"Người đứng đầu và đại dịch Covid-19". TG: Hoàng Văn Kính
Người đứng đầu
và đại dịch Covid-19.
Hoàng Văn Kính
Nhìn vào bức tranh tổng thể phòng chống dịch covid-19 rất dễ nhận thấy các vùng xanh, đỏ, cam loang lổ như da báo, nhưng có điểm khác với da báo là sự loang lổ ấy có sự dịch chuyển, không ổn định.
Nghĩa là xét về cục bộ có nơi chống dịch hiệu quả nên đã thu hẹp hoặc loại bỏ được vùng đỏ, nhưng cũng có nơi “ đang xanh rờn chuyển sang đỏ quạch”. Như vậy nhìn chung việc ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch chưa tạo được sự chuyển biến tích cực, đấy là một sự thật không được lẩn tránh.
Cùng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, cùng một chủ trương, một chính sách nhưng có nhiều địa phương phòng chống dịch rất tốt rất có hiệu quả. Từ chỗ là điểm nóng, là trung tâm của dịch bệnh như Bắc Giang, Bắc Ninh… chỉ sau một thời gian ngắn ở đấy đã khống chế và đẩy lùi được dịch bệnh. Ngược lại ở một số địa phương khác như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang… dịch lại bùng phát dữ dội, dài ngày vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Số F0 có ngày lên tới trên 10.000 người, số ca tử vong cũng trên dưới 300 người.
Có những yếu tố khách quan như: Biến thể mới Đellta có sức lấy lan nhanh hơn gấp nhiều lần, do xét nghiệm ở diện rộng nên phát hiện số ca F0 ở cộng đồng cũng nhiều hơn… nhưng đấy cũng chỉ là lí do để ngụy biện vì những điều ấy cũng tác động chung đến cả nước chứ chẳng riêng địa phương nào.
Bởi vậy sự yếu kém ấy chỉ có thể quy cho vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quền và đặc biệt vai trò thủ lĩnh của người đứng đầu. Người dân dù ở đâu cũng vẫn thế, trước sau một lòng theo Đảng, cùng chung vai ưa đất nước vượt khó đi lên, cùng lao vào cuộc chiến “ Chống dịch như chống giặc”, cùng chia sẻ ngọt bùi trong những lúc khốn khó “ một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhưng Chính quyền các cấp ở nhiều địa phương thì sao: Lơ là nhiệm vụ, tổ chức chống dịch chiếu lệ, hời hợt, bỏ nhiệm sở, bỏ trực máy; khi được hỏi thì chẳng nắm được nội quy phòng chống dịch; ngô nghê chẳng phân biệt được đâu là “lô cốt”, đâu là “pháo đài” phòng chống dịch; khi được chất vấn thì lơ mơ như mơ ngủ không nắm được diễn biến dịch ở địa phương mình; họ cậy quyền cậy thế thiếu gương mẫu, thông chốt, làm giả giấy tờ, tụ tập nhậu nhẹt, lăng mạ chửi bới dọa nạt lao vào hành hung các lực lượng trực chốt… cán bộ công chức mà hành xử như một lũ côn đồ.
Thiếu trách nhiệm, xa dân, quan liêu, yếu kém về năng lực cán bộ công chức như thế thì chống dịch sao được, hỏi sao mà không biến từ xanh rờn sang đỏ quạch.
Bác Hồ đã dậy: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, “ Cán bộ là cái gốc của mọi công viêc”. Như vậy cán bộ đóng vai trò quyết định đến thành công hay thất bại trong phòng chống dịch ở mỗi địa phương. Đảng đã có những quy định rất cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu, có lẽ hơn lúc nào hết đây là thời điểm cần phải kiên quyết đưa những quy định đó vào cuộc sống. Những cán bộ, công chức làm việc lơ mơ như thế họ nghĩ gì, họ có thấy hổ thẹn trước hình ảnh Thủ tướng Chính phủ lăn lộn đến tận ngóc ngách vùng tâm dịch ở TP.HCM, tỉnh Đồng Nai… sâu sát với mọi tâm tư của người dân; hình ảnh người đứng đầu Chính phủ trong bộ bảo hộ kín mít, ướt đẫm mồ hôi kiểm tra công tác phòng chống dịch ở tâm dịch, ở các bệnh viện nơi điều trị bệnh nhân F0, bệnh nhân nặng; hình ảnh nửa đêm Thủ tướng còn gọi điện kiểm tra đến tận phường xã; hình ảnh Thủ tướng không hài lòng với cách trả bài lơ mơ của một số quan chức… Một phong cách gần gũi, tỷ mỷ cụ thể, quyết liệt và thẳng thắn.
Đã đến lúc Đảng cần thẳng thắn chỉ mặt điểm tên nhưng cán bộ thiếu trách nhiệm, bất tài, kiên quyết gạt họ sang một bên, có thế mới sớm giành được thắng lợi trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19.
Có thế dân mới được nhờ.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch UBND huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
đi làm trở lại sau một ngày nộp đơn từ chức do 'tự thấy thiếu sót trong chỉ đạo phòng chống dịch'
( Ảnh minh họa lấy từ Báo điện tử Tiền Phong)
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN