tắc Thiên làm lễ Vu lan, ta thấy rất tương đồng: Lý do mở lễ - Sắm sửa lễ vật - Hoàng đế rời cung - Lính tráng nghênh đón - Thực hành lễ nghi - Chiều quay trở về cung.
Về văn phong thì cả Bia Sùng Thiện và bài phú Vu lan đều dùng văn biền ngẫu chủ yếu theo thể tứ lục và tứ lục biến cách.
So sánh văn bản cho ta thấy rằng Vu lan bồn phú đời Đường đã được lưu truyền ở Việt Nam vào thời nhà Lý, ít nhất là trong giới tu hành. Điều này cho ta thấy rằng, thời Lý, lễ Vu lan bồn đã tổ chức rất hoàng tráng, trang nghiêm ở cấp triều đình. Chắc chắn trong dân gian cũng đã phổ biến. Các nhà ngôn ngữ học cũng đã chứng minh, kinh Đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, một bài kinh được niệm trong lễ Vu lan đã thịnh hành vào đời Lý.
|
Luôn thực hành Đạo hiếu, không cứ chỉ Vu Lan |
Những hoạt động tín ngưỡng về Lễ Vu Lan ''xưa" được thực hành như thế nào, thưa ông?
Trả lời:
Hoạt động tín ngưỡng ngày xưa trong lễ Vu lan bồn được thực hành cả ở nhà chùa và tư gia, trong đó ở nhà chùa là chính.
Nhà chùa tổ chức lễ trọng, cờ phướn trang nghiêm, các sư tập trung thực hành "tự tứ" (kiểm thảo, sám hối sau kỳ đi hạ 3 tháng). Sau đó đón phật tử vào đảnh lễ nghe kinh. Các nhà sư tụng kinh và giảng kinh.
Ngoài các kinh tung theo quy cách như cúng hương, kỳ nguyện, tán Phật, quán tưởng, đảnh lễ, chú đại bi... thì những kinh sau đây như Kinh Vu lan bồn (đã chuyển nôm lục bát 144 câu thơ), Kinh báo ân phụ mầu (đã chuyển nôm song thất lục bát 368 câu, 92 khổ thơ), Kinh bát nhã ba la mật (đã chuyển song thất lục bát 50 câu, hơn 12 khổ), Sám vu lan (đã chuyển thơ bốn chữ 48 câu), Sám mục liên (đã chuyển lục bát 58 câu), Kệ hồi hướng, Kệ phục nguyện v.v. Những tác phẩm có giá tri như Văn tế thập loại chúng sinh, tương truyền là của thi hào Nguyễn Du cũng được tụng đọc trong lễ Vu lan này.
Phật tử đi chùa, mùa này cũng là mùa cúng dường chính của tín chủ. Nhà chùa tổ chức cầu nguyện và phát lộc.
Ở các nhà riêng, người ta trang thiết cỗ chay để cúng tổ tiên 7 đời, tụng kinh, cầu nguyện và sám hối. Tinh thần thể hiện đạo hiếu. Kèm theo đó là tục cung dưỡng cho cha mẹ ông bà tổ tiên bằng cách đốt gửi vàng mã. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì tục này là sự kết hợp với nghi lễ đạo giáo.
Vì là cầu siêu độ vãng sinh nên tất cả các vong nhân, cô hồn đều được câu để siêu thoát, vì thế mà có chủ đề Xá tội vong nhân, rồi thành tên gọi thay cho Vu lan bồn.
Lễ Vu Lan có phải là thời điểm thích hợp để thể hiện chữ "Hiếu" không thưa ông?
Trả lời:
Đã là tôn giáo thì tôn giáo nào cũng trọng đạo hiếu cả. Con người ta sinh ra có mẹ có cha, có dòng có giống nên đạo hiếu là rất trọng.
Chữ hiếu trong Nho giáo cũng rất rộng rãi và chủ yếu là con cái chăm sóc cha mẹ khi cha mẹ còn sống và cúng thờ gia tiên khi họ đã mất. Vì đạo Nho là đạo của người quân tử, người đàn ông học hành làm quan nên dần dần họ rút lại rất hẹp ở cái gọi là "tam bất hiếu".
- A ý khúc tòng, hãm thân bất nghĩa (Tùy ý bố mẹ mà dấn vào điều bất nghĩa - đó là thứ nhất)
- Gia bần thân lão, bất vi lộc sĩ (Nhà nghèo cha mẹ già mà không làm quan lấy lộc về - là bất hiếu thứ hai)
- Bất thú vô tử, tuyệt tiên tổ tự (Không vợ, không con, làm đứt mạch cúng tế tổ tiên - là bất hiếu thứ ba).
Ở Phật giáo, chữ hiếu vô cùng quảng đại, dành cho cả lục đạo chúng sinh (chúng sinh sáu đường: Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh, A tu la, Người và Trời). Cái này trong các bài kinh đã nói rõ.
Do đó, theo tôi cần luôn thực hành chữ "Hiếu" trong đời sống hàng ngày, không cứ chỉ dịp lễ Vu Lan. Còn một kì lễ Vu lan là đủ rồi. Vì lễ là ngày kỉ niệm, ngày nhắc nhớ, không nhất thiết phải thêm các kì lễ tương tự.
Trân trọng cảm ơn ông!
( C. H sưu tầm)