Thứ trưởng Y tế: Có những lúc chúng tôi tưởng đã bất lực trước dịch ở TP.HCM
Thứ trưởng Y tế: Có những lúc chúng tôi tưởng đã bất lực trước dịch ở TP.HCM
Nguồn: Báo Điện tử VTC
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trong thời gian chống dịch ở TP.HCM, có những lúc ông tưởng đã bất lực, nhưng phải sốc lại tinh thần, nhìn thẳng vấn đề.
Sáng 18/10, Bộ Y tế và Báo Tuổi Trẻ Online cùng tổ chức cuộc trò chuyện trực tuyến với 3 bác sĩ đã tham gia cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 tại TP.HCM, gồm: Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, bác sĩ Nguyễn Tri Thức và bác sĩ Lê Minh Khôi.
Nói về những khó khăn đã trải qua trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 tại TP.HCM, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, thách thức lớn nhất là thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9, khi đó tỷ lệ tử vong ở các cơ sở thu dung điều trị tăng lên và số lượng tăng hàng ngày, thời điểm đầu tháng 9 trung bình khoảng 340 ca/ngày.
“Có lúc chúng tôi tưởng là bất lực, nhưng sau đó lấy tinh thần nhìn thẳng vào diễn biến của dịch, để điều chỉnh những chính sách”, ông Sơn nói.
|
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trong một lần thị sát công tác chống dịch tại TP.HCM. |
Thời điểm đó, chúng tôi đề xuất xây dựng mô hình “bệnh viện chị em”, 3 tuyến (thu dung, điều trị, hồi sức) có sự phối hợp, kết hợp với nhau để có thể chuyển lên trên nếu bệnh nặng, chuyển xuống dưới nếu bệnh nhẹ.
Thứ 2 là tổ chức cách ly F0 tại nhà, test nhanh cách ly ở nhà coi ca dương tính là F0. Rồi trong thời điểm số lượng ca COVID-19 tăng nhanh, số lượng test nhanh không đủ nhiều và chúng ta sử dụng mẫu gộp đã đem lại hiệu quả rất tốt. Những cái này cũng là thách thức, kể cả mẫu gộp test nhanh cũng là quyết định hết sức táo bạo.
“Thời điểm đó thì chúng tôi hết sức khó khăn, làm việc, nghiên cứu gồm cả tài liệu, rồi trao đổi với nhau giữa Bộ phận thường trực Bộ Y tế và TP.HCM liên tục. Chống dịch tại thành phố, chúng tôi nghĩ đây là thời điểm hết sức có ý nghĩa trong cuộc đời”, Thứ trưởng chia sẻ.
Nói về những bài học chống dịch COVID-19 tại TP.HCM vừa qua, ông Sơn chia sẻ, trong 5 tháng qua, chúng ta thực hiện nhiều biện pháp mà trước đây chưa từng có tiền lệ trong 3 làn sóng dịch trước. Đó là, việc tổ chức cho các trường hợp F0 cách ly tại nhà.
Việc cách ly tại nhà, với sự chỉ đạo thông qua Nghị quyết 86 của Chính phủ, thông qua các công điện, chúng ta đã tổ chức, xây dựng "xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ" nên tất cả trường hợp cách ly tại nhà được tiếp cận nhanh chóng với dịch vụ y tế, tiếp cận các gói an sinh xã hội, giảm tải rất nhiều cho các bệnh viện.
Trong xét nghiệm, chúng áp dụng rộng rãi xét nghiệm test nhanh kháng nguyên. Áp dụng chiến dịch xét nghiệm thần tốc, lan rộng, có trọng tâm trọng điểm, đặc biệt ở vùng có nguy cơ cao và rất cao.
"Hiệu quả chiến dịch này đã đem kết quả hết sức đáng mừng, từ cuối tháng 8 tại TP.HCM tỷ lệ người mắc mới qua các đợt xét nghiệm là 3,7%, nhưng cuối tháng 9 giảm còn 0,1%, tín hiệu hết sức đáng mừng”, ông Sơn nói.
Xây dựng tháp điều trị 3 tầng, dựa trên tháp này những mối quan hệ được xác lập giữa các trung tâm hồi sức, bệnh viện dã chiến, cơ sở xã, phường. Do đó, việc chăm lo cho người dân về mặt y tế được nâng lên một bước, không có sự chồng chéo giữa các tuyến thu dung điều trị.
Về công tác chống dịch thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng, việc áp dụng "Zero COVID" đã lộ ra bất cập, quan điểm của Chính phủ cũng như Ban chỉ đạo quốc gia là phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả COVID-19.
"Chúng tôi đã làm việc với thành phố, phải xây dựng kịch bản với người đến từ vùng xanh và vùng khác, người tiêm 2 mũi vaccine, người đã có miễn dịch… sẽ có ứng xử khác nhau. Những biện pháp nêu ra đã được Chính quyền thành phố hết sức quan tâm, tôi hy vọng trong thời gian tới khi chúng ta đón các lực lượng lao động trở lại thành phố, việc phân loại phân vùng được thực hiện mềm mỏng, đúng quy định của Chính phủ, Bộ Y tế.
Ý thức nhân dân là hết sức quan trọng, rất mong muốn các bạn thực hiện đúng. Tôi mong muốn chúng ta hãy cùng nhau, tôi, bạn và người dân, cộng đồng, hệ thống chính trị phải có ý thức. Hiện tại an toàn thì chưa an toàn đâu, vẫn có khả năng lây nhiễm, khả năng lây lan cho người khác, nhưng chúng ta cùng ý thức được vấn đề này thì tôi nghĩ kết quả như bạn mong đợi không còn xa”, Thứ trưởng nói.
( C. H sưu tầm)