THÀNH PHỐ LONG KHÁNH - THÀNH PHỐ XANH
Ghi chép của Phạm Tiến Đặng
Hội viên Hội VHNT TS - CTV Trang thông tin điện tử Trường Sơn
Hai lần trong tháng qua, tôi tận mục sở thị cách phòng chống dịch COVIT của TP Long Khánh (Đồng Nai). Sáng nay tôi quyết định một lần nữa trực tiếp ghi lại một số hình ảnh thực tế và nếu có thể sẽ viết bài. Mặc bộ quân phục, tôi chạy từ đầu đến cuối Thành phố rồi rẽ vào nhiều tuyến đường. Cảm nhận đầu tiên trong tôi là thành phố xanh hàng ngày trước đây vô cùng sôi động nay bình yên, tĩnh lặng lạ thường.
Tôi gặp Trung tá Lê Dẫn Hòa tại một tổ chốt. Hình như anh là Tổ trưởng, tổ chốt chặn tuyến đầu QL1A từ TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa và các tỉnh Miền Đông ra Long Khánh. Anh vừa kiểm tra xong phương tiện ra vào. Tranh thủ nửa phút ngắn ngủi tôi xin anh số điện thoại. Hòa đọc cho tôi ghi 09....Tôi chào anh và tiếp tục chạy đi quan sát thêm vài tổ chốt. Nhìn chung cứ đầu và cuối mỗi con đường là có hàng rào di động và tổ chốt gác 24/24.
Quẹo từ đường Hùng vương vào đường Nguyễn Trãi, tuyến đường khá dài nối từ phía bắc Thành phố tới phía Đông nam Thành phố tôi thấy ngay tổ kiểm dịch Nguyễn Trãi gồm hai cán bộ công an, đồng chí Trần Văn Hùng tổ trưởng cùng ba, bốn dân phòng trong số đó có một chiến sỹ nữ. Các em, các cháu tuổi đời còn rất trẻ. Vậy mà cách làm việc rất bài bản, nhanh gọn và chuyên nghiệp. Tôi đứng cách xa gần hai mươi mét quan sát các chiến sỹ công an và dân phòng thực thi nhiệm vụ.
Những trường hợp cấp cứu, người vận chuyển các mặt hàng thiết yếu được anh em mời thông chốt nhanh gọn. Một số trường hợp khác thì nhẹ nhàng giải thích, nhắc nhở khuyên bà con quay về hoặc cho đi thật rõ ràng và linh hoạt.
Tôi đảo qua ba, bốn chốt phòng dịch nữa từ phía bắc Long Khánh giáp với huyện Xuân Lộc đến các chốt trong nội ô quan sát thấy ở đâu cách làm của lực lượng chức năng cũng đều như vậy.
Trời trưa đứng bóng. Nắng như thiêu da, đốt thịt. Tôi tấp vào cái hiên rộng của một căn nhà. Tranh thủ ăn trưa và ngồi nghỉ trên yên xe. Khẩu phần trưa nay tôi mang theo gồm hai bánh mì nhỏ, bên trong vài lát dưa chuột, dăm miếng thịt chiên thái mỏng rải đều chút tương ớt và chai nước trà pha sẵn. Thưởng thức bữa trưa xong tôi châm lửa phì phèo điếu thuốc. Trong đầu tôi hiện lên câu nhắc nhở dặn dò rất kỹ của các tướng lĩnh lãnh đạo Hội Trường Sơn Việt Nam: "Những người cầm bút trong đội ngũ chúng ta - Những người lính già tuổi cao, sức yếu. Cả tuổi thanh xuân đã chiến đấu cho đất nước thanh bình. Những bài báo, tin viết, hình ảnh của các đồng chí gửi về cho Ban Biên tập phải hết sức chính xác không giật gân, tô hồng, đánh bóng. Sao cho xứng với truyền thống của bộ đội Trường Sơn Anh hùng ". Tôi canh đúng 12g kém15 gọi vào số máy của Trung tá Hòa. Đầu dây giọng Hòa còn chưa rõ a lo..ô..ô..Có lẽ anh đang nuốt vội miếng cơm nhai dở. Sau khi nghe tôi tự giới thiệu. Hòa khẽ à một tiếng bảo:
- Hèn gì khi sáng có anh em nhắc: Có người đang chụp hình tổ mình. Em bảo kệ họ. Đó là quyền giám sát của công dân. Miễn sao anh em mình cứ làm tròn, làm tốt chức trách nhiệm vụ là được…
Tôi hỏi Hòa:
- Sáng nay mình đứng quan sát hơn một giờ, thấy có một vài trường hợp đáng xử phạt theo quy định phòng chống dịch. Mà sao chỉ thấy anh em trong tổ chốt nhắc nhở, giải thích rồi cho đi tiếp hoặc cho quay đầu? Cả tháng chốt phòng dịch mình phạt được nhiều không?
Tiếng Hòa cười trong điện thoại:
-Hầu như không anh ạ! Bởi chúng em đã xác định đã là người chiến sỹ Công an Nhân dân thì phải vui, buồn chia xẻ cùng dân. Dân chưa rõ, chưa hiểu mình phải giải thích, thuyết phục. Phạt vi phạm thì không sai. Nhưng đại dịch dân đã không có thu. Giờ mình phạt vài trăm, vài triệu họ đang khó lại thêm khổ. Trường hợp phải phạt là cực chẳng đã chỉ dành cho người hiểu nhưng cố tình không hiểu thôi, anh! Nhà tụi em ở gần. Nhưng cả tháng tập trung cho phòng dịch. Ăn, ngủ tập trung hết. Có ai về nhà được đâu! Chỉ biết thông tin từ gia đình vào lúc nghỉ ca qua điện thoại. Rồi Hòa chia sẻ cho tôi biết cách làm của lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, các ban ngành Long Khánh về phòng chống dịch. Ngay từ những đợt dịch đầu mới phát sinh chưa ảnh hưởng gì tới Thành phố xanh này. Lãnh đạo đã họp, nhận định và đưa ra một số kịch bản, giải pháp cụ thể phòng chống dịch nếu lây lan trên diện rộng. Đương nhiên là cũng dựa vào bốn phương án tại chỗ. Nhưng mấu chốt là tuyên truyền, vận động, thuyết phục sao cho toàn dân dễ hiểu, cùng hiểu và thấm. Để lỡ dịch tràn tới nhân dân Thành phố đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước, chính quyền quyết tâm khống chế và dập dịch thật nhanh, thật gọn.
Qua trao đổi tôi được biết Hòa quê ở Hà Tĩnh. Hiện anh đang là cán bộ Đội xây dựng phong trào công an Long Khánh. Anh được điều về hỗ trợ cho công an phường Xuân Bình trực tiếp chốt tại đầu đường Hùng Vương cửa ngõ chính ra vào thành phố Long Khánh.
Mười phút nói chuyện trôi qua thật nhanh. Hòa xin cúp máy vì còn ra chốt trực.
Tôi quyết định chạy vòng vòng qua các phố để quan sát tiếp. Suốt gần hết buổi chiều tôi đi thêm bốn chốt gồm: Đường Trần Phú, Thích Quảng Đức, Hồ Thị Hương và tuyến đường từ huyện Cẩm Mỹ - ngã 3 Hàng Gòn dẫn vào phía Đông Thành phố. Chốt nào, ở đâu cũng với cách làm phòng dịch chặt chẽ nhưng nhẹ nhàng, khéo léo như các chốt buổi sáng tôi đã từng quan sát.
Người dân Long Khánh khi chưa có dịch hàng ngày tấp nập ngược xuôi. Chợ, cửa hàng buôn bán sầm uất, đông vui, người, xe xuôi ngược chen chân là thế. Vậy mà họ đã tự giác bảo ban, nhắc nhở, giúp đỡ, chia sẻ...cùng các cấp chính quyền địa phương đồng lòng dập dịch.
Tôi chạy tới chốt ngay cây xăng ngã ba vào Long Khánh. Thấy người lính trẻ cảnh sát cơ động đang vui vẻ, nhẹ nhàng giải thích gì đó với cặp vợ chồng một người đi xe máy cũ (nhìn qua cách ăn mặc tôi đoán họ là dân làm vườn). Tôi hỏi anh công an đứng cách chừng bốn mét.
-Chú ơi ! Chú em cảnh sát cơ động đang giải thích gì vậy?
Anh công an trả lời:
-Dạ chú ấy đang giải thích và khuyên bà con quay về nhà mài giũa lại dao, cuốc dùng tạm. Hết dịch rồi hãy đi mua sắm. Có vào Thành phố giờ cũng chẳng ai bán, lỡ lây dịch lại khổ.
Chú công an còn nói thêm với tôi: -Đứng làm nhiệm vụ trước dân mặt mũi nó gắng tươi tỉnh vậy. Chứ nghỉ ca là Trần Hữu Hòang lại lặng im, buồn vì thương vợ chỉ vài ngày nữa là sinh con đầu lòng. Nhà cậu ấy ở mãi ngoài Bắc Ninh cơ. Cậu ấy ở Trung đoàn Cảnh sát cơ động Nam Miền Trung mới tăng cường vào đây cùng tổ chốt các cháu phòng chống dịch đấy.
Tôi đã nhìn, nghe trực tiếp các em, các cháu công an, dân phòng đang đứng trên tuyến đầu chống dịch cùng nhau dầm mưa, dãi nắng...Phải chăng đó là những con người mình đồng, da sắt? Không! Họ cũng da, thịt như tất cả chúng ta. Nhưng trong họ là ý thức, tinh thần cống hiến, tất cả vì sự bình yên cho nhân dân. Điều đó đã luyện lên đạo đức, ý trí kiên cường trong mỗi con người họ.
Cách phòng chống dịch Covid của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thành phố với tôi chỉ có thể nói gọn trong bốn từ: Ngoài vững - trong ấm!
Miền Nam đang mùa mưa. Trời đang nắng chang chang bỗng cơn mưa rào ập đến. Tôi vội chạy vô hiên căn nhà ven đường cho khỏi ướt. Có lẽ ngoài kia nơi các chốt kiểm dịch những cán bộ, chiến sỹ công an, cảnh sát cơ động, dân phòng họ vẫn đang phải dầm mình dưới mưa để cùng toàn dân chung tay chống dịch.
Chiều ngày 29/8/2021.
MỘT HÌNH ẢNH VỀ CHỐNG DỊCH CỦA TP. LONG KHÁNH, ĐỒNG NAI
TP. Long Khánh thực hiện giãn cách xã hội đường phố hầu như không bóng người. Các ảnh trên.
Các chiến sĩ công an, cảnh sát cơ động... cần mẫn làm nhiệm vụ tại các tổ chốt tại TP. Long Khánh. Các ảnh dưới.
Trung tá Lê Dẫn Hòa làm nhiệm vụ tại một tổ chốt.