Trung Quốc tung luật đòi kiểm soát tàu bè: Âm mưu thúc đẩy yêu sách ở Biển Đông
Trung Quốc tung luật đòi kiểm soát tàu bè: Âm mưu thúc đẩy yêu sách ở Biển Đông
Nguồn: Báo Điện tử VTC
Theo các chuyên gia, luật an ninh hàng hải mới của Trung Quốc thể hiện bước tiếp theo trong âm mưu thúc đẩy các yêu sách trên Biển Đông, và quốc tế sẽ phản ứng.
Cuối tuần qua, Trung Quốc thông báo từ 1/9, nước này sẽ yêu cầu các tàu nước ngoài “báo cáo thông tin chi tiết” khi vào nơi gọi là “lãnh hải” Trung Quốc. Câu hỏi nhanh chóng được đặt ra về việc yêu cầu này sẽ được áp dụng như thế nào và ở đâu.
Báo nhà nước Trung Quốc Hoàn Cầu thời báo cho biết luật mới được Cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc đưa ra, trong đó yêu cầu: “Người điều khiển các tàu ngầm, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và tàu chở dầu rời, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác phải báo cáo thông tin chi tiết khi đến lãnh hải Trung Quốc”.
Tờ báo tiếp tục nêu “các tàu có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc được quy định bởi các điều luật, quy định hành chính hoặc quy định của quốc vụ viện (nội các của Trung Quốc) cũng phải tuân theo quy định mới”. Điều này đòi hỏi các tàu phải đăng ký tên, mã số, vị trí, cảng ghé tiếp theo và thời gian đến dự kiến.
|
Tàu Hải cảnh Trung Quốc. (Ảnh: AP) |
Một phần trong chiến thuật “vùng xám”
Trả lời VTC News, chuyên gia Hoàng Việt, nhà nghiên cứu Biển Đông, giảng viên đại học Luật TP.HCM nhận định, hành động mới là một phần trong chiến thuật vùng xám của Trung Quốc nhằm đạt được các mục đích nhưng không sử dụng tới lực lượng quân sự.
“Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông. Nhưng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nên nếu Bắc Kinh sử dụng sức mạnh quân sự (vũ lực) sẽ vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ và các nước ASEAN”.
Theo chuyên gia, Trung Quốc có các hành động liên tiếp thể hiện việc thực hiện chiến thuật trên Biển Đông như thông qua luật cho phép hải cảnh nước này sử dụng vũ lực trong một số trường hợp cần thiết ở các vùng biển mà họ tuyên bố thuộc chủ quyền, quyền tài phán của mình; hay việc dùng 200 tàu cá để bao vây khu vực đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Với hành động mới, “nó cũng là một phần trong chiến thuật vùng xám” và “là cơ sở để Trung Quốc ra tay đối với các tàu cá, phương tiện khác của các quốc gia khác trên Biển Đông”, ông bình luận.
Sự mơ hồ có chủ ý
Hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ áp dụng luật như thế nào. Thông báo hôm 30/8 chỉ nêu: “Trong trường hợp các tàu không báo cáo được như quy định, cơ quan hàng hải sẽ giải quyết theo các luật, quy định, quy tắc và điều khoản liên quan”.
|
Các tàu Trung Quốc tại khu vực đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi đầu năm 2021. (Ảnh: Reuters) |
Theo bài viết của ông Aristyo Rizka Darmawan, chuyên gia luật biển quốc tế và chính sách đối ngoại châu Á - Thái Bình Dương, đại học Indonesia, Trung Quốc đang thể hiện lập trường hung hăng không chỉ với các cuộc tuần tra trên biển mà còn bằng cách tăng cường đặt ra những trở ngại về hành chính.
Chuyên gia cho biết, những yêu cầu báo cáo (như luật mới của Trung Quốc) từ lâu đã được tranh luận trong bối cảnh an ninh của các quốc gia ven biển và tự do hàng hải, là câu hỏi về cân bằng các mối đe dọa tiềm tàng với việc duy trì tuyến đường rộng mở cho thương mại quốc tế.
Công ước liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) để giải quyết vấn đề này có quy định về di chuyển vô hại trong lãnh hải của các quốc gia ven biển.
Theo UNCLOS, nếu tàu nước ngoài đi lại vô hại, các quốc gia ven biển “sẽ không cản trở” việc đi lại của tàu trừ khi phù hợp với công ước. Họ chỉ có thể thực thi các điều luật nếu tàu bị cáo buộc vi phạm quy định về đi lại vô hại trong một vùng lãnh hải.
Nhưng vấn đề là ở quy định “lãnh hải”, theo tác giả Darmawan. Trung Quốc có thể tự áp dụng quy định này cho các vùng nằm trên cái gọi là “đường chín đoạn” (yêu sách trái phép của Trung Quốc đối với một phần rộng lớn Biển Đông).
Hơn nữa, thông báo quy định mới cũng không nói rõ tất cả các tàu sẽ phải báo cáo hay chỉ một số loại tàu là “tàu ngầm, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và tàu chở dầu rời, hóa chất, khí đốt hóa lỏng và các chất độc hại khác”. Quy định thế nào về tàu “gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc”, hay các loại tàu nêu trên có nằm trong số này hay không cũng không cụ thể. “Sự mơ hồ đó có khả năng lớn là cố ý”, tác giả Darmawan nhận xét.
Đe dọa sự ổn định trên biển
Tiến sĩ Monika Chansoria, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản (JIIA) ở Tokyo và là người chuyên về an ninh châu Á đương đại và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng gọi động thái mới của Trung Quốc là sự tiếp nối của một loạt quyết định đã nâng cao nguy cơ ở biển Hoa Đông và Biển Đông từ năm 2020. “Tất cả những tuyên bố này đều rất đáng báo động, vì chúng làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm có thể xảy ra, đe dọa sự ổn định và an ninh tổng thể ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan", ông Chansoria nói trên The Indian Express.
|
Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận trên Biển Đông. (Ảnh: chinamil) |
Hôm 1/9, Lầu Năm Góc chỉ trích gay gắt yêu cầu mới này, gọi đây là "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với tự do hàng hải và thương mại. Phát ngôn viên John Supple nói: “Bất kỳ luật hoặc quy định nào của quốc gia ven biển không được vi phạm các quyền hàng hải và hàng không mà tất cả các quốc gia được thừa hưởng theo luật pháp quốc tế”.
“Các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và sâu rộng, cả ở Biển Đông, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại hợp pháp, các quyền và lợi ích của các quốc gia ven biển khác”, ông Supple nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc áp dụng luật này sẽ là một khó khăn, phải đối mặt với phản ứng từ cộng đồng quốc tế.
Có thể dự đoán Mỹ và các cường quốc khác ngoài khu vực sẽ bác bỏ điều luật này, đặc biệt là Mỹ, vốn sẽ xem đây là một ví dụ khác về nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy quyền tài phán trên biển - chuyên gia Collin Koh từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nói trên SCMP.
Điều đó gợi nhớ đến những gì đã xảy ra khi Trung Quốc tuyên bố ADIZ (khu vực nhận dạng phòng không) ở biển Hoa Đông vào năm 2013 - gây ra phản ứng dữ dội từ các quốc gia bao gồm cả Nhật Bản và Mỹ. Trung Quốc cũng không hành động nhiều để thực thi ADIZ trong những năm gần đây, ông Koh nhận xét.
Koh cũng cho rằng quy định mới của Trung Quốc sẽ làm tăng nguy cơ kích động tranh chấp với một bên yêu sách khác.
“Nó sẽ liên quan đến việc Bắc Kinh thực thi điều luật mà theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển nước này không nên làm”.
|
Philippines nhiều lần lên tiếng phản đối tàu Trung Quốc hiện diện ở Biển Đông. (Ảnh: Bloomberg) |
Điều gì xảy ra tiếp theo
Liên quan đến việc Trung Quốc áp dụng quy định mới, theo chuyên gia Hoàng Việt, nước này có thể sẽ bắt đầu từ khu vực "lãnh hải" của họ và xem xét phản ứng của thế giới. Nếu phản ứng của thế giới không đủ mạnh, Trung Quốc sẽ áp dụng cả những vùng biển khác, những vùng biển mà Bắc Kinh tự tuyên bố thuộc lãnh hải Trung Quốc từ lâu đời.
“Điều đó dẫn tới nguy cơ các quốc gia khu vực ASEAN mất vùng biển của mình. Trên cơ sở các bước trước đó, Trung Quốc thời gian tới có thể bắt các tàu bè muốn đi qua khu vực Biển Đông phải xin phép Trung Quốc. Khi đó, tự do thương mại, tự do hàng hải bị đe dọa sẽ ảnh hưởng”.
Ông Hoàng Việt nhận định: “Về phía Việt Nam, chúng ta đã có kinh nghiệm trong thời gian qua. Việc cần làm hiện nay là tiếp tục kiên trì, kiềm chế để không tạo cớ cho Trung Quốc”.
Chuyên gia cho rằng Việt Nam cần sử dụng các lực lượng không phải là quân sự để đối phó với Trung Quốc. Bên cạnh đó, cần lưu tâm sẵn sàng trong trường hợp Trung Quốc có hành động xâm phạm ngư dân, tàu Việt Nam trong vùng biển Việt Nam. “Khi đó, cần tính tới biện pháp pháp lý là khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế”, ông nói.
Ngày 01/9, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc chính thức thi hành Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
"Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) - khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển.
Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS".
( C. H sưu tầm)