"Thoát dịch" - Góc nhìn của Vũ Tú Thành

Ngày đăng: 09:16 07/10/2021 Lượt xem: 268
GÓC NHÌN

Thoát dịch

Vũ Tú Thành

Vũ Tú Thành

Nhà tư vấn kinh doanh

TP HCM chịu hậu quả nặng nề nhất của dịch lại là địa phương mở cửa sớm nhất, mạnh dạn nhất.

Cơ sở cho quyết định đó là tỷ lệ phủ vaccine cao ở thành phố này. Hà Nội, độ phủ vaccine cũng cao nhưng chính quyền thành phố chủ trương chưa mở cửa sân bay Nội Bài ngay mà cần có lộ trình.

Hải Phòng trước đây cũng có những biện pháp mà trong thực tế gần như đóng cửa cảng Hải Phòng với các phương tiện từ ngoài tỉnh. Bây giờ, dù độ phủ vaccine còn thấp hơn Hà Nội, họ đã mở cửa cảng biển tuy vẫn chưa dám mở lại sân bay. Hàng loạt tỉnh, thành khác vẫn giữ quy định cách ly tập trung người vào địa bàn, khác với hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sự thận trọng của một số địa phương gây không ít khó khăn với các địa phương khác, thành lực cản doanh nghiệp hồi phục, kéo dài tư duy cát cứ, có thể khó tận dụng thành quả kiểm soát dịch để mở cửa lại nền kinh tế.

Thủ tướng đã tuyên bố "không thể phong tỏa mãi" mà phải thích nghi an toàn để sớm khôi phục lại các hoạt động kinh tế xã hội.

Hôm 20/9, tại hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành về tình hình hoạt động và giải pháp phục hồi các khu công nghiệp, khu chế xuất, Chính phủ khẳng định chủ trương "thích ứng an toàn".

Phó Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Trưởng tiểu ban sản xuất và lưu thông hàng hóa giải thích: "Thích ứng an toàn có nghĩa là không để phát sinh các ổ dịch lớn trong doanh nghiệp. Vấn đề này cần thống nhất quan điểm. Không cứng nhắc dừng nhà máy khi có F0". Cụ thể, "khi F0 xuất hiện ở các xưởng sản xuất thì chỉ đưa F0 đi điều trị, tầm soát F1, nơi không có F0 vẫn sản xuất bình thường".

Như vậy, nội hàm của "thích ứng an toàn" không phải là tuyệt đối không có virus - tức là còn F0 thì còn đóng, những nơi nào chưa đóng hoặc đã mở thì chỉ cần F0 xuất hiện là lại đóng. Mà là, có thể có virus nhưng không được để phát sinh các ổ dịch lớn; các ca F0 lẻ tẻ hay ổ dịch nhỏ thì không phải nguy cơ đe dọa sự an toàn của xã hội để phải dừng các hoạt động.

Nhưng ở phía khác, một trong những lý do mà cơ quan chống dịch và chính quyền các địa phương lý giải cho quyết định kéo dài giãn cách, lập rào chắn, phong tỏa tùy tiện là sự vô ý thức, thiếu kỷ luật của người dân.

Tuy nhiên, những chuyến "vi hành" thẳng xuống cơ sở không báo trước cũng như những buổi "truy bài" các địa phương vừa rồi của người đứng đầu Chính phủ cho thấy, sự lơ là, chủ quan, thiếu ý thức trong công tác phòng dịch của lãnh đạo chính quyền các cấp không ít. Nhiều vị lãnh đạo địa phương còn hết sức mẫn cán trong việc dựng rào ngăn sông cấm chợ.

Muốn tạo chuyển biến căn bản trong công tác chống dịch, như Chính phủ và nhiều chuyên gia đang kêu gọi, phải thay đổi tư duy theo hướng vừa bóc tách vừa sống chung. Chính phủ đã gửi đi thông điệp rất quyết đoán rằng: làm thế nào để mở cửa trở lại an toàn thay vì cách tiếp cận trước đây là làm thế nào để đóng hiệu quả. Đó là bước chuyển căn bản về nhận thức.

Cách tiếp cận cũ chỉ tập trung vào các biện pháp hạn chế, phong tỏa hay đưa đi cách ly tập trung hàng loạt, khiến cả người dân và chính quyền đều bối rối, dẫn đến mạnh ai nấy làm hoặc không làm; tùy tiện ngăn sông cấm chợ, không ai nhìn thấy hướng ra, không ai chắc chắn được về tương lai, không có một chiến lược thoát dịch.

Cách tiếp cận cũ làm cạn kiệt sức lực của lực lượng y tế, lực lượng đảm bảo an sinh trong khi rất nhiều lực lượng tinh nhuệ, hùng hậu khác của nền kinh tế, của quốc gia bị buộc phải bó gối ngồi nhà.

Cách tiếp cận mới hướng mọi người nhìn về tương lai một cách chủ động chứ không để bị cuốn vào việc trước mắt một cách bị động.

Chắc chắn trong nhiều tháng tới, không thể loại hết virus khỏi cộng đồng, không thể đảm bảo không có thêm các chùm ca lây nhiễm mới. Cả thế giới không nước nào dám đặt cược vào sự đảm bảo đó.

Đổ vỡ về y tế đã xảy ra rất rõ ràng ở TP HCM. Còn đổ vỡ kinh tế có thể đến khi các địa phương không xác định được các tiêu chí kiểm soát dịch phù hợp tình hình mới, và chưa chịu hiểu hay làm rõ trong địa phương mình nội hàm bình thường mới. Theo đó, sinh hoạt của người dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn có thể được thực hiện một cách an toàn trong điều kiện virus vẫn xuất hiện đây đó nhưng không đủ để bùng phát thành dịch.

Trong vòng hai tuần qua, ngày càng nhiều lãnh đạo trung ương và địa phương phát biểu mạnh mẽ về việc không thể phong toả, đóng cửa mãi vì đã chạm ngưỡng chịu đựng của người dân và doanh nghiệp, vì tình hình dịch và độ phủ vaccine đã cải thiện, vì xu hướng thế giới đều là sống chung với virus.

Chúng ta đều hiểu, trách nhiệm chuyển hướng chống dịch, mở cửa địa phương là áp lực rất lớn với lãnh đạo các tỉnh, thành. Nhỡ dịch lại bùng phát thì sao?

Nhưng một khi đã xác định "thích ứng an toàn" thì phải rũ bỏ được nỗi khiếp đảm phi lý. Thoát dịch từ đâu nếu không phải từ mỗi lãnh đạo địa phương?

Vũ Tú Thành
(PS st theo VnExpress)

tin tức liên quan