Chuyên gia: Không sớm đến trường, thể chất, tinh thần trẻ bị ảnh hưởng nặng nề

Ngày đăng: 07:59 28/10/2021 Lượt xem: 179

Chuyên gia: Không sớm đến trường, thể chất, tinh thần trẻ bị ảnh hưởng nặng nề

                                             Nguồn: Báo Điện tử VTC

Chuyên gia cảnh báo, nghỉ dịch quá lâu, không được đến trường giao lưu với bạn bè, kết nối môi trường xung quanh, thể chất, tinh thần trẻ sẽ ảnh hưởng nặng nề.

 


Gần 5 tháng kể từ khi kết thúc sớm năm học 2020 - 2021, nhiều gia đình chưa cho trẻ con bước chân ra khỏi nhà vì dịch COVID-19 căng thẳng. Mùa hè đến, năm học mới 2021 - 2022 đến, mọi sự kiện đều diễn ra tẻ nhạt trong bốn bức tường, trẻ chỉ có thể làm bạn với điện thoại, tivi. Các chuyên gia cho rằng, những điều trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tâm lý của trẻ.

Trẻ cần ra ngoài vui chơi

Theo ThS Nguyễn Thúy Quỳnh, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, thói quen sinh hoạt hàng ngày lặp đi lặp lại nhàm chán khiến trẻ hụt hẫng, ngừng trệ trong tư duy, chậm phát triển.

"Cách đây 2 tuần, một người bạn của tôi phải tìm đến bác sĩ chuyên khoa nhi thần kinh khám và tìm hướng điều trị cho cậu con trai 8 tuổi biểu hiện rối loạn hành vi. Bố mẹ đi làm để con trai ở nhà với người giúp việc. Cậu bé thường xuyên la hét, dỗi hờn, thậm chí có hành vi bạo lực đánh đấm mạnh tay với người này mỗi khi không vừa lòng điều gì đó.

Thi thoảng, bé lại tự nhốt mình trong phòng gào khóc, không rõ lý do. Khi bố mẹ đưa ra ngoài thay đổi không khí thì lại sợ tiếp xúc với người lạ, ai hỏi cũng không nói, chỉ muốn về nhà. Các bác sĩ nhận định đây là dấu hiệu tâm lý nguy hiểm, một dạng của tâm thần thể nhẹ do bị 'nhốt' ở một không gian nhất định quá lâu, thiếu sự hoà nhập xã hội", ThS Quỳnh chia sẻ.

Chuyên gia: Không sớm đến trường, thể chất, tinh thần trẻ bị ảnh hưởng nặng nề - 1
Trẻ lười vận động và "nghiện" máy tính, điện thoại. (Ảnh minh hoạ: T.K)

Để con không bị trầm cảm, thu mình, lười giao tiếp, ThS Quỳnh cho rằng, phụ huynh cần cố gắng giữ tâm lý vui vẻ, thoải mái và lắng nghe, thấu hiểu xem các con có nhu cầu gì và giúp chúng vượt qua. Bố mẹ hãy thực sự dành cho các con những thời gian chất lượng. Chất lượng ở đây là hãy đặt điện thoại xuống để nói chuyện, chia sẻ, tâm sự, chơi các trò chơi cùng con, chứ không phải đơn thuần là trông con.

ThS Nguyễn Thuý Quỳnh cũng đề nghị cơ quan quản lý cần sớm tính đến phương án mở cửa trường học an toàn. Chúng ta phải xác định sống chung với dịch bệnh, "nhốt' các con ở nhà quá lâu tiềm ẩn nguy cơ chậm phát triển thể lực và thần kinh cao hơn là đến trường trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

 

Nếu trẻ không được giải phóng năng lượng mỗi ngày, chúng sẽ tích tụ ngược trở lại trong cơ thể mà sinh ra bí bách, khó chịu về thể chất cũng như tâm lý.

ThS Nguyễn Thúy Quỳnh, ĐH Sư phạm Hà Nội

 

"Nếu con trẻ không được giải phóng năng lượng mỗi ngày, chúng sẽ tích tụ ngược trở lại trong cơ thể mà sinh ra bí bách, khó chịu về thể chất cũng như tâm lý. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể lực và trí tuệ của trẻ, nhất là độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi", vị chuyên gia cảnh báo.

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Hải Uyên, khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho rằng, ở nhà quá lâu khiến trẻ bị rối loạn tâm lý, nặng hơn là tâm thần, mất kiểm soát cảm xúc do ít tiếp xúc với người khác và bạn bè đồng trang lứa. Biểu hiện qua việc trẻ ít nói, né tránh ánh mắt khi giao tiếp, sợ người lạ.

Đặc biệt trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 10 tuổi, giai đoạn này các con phân biệt được quen, lạ và bắt đầu khám phá thế giới xung quanh, nhận biết đồ vật qua trò chơi, quan sát. Trẻ học các bước vào “giai đoạn xã hội hóa”, bước khỏi gia đình để tiếp xúc với những trẻ khác, kết nối với thầy cô, người xung quanh. Tuy nhiên, bị hạn chế tương tác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mặt ngôn ngữ, nhận thức và xã hội hóa.

Đây cũng là giai đoạn phát triển vận động nên nếu trẻ bị hạn chế vui chơi trong phạm vi hẹp, ít chạy nhảy, năng lượng không được giải phóng sẽ tạo thành những bức bối, khó chịu, căng thẳng. Điều này dẫn đến trẻ giảm khả năng tự phục vụ, thích ứng, nhận thức cũng như vốn ngôn ngữ.

Nặng hơn, trẻ bị rối loạn lo âu, chỉ cần người bên cạnh không ngồi sát bên là trẻ đã co rúm sợ hãi, khóc thét đòi, có trẻ chán ăn, rối loạn giấc ngủ, thờ ơ mọi thứ.

Theo chuyên gia, điều cần nhất lúc này là trẻ được vui chơi, hoạt động và học tập trực tiếp, tránh xa nhưng khoảng thời gian một mình, trong bốn bức tường. Phụ huynh cũng cần thay đổi môi trường sống, tạo không khí vui tươi hơn cho các con, kéo các con ra khỏi "vũng lầy" tâm lý đầu đời không đáng có do dịch COVID-19.

Sớm đến trường

PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý học, Đại học Quốc gia Hà Nội cảnh báo, thời gian gần đây nhiều trẻ bị tổn thương về tâm lý, sức khỏe tâm thần suy giảm do phải chịu đựng giãn cách và dịch bệnh thời gian dài.

Nhiều trẻ trở nên sợ hãi và lo lắng khi đối mặt với những thông tin hoặc tình huống nghiêm trọng, từ đó gây nguy hiểm sức khỏe thể chất và tinh thần. Bên cạnh đó, việc học trực tuyến kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất. Ví dụ như thị lực giảm, giảm vận động dẫn đến nguy cơ béo phì và cả sức khỏe tinh thần đáng lo ngại như tăng sự bực bội, cáu gắt, lo lắng, giảm khả năng tập trung, khả năng ghi nhớ kiến thức. Đặc biệt là các kỹ năng xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng thiếu tương tác.

Ông Nam dẫn một số nghiên cứu ở Trung Quốc vào thời gian cao điểm cách ly xã hội trẻ 6 đến 17 tuổi bị trầm cảm với tỷ lệ 45%. Các nghiên cứu khác về học trực tuyến cho thấy trẻ 3 đến 6 tuổi tiếp cận quá nhiều với thiết bị điện tử có các hành vi xung động thái quá; trẻ 6 đến 12 tuổi sử dụng quá nhiều thiết bị màn hình có sức khỏe tâm thần và cảm xúc kém hơn.

Chuyên gia: Không sớm đến trường, thể chất, tinh thần trẻ bị ảnh hưởng nặng nề - 2
Trẻ học online nhiều tháng liền trong hai năm học vừa qua. (Ảnh minh hoạ)

Trẻ cần được tới trường, hoạt động, vui chơi, tái tạo năng lượng tích cực sau thời gian dài nghỉ ở nhà. Nếu nghỉ quá lâu sẽ khiến thế hệ trẻ lệch lạc về tư duy và tinh thần, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền giáo dục về sau.

 

Trẻ cần được tới trường, hoạt động, vui chơi, tái tạo năng lượng tích cực. Nếu nghỉ quá lâu sẽ khiến trẻ lệch lạc về tư duy và tinh thần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền giáo dục về sau.

 

Đây cũng là đề xuất của TS Nguyễn Văn Hồng, Viện Sức khoẻ và Tâm thần. Ông cho rằng, các địa phương cần quyết liệt hơn trong việc cho trẻ tới trường, đặc biệt là các thành phố lớn, nơi có lượng học sinh đông như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...

Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng phụ huynh hoàn thành tiêm hai mũi vaccine, trẻ em nguy cơ lây nhiễm rất thấp, đặc biệt ở lứa tuổi của trẻ tiểu học, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa. Hay thống kê ở nước Anh nêu, nguy cơ trẻ em tử vong vì COVID-19 thấp hơn tỷ lệ trẻ em tử vong vì bệnh cúm và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong vì tai nạn giao thông.

Trước đây, khi chưa phủ vaccine cho người lớn, chúng ta phải ngừng cho học sinh tới trường là đúng. Vì tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ rất thấp nhưng các em có thể lây từ người lớn. Khi độ phủ vaccine người lớn cao, đồng nghĩa đối tượng nguy cơ được bảo vệ, lúc này, học sinh nên được tới trường.

Trong báo cáo đánh giá hồi cuối tháng 9/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) khuyến cáo, các nước trên thế giới cần quan hơn việc đi học của trẻ vì sự phát triển của các em. Nếu dừng đến trường quá lâu, trẻ sẽ bị ảnh hưởng đến tư duy, năng lực phát triển về lâu dài, không dễ cải thiện trong ngày một ngày hai.

Việc học trực tuyến có thể hiệu quả với em này nhưng không hiệu quả với em khác, kéo dài sẽ dẫn đến sự mất công bằng trong học tập với các em. Đặc biệt, với nhóm học sinh yếu thế, trường học là nơi các em được bảo vệ, chăm sóc tốt hơn. Nhiều gia đình, người lớn không ở nhà, trẻ pải đối diện nguy cơ tai nạn khi một mình loay hoay với máy tính, ổ điện.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan