Theo thông tin từ CDC Hà Nội, tính từ 18h ngày 30/9 đến 18h ngày 1/10, Hà Nội ghi nhận 8 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó, 6 cộng đồng, 1 ca khu cách ly, 1 ca khu vực phong tỏa.
Như vậy, theo thống kê từ CDC Hà Nội, tổng số ca mắc Covid-19 tính từ sau đêm Trung thu ở Hà Nội (từ 22/9 - 1/10) ghi nhận tổng cộng 42 ca dương tính mới. Cụ thể gồm, 10 ca trong cộng đồng, 29 ca tại khu cách ly và 3 ca tại khu phong tỏa
Đây cũng là thời gian Hà Nội nới lỏng giãn cách, dừng Chỉ thị 16 chuyển sang Chỉ thị 15, xoá bỏ giấy đi đường, mở cửa thêm nhiều loại hình kinh doanh...
Việc xuất hiện liên tục nhiều ca mắc mới, trong đó có nhiều ca trong cộng đồng đã khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu sự xuất hiện của các ca mắc mới có ảnh hưởng đến lộ trình mở cửa, bình thường mới của Hà Nội không?
Chia sẻ vấn đề này trên Báo Lao Động vào ngày 01/10, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn nhận định, việc xuất hiện các ca bệnh là bằng chứng cho thấy không thể vét sạch được F0 trong cộng đồng. Do vậy, chúng ta phải chấp nhận sống cùng Covid-19.
Lực lượng y tế lấy mẫu của người dân xung quanh BV Việt Đức trong chiều 30/9 do có ca Covid-19 mới
Đánh giá về việc Hà Nội liệu có thể tiếp tục mở cửa theo lộ trình hay không, bác sĩ Phúc khẳng định: "Chúng ta hoàn toàn vẫn có thể mở cửa theo lộ trình chứ không có vấn đề gì hoảng hốt hay e ngại. Nhưng những ca cộng đồng này cũng là hồi chuông cho thấy chúng ta không được phép chủ quan, với mỗi người dân luôn phải có biện pháp phòng vệ cá nhân thật tốt, luôn phải nghĩ rằng virus vẫn đang rình rập xung quanh mình. Chúng ta sinh hoạt, làm việc nhưng phải tuân thủ quy tắc của cơ quan chức năng quy định".
Cơ sở để nhận định như vậy, theo ông Phúc, Hà Nội đã tiêm mũi 1 vắc xin Covid-19 cho hầu hết người trên 18 tuổi và có khoảng 12% số người đã tiêm 2 mũi. Đây chính là cơ sở để Hà Nội chuyển sang trạng thái sống chung với Covid-19.
"Hiện nay, tình hình dịch vẫn phức tạp, chưa an toàn, chỉ là trong trạng thái mới. Do vậy, không có nghĩa là người dân lơ là phòng chống dịch, bỏ khẩu trang, tụ tập đông người. Người dân khi vào bệnh viện bắt buộc phải đeo khẩu trang 24/24", Báo Tổ Quốc trích lời ông Nguyễn Huy Nga.Cũng chung quan điểm trên, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ rằng dịch tại Hà Nội rất khó có thể bùng phát như tại TP HCM vì tỷ lệ tiêm của thành phố tương đối cao. Việc có thêm các ca bệnh cộng đồng là điều đã được dự báo trước khi mở cửa sống chung với dịch.
Còn ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho rằng, tuỳ theo tình hình dịch cụ thể, chính quyền sẽ có phương án cụ thể.
"Khi chấp nhận nới giãn cách thì sẽ có ca cộng đồng, chỉ là rơi vào thời điểm nào và đối tượng nào thôi, không ảnh hưởng gì đến lộ trình. Chấp nhận nới giãn cách thì chấp nhận các ổ dịch sẽ xuất hiện, ổ dịch ở đâu thì sẽ dập ổ dịch ở đấy", VTC News dẫn lời ông Việt chia sẻ cùng ngày.
Bên cạnh vấn đề về sự ảnh hưởng của lộ trình mở cửa Hà Nội, dư luận còn đặt dấu hỏi liệu những ca mới xuất hiện trong 10 ngày trở lại đây có phải hệ quả của việc nới lỏng giãn cách đúng đêm Trung thu và rất đông người dân ồ ạt đổ ra đường không?
Trả lời VTC News sáng 01/10, ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc CDC Hà Nội khẳng định: "Không hẳn liên quan đến việc Hà Nội nới lỏng giãn cách đúng dịp Trung thu, bây giờ chưa thể đánh giá ngay được như thế".
Trước đó, Hà Nội đã quyết định điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn thành phố theo nguyên tắc Chỉ thị 15 từ 6h ngày 21/9.
Hà Nội nới lỏng giãn cách ngày 21/9, khu vực quanh hồ Gươm tắc nghẽn vì nhiều người dân đổ đi chơi Trung thu (Ảnh: KTĐT)
Ngay tối cùng ngày là rằm Trung thu nên lượng người xuống đường chơi Trung thu tăng đột biến, dòng người chen chân đổ dồn về hồ Gươm. Một số tuyến đường như Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Cân, Đinh Tiên Hoàng dày đặc, thậm chí ùn ứ.
Theo ghi nhận, nhiều người đưa cả con nhỏ đi chơi, không đảm bảo quy định 5K theo khuyến cáo của TP Hà Nội để phòng chống dịch. Lực lượng Công an TP Hà Nội phải vất vả phân luồng đảm bảo giao thông, nhắc nhở người dân nhanh chóng di chuyển tránh ùn tắc.
Nhìn thấy hình ảnh "biển người", rất nhiều người lo lắng dịch sẽ bùng phát trở lại nếu nhưng trong đám đông đó có F0.
Trước tình trạng trên, ngay ngày 22/9, UBND quận Hoàn Kiếm ban hành văn bản yêu cầu người dân không ra đường khi không cần thiết.Về vấn đề này, sáng 22/9, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng: "Việc người dân đổ ra đường đông như tối 21/9 tại Hà Nội rất khó chấp nhận, đi ngược lại hoàn toàn với chủ trương giãn cách xã hội, dừng tụ tập đông người ở nơi công cộng mà thành phố đang thực hiện".
Công an quận Hoàn Kiếm chỉ đạo các đội nghiệp vụ và công an các phường tăng cường tuần tra lưu động, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch theo quy định.
(Tổng hợp)
(PS st theo Tổ quốc)