Làm sạch giới showbiz
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Đã đến lúc khán giả dùng quyền lực tối thượng của mình để loại bỏ những người nổi tiếng xấu xí, bắt họ phải học lại cách cư xử và trả giá cho những việc làm sai trái của mình.
Những điều tồi tệ trong giới showbiz Việt
Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, chưa bao giờ showbiz Việt nhiễu loạn như hiện nay. Sự tự do thái quá trên môi trường mạng khiến không ít người nổi tiếng có cách hành xử vô văn hóa, phát ngôn thiếu cẩn trọng, làm ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.
Nhiều người chán ngán với sự xuất hiện liên tục của cựu người mẫu Trang Trần trong các livestream trên trang cá nhân suốt một thời gian dài, gắn liền với những ngôn từ chợ búa, tục tĩu, sẵn sàng dằn mặt, chửi bới bất cứ ái không làm vừa ý mình. Trang Trần chưa bao giờ là một người mẫu thành công hay được tôn trọng trong nghề nhưng lại khiến mình nổi khắp cõi mạng với cách hành xử khó chấp nhận, nhất là với một người nổi tiếng có sức ảnh hưởng nhất định. Tuy vậy năm này qua năm khác cô người mẫu này vẫn chưa bị xử lý, vô tư văng tục trên mạng.
Gần đây ''chợ showbiz Việt'' thêm phần nhốn nháo với sự những màn liveshow "bóc phốt", đấu tố, xúc phạm đồng nghiệp với tần suất dày đặc của ca sĩ Nathan Lee khiến không chỉ giới showbiz mà công chúng cũng ngao ngán vì những ngôn từ rác mà anh này ném lên không gian mạng. Đó là chưa kể đến hàng loạt ca sĩ có tiếng khác như Đàm Vĩnh Hưng, Duy Mạnh... với hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên mạng xã hội bất cứ lúc nào cũng có thể văng tục chửi bậy bằng những từ ngữ chợ búa vô cùng khó nghe. Ca sĩ Duy Mạnh từng bị Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM phạt 7,5 triệu đồng hồi tháng 8 năm ngoái vì "phát ngôn không phù hợp thuần phong mỹ tục". Sau khi bị xử phạt, Duy Mạnh nói "không dám nói bậy bạ nữa" nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Có lẽ mức phạt quá nhẹ nên không thay đổi được ca sĩ này.
Cách đây 2 năm, diễn viên Kiều Minh Tuấn đã dựng lên chuyện phim giả tình thật với người mẫu An Nguy như một cách PR bẩn cho phim 'Chú ơi đừng lấy mẹ con'. Dù bị phát hiện sau đó nhưng Kiều Minh Tuấn chỉ trả lại cát sê 900 triệu đồng cho nhà sản xuất phim mà gần như không bị ảnh hưởng gì về sự nghiệp bởi sau đó vẫn có vài hãng phim mời diễn viên này vào các phim điện ảnh lớn.
Năm 2018, showbiz rúng động khi ca sĩ Phạm Anh Khoa bị vũ công Phạm Lịch tố sàm sỡ nhưng sau đó người ta vẫn thấy rocker này biểu diễn trong nhiều chương trình mà không phải đối diện với bất cứ đòn phạt nào của dư luận.
Gần đây nhất, Hoài Linh vì vướng ồn ào chậm giải ngân tiền từ thiện cho đồng bào lũ lụt miền Trung suốt nhiều tháng nên đã đối mặt với làn sóng phẫn nộ của dư luận, gây sức ép đến mức danh hài này phải tự động xin rút khỏi ghế giám khảo Thách thức danh hài mùa mới trước khi bị thay thế. Bên cạnh đó nhiều nhãn hàng cũng đã chấm dứt hợp đồng, hạ hình ảnh của Hoài Linh khỏi các chiến dịch quảng cáo.
Trước đó, scandal ấu dâm của Minh Béo khiến nhà sản xuất chương trình Lục lạc vàng phải thay người đồng hành. Tuy nhiên có rất ít người nổi tiếng như Minh Béo bị dư luận tẩy chay và "đuổi" khỏi showbiz, điều rất phổ biến ở các nền giải trí lớn, đặc biệt ở hai nước châu Á Trung Quốc và Hàn Quốc.
Các nền showbiz lành mạnh tự làm sạch như thế nào?
Hàn Quốc có lẽ là nền showbiz vận hành hà khắc bậc nhất châu Á. Nhà phê bình văn hóa Lee Moon-won nói: "Hình mẫu trai hư không tồn tại ở Hàn Quốc. Ai cũng đều là trai ngoan cả. Người Hàn xây dựng hình ảnh các chàng trai hay cô gái ngoan. Nên nếu một nghệ sĩ sử dụng ma túy, mọi người sẽ thất vọng, đấy là vấn đề lớn. Một sự việc kiểu đó có thể hủy hoại cả sự nghiệp, nhất là scandal tình dục".
Trong cuốn sách 'Giải mã Hàn Quốc sành điệu', Euny Hong - nhà báo người Mỹ gốc Hàn viết: "K Pop là một hệ thống gia trưởng có nhiệm vụ đưa các ngôi sao vào khuôn phép. Vấn đề không chỉ là liệu các thành viên trong nhóm có hòa thuận hay không mà còn cần đảm bảo họ không lái xe khi say rượu, dùng ma túy hay có scandal tình dục. Đào tạo K Pop là giáo dục con người. Đây là lý do vì sao các thành viên nhóm nhạc lại được dạy cách cư xử".
Có lẽ chính vì quy định hà khắc này nên hầu hết các nghệ sĩ Hàn Quốc đều giữ hình ảnh sạch, bởi chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể khiến họ trả giá bằng sự nghiệp xây dựng rất nhiều năm. Bởi không một ai muốn mình rơi vào vết xe đổ như ca sĩ Seungri, cựu thành viên nhóm nhạc lừng danh BigBang khi năm 2019 anh bị cáo buộc hành hung khách nam, xâm hại tình dục khách nữ.
Seungri sau đó tuyên bố rút khỏi làng giải trí và chịu thiệt hại về danh tiếng, tiền bạc mất trắng sự nghiệp tuy nhiên công ty quản lý YG Entertainment cũng chịu liên đới. Cụ thể giá cổ phiếu công ty YG Entertainment giảm hơn 25% khi bê bối của Seungri được khui ra, ước tính thiệt hại 105 tỷ won. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đã rút vốn khỏi YG khiến công ty mất khoản đầu tư 55,3 tỷ won. Thiệt hại là không thể đếm xuể.
Gần hơn, làng giải trí Hoa ngữ cũng đã có hai ví dụ sống động về những nghệ sĩ nổi tiếng phải trả giá vì scandal đời tư. Đầu tiên phải kể đến diễn viên Phạm Băng Băng - một trong những diễn viên nổi tiếng nhất Trung Quốc. Phạm Băng Băng gần như mất tất cả sau sau vu bê bối trốn thuế năm 2018. Từ một ngôi sao hạng A, Phạm Băng Băng phải đối mặt với kinh tế khó khăn, chi tiêu dè xẻn và không còn cơ hội hoạt động trong showbiz khi công chúng quay lưng. Gần 3 năm qua, nữ diễn viên hầu như không xuất hiện trên truyền thông. Các dự án cá nhân của cô như phim ảnh, sự kiện hay đại diện cho các nhãn hàng hàng đầu cũng không còn.
Mới đây, showbiz Trung Quốc tiếp tục chứng kiến scandal của diễn viên Trịnh Sảng sau scandal nhờ người đẻ thuê rồi bỏ con gây rúng động làng giải trí Trung Quốc. Từ một ngôi sao nổi tiếng bậc nhất được săn đón, Trịnh Sảng bị cắt hết các hợp đồng quảng cáo lớn, ngừng đóng phim, phải bồi thường thiệt hại cho các đối tác hơn 3.000 tỷ đồng và không còn cơ hội "sống sót" trong showbiz.
|
Trịnh Sảng bị tẩy chay sau scandal nhờ người đẻ thuê. |
Sự hà khắc của những nền showbiz không chấp nhận scandal cũng như quyền lực tẩy chay quá lớn từ công chúng khiến những nghệ sĩ có scandal gần như không có cơ hội sửa chữa lỗi lầm và chỉ còn cách từ bỏ sự nghiệp. Điều này gần như chưa từng tồn tại ở Việt Nam.
Giải pháp quét sạch rác từ người nổi tiếng
Có lẽ đã đến lúc showbiz Việt cần học cách mà các nền giải trí lớn để buộc những người nổi tiếng thận trọng hơn trong cách cư xử của mình. Mới đây, Bộ TTTT đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và có thể coi là bộ quy tắc để "chấn chỉnh" những người nổi tiếng tại Việt Nam. Tuy nhiên, để làm sạch showbiz thì còn cần nhiều hơn thế.
"Đừng bảo vệ nghệ sĩ theo cách bỏ qua hay cổ súy cho họ những thói hư tật xấu mà hãy yêu nghệ sĩ theo cách nghiêm khắc, với tình yêu đủ rộng lượng, đầy thiện tâm. Hãy nhìn nhận và phán xét người nghệ sĩ với con mắt công tâm nhất. Ngược lại, nghệ sĩ muốn song hành lâu với khán giả, với cuộc đời thì phải thật khắc nghiệt với chính mình, luôn để tâm hồn mình hướng tới những nguồn năng lượng tích cực nhất, sáng và sạch nhất để kiến tạo nghệ thuật, để xứng đáng với sự kỳ vọng của khán giả. Công chúng rất dễ yêu, thần tượng bạn nhưng cũng rất dễ quay lưng nếu bạn trượt dốc", ca sĩ Tùng Dương chia sẻ.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành, thạc sĩ ngành quản trị văn hóa tại ĐH Paris 7 (Pháp) hiến kế cho VietNamNet: "Tẩy chay là quyền lực tối thượng của công chúng và khán giả. Đó cũng là cách "trừng phạt" hiệu quả nhất. Khán giả cần dùng đến "vũ khí" này thường xuyên hơn để buộc người nổi tiếng phải thận trọng khi hành xử ứng xử. Người nổi tiếng đã phải bỏ ra nhiều công sức để có được vị trí trong lòng người hâm mộ cũng nên dành thời gian để học cách sống trên không gian mạng".
Th.s Nguyễn Đình Thành cũng cho rằng trong thời gian tới nên bổ sung kỹ năng sống trên mạng xã hội vào nhóm kỹ năng mềm được đào tạo bắt buộc trong các trường nghệ thuật và cả các trường phổ thông và đại học. "Tại nhiều nước phát triển, các quy tắc ứng xử được đưa vào trường học rất sớm và giúp thanh thiếu niên bước vào không gian mạng với những kiến thức chuẩn. Tôi hy vọng bộ quy tắc sẽ sớm được đưa vào các trường học để học sinh, sinh viên biết, hiểu và thực hành, qua đó góp phần vào tạo dựng một môi trường mạng lành mạnh", Th.s Nguyễn Đình Thành nói.
Ông Thành cũng cho rằng để đưa Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ TTTT vào cuộc sống thành công thì 80% nỗ lực cần được dồn vào giáo dục, truyền thông, tuyên truyền và 20% đến từ việc chế tài mạnh mẽ. Tuy nhiên, trước khi người nổi tiếng biết học cách cư xử sao cho đúng và các chế tài chưa đủ mạnh để xử phạt những hành vi lệch chuẩn của họ thì lúc này là thời điểm phù hợp để công chúng dùng đến quyền lực tối thượng của mình để loại bỏ những nghệ sĩ vô văn hóa, không cho họ cơ hội xuất hiện.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất phim, âm nhạc, các đài truyền hình cũng đã tới lúc cần cấm sóng những nghệ sĩ có scandal. Còn các nhãn hàng hãy nói không với những người nổi tiếng dính phốt hay hành xử vô văn hóa dưới bất cứ hình thức nào. Chỉ có dùng tổng thể các biện pháp mạnh như vậy thì mới có hy vọng làm sạch rác trong showbiz Việt.
( C. H sưu tầm)