"Covid hôm nay " - Góc nhìn của Hoàng Kiền

Ngày đăng: 02:11 10/10/2021 Lượt xem: 305
COVID HÔM NAY - GÓC NHÌN CỦA HOÀNG KIỀN

Ý KIẾN THAM GIA PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID- 19


 
       Hội nghị Trung ương Lần thứ Tư khoá XIII diễn ra trong ba ngày đã bế mạc. Trong đó có nội dung bàn về tình hình dịch covid ở nước ta trong thời gian vừa qua, Tổng bí thư đã bế mạc hội nghị có phần nói về chống dịch covid- 19.
       "Ngoài nguyên nhân khách quan do tác động của dịch bệnh là chủ yếu, cũng có nguyên nhân chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh; có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, thiếu thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất; còn hạn chế, bất cập trong dự báo, phân tích tình hình để xây dựng và triển khai thực hiện có bài bản các phương án ngắn hạn cũng như dài hạn, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội."

NHỮNG GÌ NHÌN THẤY
       Cho đến nay đợt dịch covid lần thứ tư ở nước ta đã cơ bản được khống chế, đó là sự cố gắng lớn của cả nước, cũng là thành công trong ngăn chặn và đẩy lùi đợt dịch thứ tư vô cùng nguy hiểm này. So với toàn cầu Việt Nam chống dịch covid-19 có hiệu quả hơn nhiều nước.
       Tính đến hết ngày 7 tháng 10 năm 2021.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 826.837 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.399 ca nhiễm).
       Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.223 ca, chiếm tỷ lệ 2,45 % so với tổng số ca nhiễm, trung bình của thế giới là 2,1 %. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
       Diễn biến dịch bệnh ở khu vực các tỉnh phía nam rất nghiêm trọng và phức tạp. Trung ương đã huy động lực lượng ngành Y tế, Quân đội, Công an và các mặt chi viện cho TP Hồ Chí Minh và Bình Dương rất lớn. Tuy vậy Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng một nửa số ca nhiễm bệnh và khoảng 80 % số ca tử vong trong cả nước, tiếp theo là Bình Dương. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng cần xem xét.
- Ba đợt dịch trước, Việt Nam khống chế tốt, được cả thế giới công nhận và đánh giá cao, thể hiện tính ưu việt của chế độ Xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đợt dịch thứ tư này để diễn ra nghiêm trọng làm kết quả của các đợt chống dịch trước không còn nhiều ý nghĩa.
       Những vấn đề cho thấy Việt Nam đã nhìn nhận vấn đề đúng ngay từ đầu, khi 16 bệnh nhân được phát hiện chủ yếu từ Vũ Hán về nước, Việt Nam đã công bố tiến hành cuộc chiến " Chống dịch như Chống giặc ". Thật là chính xác, tạo ra thành công của ba đợt đầu.
       Lịch sử nước ta từ khi có Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đã có các lần ra lời kêu gọi chống giặc ngoại xâm.
       Trong thế kỷ 20 có bốn lần kêu gọi.
- Kháng chiến chống Pháp, năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.
- Kháng chiến chống Mỹ, năm 1966 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
- Trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào- Ban chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam ra lời kêu gọi Quân đội ta nhất định phải đánh thắng.
- Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, năm 1979 Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ra lời kêu gọi chống quân bành trướng xâm lược. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh Tổng động viên.
       Lần đầu tiên trong thế kỷ 21, Tổng bí thư- Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc lời kêu gọi chống Đại dịch COVIT- 19. Đảng, Nhà nước Việt Nam đã phát động toàn dân "đánh giặc" như thế đấy. Không một nước nào trên thế giới có được như Việt Nam. Chúng ta đã giành thắng lợi trong ba đợt dịch covid-19 phát ra, dó là những thắng lợi vô cùng quan trọng.
       Khi covid đã biến thể đang tấn công Mỹ và Châu Âu, Ấn Độ và Đông Nam Á, Tổng bí thư đã đọc lời kêu gọi lần thứ hai.
       Chỉ trong vòng hai năm tiến hành cuộc chiến chống dịch covid- 19 mà có hai lần Tổng bí thư đọc lời kêu gọi là thấy tính chất nghiêm trọng của cuộc chiến này - Cuộc chiến với "vũ khí sinh học" cực kỳ nguy hiểm , chưa có tiền lệ ở nước ta, khó lường.
       Tuy vậy, điều hành cuộc chiến lần thứ tư này còn nhiều vấn đề.

HAI VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM
+ Số người mắc bệnh và tử vong đợt dịch lần thứ tư này là cao, rất nghiêm trọng, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và Bình Dương.
+ Hai đợt diễn ra dòng người di tản từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai về các tỉnh trong cả nước, đặc biệt là miền Tây, tiếp theo đến Tây Nguyên rồi ra miền Bắc là rất lớn, rất nghiêm trọng. Có thể nói những cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử nước ta ở thời bình. Rất nhiều hình ảnh video líp trên báo chí trên mạng xã hội.

TÔI CHO RẰNG
       Vẫn duy trì Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống covid là không phù hợp. Vẫn để Phó thủ tướng- Trưởng ban chỉ đạo thời gian dài mãi giữa tháng 7 Thủ tướng mới làm Trưởng ban chỉ đạo là chậm. Ban chỉ đạo phù hợp với cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cuộc chiến chống Đại dịch covid- 19 khi vi rút đã có biến thể, diễn biến của cuộc chiến tính bằng giây phút.
       Thiếu hệ thống chỉ huy thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Vẫn dùng các kịch bản để "chống giặc", thiếu các Quyết tâm, Phương án " Tác chiến " , cần xây dựng, Bộ chính trị họp bàn, phê duyệt, Thủ tướng chính phủ trực tiếp điều hành. Các kế hoạch bảo đảm đời sống cho người dân khi thực hiện giãn cách xã hội nhất là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương chưa tính kỹ, chưa tính hết, còn chung chung và chủ quan, lơ là . Một số việc một số nơi trên nói dưới không nghe, do thiếu vai trò chỉ huy ra mệnh lệnh.
       Từ việc thiếu hệ thống chỉ huy thống nhất dẫn đến cát cứ, mỗi nơi làm một kiểu, giao thông ách tắc, tỉnh nào cũng ngăn cũng chặn, phong tỏa nhiều nơi chưa phù hợp, ngay việc mở đường bay, đường sắt đến nay cũng tuỳ địa phương quyết định không có sự điều hành trong toàn quốc. Trung ương chờ quyết định của địa phương. Qui định người về Hà Nội đều phải cách ly hết. Biểu hiện cát cứ một số nơi rất phức tạp, có tỉnh ngăn không cho người từ Hà Nội về là chưa phù hợp.
       Thiếu sự chỉ huy điều hành trong toàn quốc, thể hiện sự lúng túng.
       Còn biểu hiện chủ quan, khi Châu Âu và Mỹ, Ấn Độ, Đông Nam Á ảnh hưởng nghiêm trọng đến suy thoái kinh tế, Việt Nam vẫn nêu quan điểm thực hiện mục tiêu kép : chống dịch và phát triển kinh tế, dẫn đến TP Hồ Chí Minh đầu tàu kinh tế vẫn cổ vũ cho du lịch dịp lễ 4 ngày 30/4 - 1 / 5 sau đó vẫn ra lệnh giãn cách chậm dẫn đến dịch lan ra không kiểm soát được để lại hậu quả vô cùng nặng nề về xã hội và kinh tế.
       Tuyến biên giới Tây Nam, nơi trọng yếu của những người nhập Cư bất hợp pháp mang theo mầm bệnh biến thể đen ta từ Thái Lan qua Campuchia vào Việt Nam, ngăn chặn chưa tốt . Để ổ dịch từ hội truyền giáo ở TP Hồ Chí Minh phát ra là một việc yếu kém của cơ sở . Chúng ta chậm tiếp cận nguồn VX đã đặt mua, khi các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước mở rộng ngoại giao VX mới đạt kết quả bước đầu. Cách ly tập trung quá đông trong khi điều kiện chăm sóc ý tế còn nhiều khó khăn, thiếu máy thở là một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong cao.
       Khi thực hiện giãn cách chỉ có chỉ thị, chưa tính đến những gì sẽ xảy ra sau khi có chỉ thị này, dẫn đến tình trạng người dân di tản rất lớn khi TP Hồ Chí Minh ra chỉ thị giãn cách kéo dài thêm một tháng.
       Khi thực hiện nới lỏng giãn cách sau năm tháng cũng chưa lường đến việc dân di tản ồ ạt đợt hai về khắp các tỉnh trong toàn quốc với hàng chục nghìn người.
       Cán bộ chưa sát dân, chưa nắm tình hình thực chất cuộc sống của người dân là lao động tự do ra làm sao, nghe báo cáo không đúng thực tế, trợ cấp của nhà nước nhiều nơi chưa đến người dân, không đúng đủ như những gì thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, từ đó cho thấy người nghèo, người dân lao động tự do sẽ chịu thiệt thòi nhiều do covid gây ra cả về tính mạng. Từ đó dẫn tới mất niềm tin làm cho người ta hoang mang lo sợ tự phát di tản như thế. Việc huy động hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh chậm.
       Không có hệ thống trực chỉ huy để xử lý dân ồ ạt di tản từ TP Hồ Chí Minh về miền Tây, Tây Nguyên, ra các tỉnh phía Bắc xa giới hơn 1700 ki lô mét phải chịu vất vả về thể xác và khủng hoảng về tâm lý, mất tinh thần, thật đau xót. Do có chỉ thị không được cho dân rời khỏi TP Hồ Chí Minh, thực tế không ngăn cản được người dân tự phát quyết về quê đề lo cho sự sống của mình . Các lực lượng làm nhiệm vụ chấp hành nghiêm chỉ thị, quyết tâm ngăn chặn, không mở chắn, không mở cửa đường hầm dẫn đến cảnh xô xát giữa dân di tản với lực lượng chốt giữ, có nơi còn phạt dân. Chế độ trực chỉ huy nắm tình hình phát hiện chậm, xử lý chậm, chưa kịp thời chỉ đạo các địa phương dọc đường kịp thời giúp dân, để một số người gặp hoạn nạn .
       Sau đợt di tản lần thứ nhất làm cho dịch lan rộng ra các tỉnh miền Nam, sau đợt di tản lần thứ hai này từ 30/9 đến nay sẽ làm cho việc lây lan ra rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước. Việc chỉ đạo không có phương án nên không nhất quán. Nhiều văn bản chỉ thị, qui định, hướng dẫn của các cấp nghiên cứu không sâu, thay đổi liên tục, cấp thực thi, người dân không biết đâu mà lần.
       Nay có lệnh đưa đón dân về là đúng nhưng quá chậm khi phần lớn họ đã về quê bất chấp nguy hiểm.
      Khi hoạt động sản xuất mở lại, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai sẽ có một giai đoạn thiếu lao động trầm trọng. Thậm chí nhiều người không quay trở lại vĩnh viễn. Phục hồi sản xuất không hề đơn giản.

HAI VẤN ĐỀ CẦN ĐẶT RA NGHIÊN CỨU
       Vấn đề thứ nhất: Cần nghiên cứu qui hoạch lại địa giới hành chính các tỉnh thành ở nước ta. Một nước diện tích chỉ bằng 1 tỉnh của Trung Quốc mà chia ra 63 tỉnh thành bất lợi rất nhiều mặt, qua đợt dịch vừa này đã bộc lộ rất nhiều vấn đề mà báo chí đã đưa tin. Nên quay lại thời cả nước có 37 tỉnh thành phố hoặc ít hơn nữa sẽ tạo nhiều thuận lợi cho sự phát triển của đất nước, "chống dịch , chống giặc". Tỉnh nhỏ quá chính phủ lại phải chỉ đạo liên kết kinh tế vùng vv.. nhiều thứ rắc rối lắm. Bộ máy hành chính đông, trụ sở nhiều, xe cộ lắm .... Cần qui hoạch lại các bộ ban ngành các cấp cho gọn hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn.
       Vấn đề thứ hai: Cần qui hoạch lại việc phát triển kinh tế vùng cho đồng đều bằng các chính sách của nhà nước. Tập trung quá đông dân về TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.... là không phù hợp với chủ trương của Đảng ta từ rất lâu đã đặt ra "làm cho nông thôn đuổi kịp thành thị, miền núi tiến kịp miền xuôi". Bây giờ có cảm giác mạnh ai người ấy chạy, nước chảy chỗ trũng. Vai trò điều tiết của nhà nước chưa phát huy đây đủ, cơ quan tham mưu chiến lược chưa đúng tầm, cần xem xét lại.

CÁN BỘ
       Một người lo bằng kho người làm - ca dao Việt Nam
       Cán bộ quyết định hết thảy - Lênin
       Cán bộ là cái gốc của mọi công việc - Hồ Chí Minh.
       Cứ nhìn lại những nơi làm tốt, những nơi yếu kém từ trên xuống dưới là biết Đức - Tài của cán bộ.

 
Ngày 9/10/2021
CCB Hoàng Kiền.

tin tức liên quan