Dù đã có nhiều biện pháp, nhưng tỷ lệ lượt người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường rất thấp - chỉ 17,7% năm 2016, 15,9% năm 2018. Y tế cơ sở vẫn chưa thực hiện tốt việc quản lý sức khỏe cá nhân, tầm soát phát hiện bệnh sớm, quản lý bệnh, nhất là các bệnh mạn tính cho cộng đồng địa phương.
Phát biểu khai giảng lớp nâng cao chuyên môn của nhân viên y tế Bình Dương trong điều trị người bệnh Covid-19 mới đây, tôi nhấn mạnh, không phải các trung tâm hồi sức Covid ở tuyến cuối là "chìa khoá" mà chính hệ thống y tế cơ sở cấp quận huyện, phường xã quyết định kết quả cuộc chiến với đại dịch. Chính các nhân viên y tế cơ sở sẽ không còn làm nhiệm vụ phát hiện, truy vết, khoanh vùng mà sẽ tham gia chẩn đoán, phân loại và điều trị sớm F0. Có như vậy, chúng ta mới yên tâm dần mở cửa, kinh tế mới phục hồi và xã hội sẽ bình an.
Cải thiện năng lực y tế cơ sở là mắt xích quan trọng để giải quyết dần những khó khăn, bất cập của ngành Y. Thực ra, Bộ Y tế đã có đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở. Mục tiêu của đề án, đến năm 2025, 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.
Vậy nhưng một câu hỏi chưa có lời giải: làm cách nào để nâng cao chất lượng y tế cơ sở thực chất?
Đại dịch như cơn lốc tràn qua, quét sạch cái vỏ "sơn son thếp vàng", bộc lộ những cái ruột vừa yếu về cơ sở vật chất và đặc biệt yếu về chuyên môn, con người. Nhìn vào số lượng, đúng là ta không thiếu các trạm y tế xã, phường, vì đây là tiêu chí bắt buộc của mỗi địa phương. Bệnh viện quận, huyện cũng được quan tâm đầu tư xây dựng ở những tỉnh thành có điều kiện. Tuy nhiên, việc đầu tư rất hình thức. Xây nhà to đẹp, vị trí cũng đắc địa, nhưng cái ruột chẳng có gì.
Tôi đã thăm rất nhiều trạm y tế xã. Với những câu hỏi đơn giản như "Cấp cứu ngừng tuần hoàn, sốc phản vệ thế nào cho đúng cách?", câu trả lời tôi nhận được thường là những nụ "cười trừ" hoặc sai bét. Gần như 100% các trạm y tế đều không có máy shock điện, một phương tiện mà chúng ta có thể bắt gặp ở nhiều địa điểm công cộng tại các nước phát triển.
Chính vì những nguyên nhân tưởng như rất nhỏ mà các trạm y tế xã, phường cuối cùng chỉ làm nhiệm vụ tiêm chủng, chữa cảm cúm, khâu vết thương và phát thuốc tăng huyết áp, đái tháo đường, động kinh... Ngày thường, nhân viên khá nhàn rỗi, nhưng khi dịch xảy ra lại là nơi vất vả nhất với trăm việc đổ lên đầu và rối như canh hẹ, vì cấp nào cũng chỉ đạo được cái trạm y tế với nhúm người chẳng ra chuyên môn cũng không phải công chức nhà nước.
Dài dòng vậy để ta cùng hiểu, từ chủ trương đến thực sự bắt tay vào xây dựng cải tổ hệ thống y tế cơ sở là quãng đường dài và rất nhiều chông gai.
Tôi thấy hai yếu tố rõ ràng là mục tiêu cần thay đổi. Thứ nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men. Thứ hai, nhưng quan trọng hơn, là thay đổi con người. Y tế cơ sở cũng cần hai công cụ để đạt được mục tiêu đó là chính sách và tiền bạc.
Về cơ sở vật chất, một cuộc tổng rà soát cấp quốc gia hệ thống y tế quận huyện, xã phường; đưa ra danh mục trang thiết bị thuốc men, kỹ thuật thực hiện dựa vào mô hình bệnh tật hiện nay là cấp thiết. Cơ chế đấu thầu thuốc cho hệ thống này cũng cần thay đổi, đặc biệt với những thuốc dành cho bệnh mạn tính để chấm dứt tình trạng mỗi tháng mỗi loại thuốc khác nhau cho một bệnh nhân tăng huyết áp thông thường. Hệ thống công nghệ thông tin y khoa rất cần ưu tiên đầu tư đến tận cấp xã, phường, đồng thời đồng bộ dữ liệu ít nhất trong phạm vi một tỉnh để liên thông các kết quả xét nghiệm.
Tiền ở đâu ra?
Nguồn tiền đầu tư nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia, được coi là tiêu chí đánh giá phát triển của địa phương. Muốn vậy, ta phải xác lập lại cơ chế hoạt động của các trạm y tế xã phường, coi chúng như các phòng khám chịu quản lý trực tiếp cả về hành chính lẫn chuyên môn của trung tâm y tế quận, huyện. Các bác sĩ, điều dưỡng có thể luân chuyển giữa những cơ sở y tế này.
Con người quan trọng nhất nhưng cũng vô cùng khó khăn. Đã quá lâu, chúng ta không chú trọng và ngủ quên trên chiến thắng khi đã có những thành công nhất định của hệ thống y tế công cộng trong quá khứ. Dự phòng là mục tiêu quan trọng nhưng chữa bệnh cũng cần được coi là chìa khoá để y tế cơ sở có đủ sức tồn tại và phát triển trong kinh tế thị trường hôm nay.
Tôi khuyến nghị những thay đổi sau:
Thứ nhất, luật pháp có cơ chế bảo vệ nhân viên y tế trước nạn hành hung không có xu hướng giảm những năm qua. Trường hợp vị công an rút súng dọa nhân viên y tế ở Lâm Đồng mới đây là ví dụ điển hình về sự yếu thế của y tế cơ sở Việt Nam. Chế tài nghiêm khắc là nhiệm vụ của các cấp chính quyền.
Thứ hai, ngành chủ quản thiết lập hệ thống đào tạo liên tục cho nhân viên y tế, coi như điều kiện cần để họ tiếp tục hành nghề, tổ chức một cách thuận tiện, nghiêm túc. Telehealth là một giải pháp đã chứng minh hiệu quả trong thời gian qua, tạo hành lang pháp lý để y học từ xa vươn đến mọi trạm y tế xã, phường. Công nghệ thông tin hướng tới chăm sóc sức khỏe đến tận các hộ dân, y tế cơ sở vì thế không thể nằm ngoài xu thế.
Cuối cùng, nhanh chóng sửa đổi Luật Khám chữa bệnh nhằm nâng cao vai trò của y tế cơ sở. Theo đó, bãi bỏ những quy định phân tuyến phi khoa học như: theo hạng bệnh viện chỉ được dùng thuốc, làm dịch vụ, thủ thuật mức độ nhất định, không hạn chế phạm vi hoạt động của nhân viên y tế, chỉ cần đánh giá đủ điều kiện vật chất và con người là có thể cho phép các trạm y tế tiến hành các thủ thuật, các phương pháp điều trị dưới sự giám sát chặt chẽ của bệnh viện quận, huyện.
Tương tự, ở cấp cao hơn, bệnh viện, trung tâm y tế quận huyện sẽ là cánh tay nối dài của các bệnh viện tỉnh, thành. Với chỉ đạo tuyến thông suốt, việc phân khúc điều trị sẽ là một hệ thống mềm, uyển chuyển không cứng nhắc duy ý chí.
Tôi không thể không nhắc đến thu nhập của nhân viên y tế cơ sở. Với thu nhập dưới mức trung bình hiện nay, chắc chắn không một bác sĩ nào dù mới ra trường lại chọn y tế xã, phường làm nơi bắt đầu sự nghiệp. Một chiến sĩ công an có thể phấn đấu từ cảnh sát khu vực trở thành vị tướng quyền uy, nhưng một bác sĩ phường, xã khó bao giờ tiến dần đến những vị trí đầu ngành. Đơn giản, vì muốn nâng cao tay nghề cũng như danh tiếng, nhân viên y tế rất cần phương tiện khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học và đặc biệt là được thực hành thường xuyên với những ca bệnh phức tạp.
Đã khó phát triển về chuyên môn lại thu nhập "ba cọc ba đồng", thà bỏ nghề chứ ít bác sĩ muốn bám trụ ở trạm y tế xã. Bằng chứng là hơn một nửa số trạm y tế xã, phường ở TP HCM chưa có trưởng trạm. Hay huyện Phù Mỹ, Bình Định, nơi tôi ứng cử đại biểu Quốc hội, nhiều năm nay không tuyển nổi bác sĩ trẻ phần nhiều vì những lý do này. Các bác sĩ ở các trạm y tế xã hầu hết đã trên tuổi 50.
Giải pháp tình thế "hỗ trợ năm triệu đồng mỗi tháng để giữ chân nhân viên y tế" đã được đề xuất lên Hội đồng Nhân dân TP HCM. Tuy nhiên, theo tôi, đó chỉ là bước tạm thời. Chỉ khi các trạm y tế đơn sơ được "biến" thành phòng khám thuộc bệnh viện tuyến trên, phát triển dịch vụ y tế hiện đại, quản lý chăm sóc được bệnh mạn tính, ứng dụng công nghệ điều trị tại nhà, nhân viên y tế mới có động lực để làm việc và đạt thành quả xứng đáng với thu nhập của mình.
Rất mong sau đại dịch không thể nào quên này, mọi nhà đều biết địa chỉ của trạm y tế gần nhất.
Nguyễn Lân Hiếu
(PS st theo VnExpress)