Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, trưởng thành từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, với 79 năm tuổi đời và 64 năm hoạt động cách mạng liên tục, nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ, tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10/10/1911, được tôn vinh là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bản lĩnh; nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam; tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tài năng lãnh đạo của ông được thể hiện rõ ở cả lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao. Ông được Đảng tin tưởng giao phó nhiều trọng trách trong cả thời kỳ hoạt động bí mật, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong thời kỳ nước nhà thống nhất. Nhưng dấu ấn sâu đậm hơn cả là khi ông trực tiếp phụ trách đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ông từng giữ chức Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, để lại nhiều dấu ấn trong công tác tổ chức, xây dựng Đảng.
Bên lề cuộc hội thảo “Đồng chí Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam” nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, con trai của nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ, đã chia sẻ những ký ức đặc biệt về người cha của mình. Sau những chuyến công tác dài ngày triền miên, trong khoảng thời gian rảnh rỗi ít ỏi khi về thăm nhà, điều mà ông luôn răn dạy các con mình là phải luôn giữ gìn đạo đức, không để ảnh hưởng đến truyền thống gia đình.
“Với tôi, ông luôn là người chồng, người cha có trách nhiệm và tình cảm với gia đình”
PV: Điều khiến ông luôn nhớ về cha mình là gì?
Ông Lê Nam Thắng: Lúc ba tôi còn sống, ông bận rất nhiều việc, thường xuyên phải xa nhà. Giai đoạn phụ trách việc đàm phán Hiệp định Paris, ông xa nhà tới 4-5 năm liền. Rồi sau đó đến những đợt dài ngày ông vào chiến trường miền Nam trong tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, thay mặt Bộ chính trị chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh; hay như trong giai đoạn phụ trách chiến trường Tây Nam và giúp bạn Campuchia. Chưa kể, những chuyến công tác tới các địa phương trên cả nước cũng chiếm nhiều thời gian của ông.
Lúc đó, tôi còn nhỏ nên chưa hiểu hết công việc ông làm, một phần vì công việc ông không có nhiều thời gian để nói chuyện, một phần vì thời điểm đó đang trong giai đoạn chiến tranh nên những hoạt động của ông đều mang tính chất bí mật. Nhưng ở góc độ người con, tôi cảm nhận mặc dù rất bận nhưng ông vẫn dành thời gian, tâm sức khi điều kiện cho phép để quan tâm tới gia đình, vợ con. Đi công tác xa về, việc đầu tiên ông quan tâm là sức khỏe mọi người trong nhà thế nào, chuyện công tác của vợ, chuyện học hành của các con ra sao. Điều ông lo lắng là giai đoạn ông phải đi công tác xa nhà triền miên, trong nhà vắng bóng người cha, sợ con cái đua đòi theo bạn bè xấu hư hỏng, làm những chuyện không đúng.
PV: Một người có công lao và vai trò lớn như vậy với cách mạng Việt Nam, cuộc sống của ông có gì đặc biệt?
Ông Lê Nam Thắng: Với tôi, ông sống rất giản dị, quần áo chỉ vài bộ đại cán, ka ki bộ đội. Chỉ khi nào đi nước ngoài công tác hay tiếp khách quốc tế phải ăn mặc lịch sự ông mới mặc những bộ veston do Nhà nước may cho. Đồ dùng sinh hoạt ở nhà cũng rất đơn giản, tối thiểu cho sinh hoạt không có gì sang trọng, hiện đại như bây giờ. Đồ dùng giá trị nhất của ông lúc đó chỉ có một cái đài Sony để nghe tình hình tin tức trong và ngoài nước. Tôi nghĩ nếu bạn được chứng kiến sẽ không hình dung nổi những người lãnh đạo thời ấy họ đã sống đơn giản, bình dị như thế nào.