Về bài toán "an dân để chống dịch" và "chống dịch để an dân"
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Tiểu ban An sinh xã hội và Tiểu ban An ninh trật tự xã hội do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo đã cho thấy tầm quan trọng và khó khăn của hai lĩnh vực này.
Tình hình dịch covid 19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Như mọi quốc gia, Việt Nam muốn bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đó là phòng chống dịch hiệu quả mà muốn phòng chống hiệu quả thì trước hết, phải an dân. Đây là bài toán khó, có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, không thể tách rời…
Tại Việt Nam, chúng ta đã từng ba lần chiến thắng đại dịch này và khi đó, nước ta được coi là địa chỉ an toàn, lòng dân an tâm và phấn khởi.
Tuy nhiên, trước sự biến chủng của virus Corona, lần bùng phát thứ tư này đặt chúng ta trước rất nhiều khó khăn. Song, bằng quyết tâm của Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ của nhân dân, chúng ta đang từng bước khắc phục dù biết rằng khó khăn vẫn còn trước mắt mà một trong những nhiệm vụ khó khăn đó chính là công tác an dân.
Có lẽ chính vì điều đó, tại Quyết định số 84/QĐ-BCĐ về việc ban hành Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng đã phân công Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Tiểu ban Tài chính, hậu cần, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của tiểu ban. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Y tế. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo làm đầu mối phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách cần thiết trình UB Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của tiểu ban này.
Đặc biệt, Tiểu ban An sinh xã hội và Tiểu ban An ninh trật tự xã hội do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo đã cho thấy tầm quan trọng và khó khăn của hai lĩnh vực này.
Vậy làm gì để "an dân", để người dân yên tâm cùng chống dịch? Theo tôi, có hai vấn đề mấu chốt. Thứ nhất, đó là thành công trong lĩnh vực y học, cụ thể là tổ chức tốt hệ thống phòng chống dịch và áp dụng có hiệu quả các biện pháp chữa bệnh tiên tiến kịp thời. Thứ hai, đó là công tác an sinh xã hội. Về y học, xin không bàn trong bài viết này mà chỉ đề cập đến vấn đề thứ hai, đó là "an dân" qua công tác an sinh xã hội.
Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 tỉnh, thành phố do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung nguồn lực chăm lo an sinh xã hội, không để ai thiếu đói, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân.
Đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm là một trong số các cơ quan chủ chốt về công tác an sinh xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã khẳng định:
"Chúng ta chỉ có thể thành công trong chống dịch khi an dân, để Nhân dân yên tâm cùng chống dịch" - Bộ trưởng Dung nói.
Cũng tại cuộc họp nói trên, ông Dung cho biết có hàng triệu gia đình ít nhiều bị ảnh hưởng, trong đó có không ít hộ hiện đã và đang gặp rất nhiều khó khăn đồng thời cho biết đã có hơn 15 triệu người được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68, tiền đã chi hỗ trợ 8.400 tỷ đồng, 1,2 triệu lao động tự do với 2.180 tỷ đồng được nhận, 37 nghìn hộ sản xuất kinh doanh được hỗ trợ, hàng chục triệu túi an sinh đã được chuyển đến người dân.
Tuy nhiên công bằng nhìn nhận, con số trên chưa lớn và với nhiều gia đình, khó khăn hiện diện ngay trước mắt, đó là chưa kể nếu dịch bệnh kéo dài, tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước, sự đồng tình, chia sẻ của mỗi người dân trên tình thần yêu thương, đùm bọc "Lá lành đùm lá rách" như truyền thống dân tộc Việt Nam ta.
Mong rằng với tinh thần tận tình và sáng tạo của đội ngũ thầy thuốc, sự quyết liệt của biện pháp và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, dịch bệnh sẽ sớm được khống chế.
Cũng mong rằng với nỗ lực của mỗi người dân cùng với các chính sách phù hợp của Nhà nước, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này bởi xin nhắc lại, muốn an dân, phải chống dịch và muốn chống dịch, phải an dân!
( C. H sưu tầm)