Ngay đêm đó, những bức ảnh và video người chen chúc ở trung tâm Hà Nội đã dấy lên lo ngại về một thảm hoạ Covid-19 như TP HCM. Nhiều cảnh báo ai đi chơi phải tự theo dõi sức khoẻ, có triệu chứng ho, sốt phải liên hệ ngay với y tế kèm theo khuyến cáo của chuyên gia.
Liệu thảm hoạ có xảy ra hay không? Theo tôi, dù không ủng hộ ý thức có phần hồn nhiên của đám đông và tâm lý "thả cửa", nhưng chưa đủ căn cứ để cho rằng đêm Trung thu có thể gây bùng phát dịch. Tôi dự đoán Hà Nội một lần nữa không bị dịch nghiêm trọng vì một số lý do.
Thứ nhất, Hà Nội trong bảy ngày qua, trung bình mỗi ngày có 12 ca nhiễm Covid-19, tôi tính ra, tỷ lệ ca mắc trung bình là 1,4 bệnh nhân trên một triệu dân. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn an toàn của Mỹ là 10 bệnh nhân trên một triệu dân. So với nhiều quốc gia khác, ví dụ như Đức là 350 ca thì thấp hơn nữa.
Trong chiến dịch xét nghiệm sàng lọc thần tốc, Hà Nội lấy tổng cộng 4.197.528 mẫu, kết qủa 21 ca dương tính, tỷ lệ là 0,00005%, thấp hơn 60 lần so với tiêu chuẩn an toàn của Mỹ (3%) và 100 lần so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (5%). Hà Nội cũng đã tiêm vaccine được cho 95% dân số trên 18 tuổi, trong đó có 12% đủ hai mũi, đó là con số hỗ trợ bảo vệ cộng đồng.
Thứ hai, tôi đồng ý rằng số ca nhiễm có thể tăng trong những ngày tới, nhưng đó là tăng do chính quyền quyết định xuống thang để mở cửa dần đến bình thường mới. Và số bệnh nhân mắc Covid-19 vẫn trong tầm kiểm soát nếu ta quản lý dịch hợp lý.
Vẫn biết biến thể Delta rất quái ác, tải lượng virus nhiều gấp 1.260 lần so với chủng hoang dại Vũ Hán ban đầu, mức độ lây nhiễm cao hơn 225%. Nhưng, nơi ngoài trời như đường phố và quảng trường vẫn được hầu hết chuyên gia thế giới coi là không gian an toàn. Với chủng Vũ Hán, thời gian tiếp xúc đủ lây là 15 phút, biến thể Delta được cho là có thời gian tiếp xúc ngắn hơn nhiều, nhưng cụ thể là bao nhiêu phút thì chưa có nghiên cứu nào lượng hoá.
Với không gian ngoài trời, các quốc gia chỉ khuyến cáo biện pháp phòng vệ. Lễ hội đường phố George ở St John của Canada diễn ra hôm 31/8 vừa qua, chính quyền khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang, thực hiện giữ khoảng cách với nhóm người lạ tối thiểu một mét, nên tham gia khi đã tiêm chủng hai mũi hoặc có xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ. Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đã không còn cấm người dân ra đường, mật độ lưu thông cũng khá đông. Tất nhiên, điều quan trọng là, những quốc gia này đang kiểm soát được dịch, vaccine phủ tương đối cao, số bệnh nhân nặng duy trì ở tỷ lệ thấp, tử vong được ngăn chặn.
Đã có thời điểm Mỹ và châu Âu tưởng chừng đi qua Covid. Nhưng biến thể Delta đã bắt những quốc gia này phải thiết lập lại quy tắc đeo khẩu trang ngay cả ở không gian ngoài trời, giữ khoảng cách, kèm theo các biện pháp an toàn công cộng như tăng số nhà vệ sinh, tăng cường kiểm soát đám đông.
Thứ ba, tôi tin chắc rằng khi số ca nhiễm cộng đồng như hiện tại thì đám đông di chuyển trên đường Hà Nội và TP HCM chắc chắn sẽ có những F0. Mọi người có quyền lo ngại điều này. Nhưng không phải "có F0 trên đường" mà Hà Nội không để mở cửa từng bước.
Hôm Trung thu, buổi sáng tôi đi làm, đường đã rất đông. Chiều tan tầm còn đông hơn nữa. Có lẽ mọi người cũng như tôi, tranh thủ thêm vài việc cá nhân mà trước đó đã không được phép. Nếu tiếp tục quan sát đường phố Hà Nội giờ cao điểm hôm sau và cả hôm nay, bạn và tôi đều thấy những dòng người đông không kém ngày Rằm là mấy. Bởi vậy, ngày nào trong tuần này cũng có ít nhất hai thời điểm lưu lượng giao thông rất dày, ùn tắc cục bộ thường xuyên xảy ra.
Tất nhiên, sẽ tốt hơn nếu chính quyền thành phố chủ động kế hoạch giãn cách đêm Trung thu từ tuần trước, bởi không thể đòi hỏi tất cả người dân đều ý thức xa nhau hai mét khi chính họ không hình dung nổi đám đông sẽ diễn biến thế nào. Nhưng giờ đây, khi đã chọn xuống thang từng nấc thì ta phải chấp nhận sống chung với virus một cách khoa học.
Khoa học trong trường hợp này là tùy vào không gian kín hay mở.
Ở không gian kín như phòng điều hòa thì biến thể Delta quá nguy hiểm, bởi vậy, phải tuân thủ các biện pháp phòng vệ cá nhân ở mức cao nhất. Ở không gian mở, mức độ nguy hiểm sẽ giảm xuống rất nhiều, nguy cơ lây nhiễm vẫn có nhưng không quá đáng lo.
Nghiên cứu của Đại học Colorado, Tây Ban Nha cho thấy điều này. Nghiên cứu mô phỏng một bệnh nhân Covid-19 cùng năm người khác ở trong một phòng kín, họ giữ khoảng cách trên hai mét nhưng nói chuyện ồn ào suốt bốn tiếng và không đeo khẩu trang. Kết quả, cả năm người đều bị nhiễm Covid. Nếu đeo khẩu trang thì bốn người bị nhiễm, một người "thoát". Nguy cơ giảm xuống chỉ còn một người nhiễm và bốn người "thoát" nếu thời gian tiếp xúc hai tiếng, đeo khẩu trang, mở cửa thông gió trước và sau, tạo ra không gian thoáng khí hơn.
Các nghiên cứu mô phỏng ngoài trời đã công bố đều khẳng định nguy cơ nhiễm Covid trên đường phố, quảng trường, công viên hay bãi biển "rất thấp, khó để thành ổ dịch nghiêm trọng hay chuỗi lây nhiễm khó kiểm soát". Đó là lý do các quốc gia châu Âu và Mỹ từ hè năm ngoái đã cho phép dân chúng được hoạt động ngoài trời như vui chơi giải trí trên đường phố, bãi tắm có kiểm soát mật độ người.
Nhưng các hoạt động trong nhà vẫn phải rất cẩn thận. Tôi cho rằng, kể từ 1/10, nếu dịch vẫn trong tầm kiểm soát, Hà Nội có thể cho phép người dân tham gia giao thông mà không cần giấy đi đường, cho phép các hoạt động thể dục thể thao và vui chơi ngoài trời giới hạn số người theo diện tích. Riêng hoạt động vũ trường, quán bar, karaoke, nhà hàng trong phòng kín thì vẫn phải siết chặt, thậm chí chưa được phép mở vì là những không gian cực kỳ nguy hiểm.
Tôi không cổ suý cho tâm lý chủ quan tháo cũi sổ lồng, bởi chúng ta đã có đủ bài học về sự chủ quan rồi. Nhưng tôi muốn ta hãy nhớ đến 57 ngày người Hà Nội vừa bó gối trong nhà, những lời kêu cứu đói, những hũ tro cốt được gửi về cho người thân ở TP HCM để thấy được giá trị của đêm Trung thu mà không vội chủ quan mất cảnh giác.
Trần Văn Phúc
(PS st theo VnExpress)