Bản lĩnh của Thủ đô
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Nền kinh tế là nhiều chuỗi phụ thuộc nhau chằng chịt, chỉ cần một tỉnh thực hiện các biện pháp cực đoan là có thể gây ách tắc cả vùng, cả nước, không thể lưu thông; và bào mòn tâm lý người dân.
Thử nghiệm
Sau những phản ứng gay gắt của công luận về chính sách của Hà Nội về cách ly với người tiếp xúc gần (F1), Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Nhị Hà “đính chính”: Hà Nội không chủ trương “F1 cách ly tại nhà phải xin ý kiến hàng xóm”.
|
Khi đã phủ vắc xin rộng, cách thức chống dịch cần “thích ứng, an toàn” theo chỉ dẫn của Chính phủ để tạo môi trường thống nhất trên toàn quốc |
Có lẽ cần thêm thời gian để xem, lời giải thích bằng miệng đó có giúp thay đổi các văn bản đã ban hành của Thủ đô hay không.
Song, chính sách cách ly vừa ban hành của Thủ đô rõ ràng đã không được ủng hộ. Chính sách đó bao gồm tiếp tục đưa người nhiễm thể nhẹ đi điều trị tại cơ sở y tế địa phương, người đã tiêm đủ 2 mũi hoặc đã khỏi bệnh từ TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú trong 7 ngày và phải xét nghiệm 2 lần; những người chưa tiêm phải cách ly 14 ngày; F1 muốn cách ly tại nhà phải được các hộ hàng xóm đồng ý…
Hơn nữa, chính sách đó không đồng điệu với chủ trương của lãnh đạo Thủ đô là thí điểm cách ly người nhiễm tại nhà; thí điểm điều trị người nhiễm không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại cơ sở y tế địa phương - động thái giúp gỡ bỏ tâm lý lo lắng, phập phồng của đa số người dân đã tiêm đủ vắc xin. Cuối cùng, chính sách đó không tương thích với các quy định trong Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thậm chí cho rằng Hà Nội nên đi những bước mạnh dạn hơn: “Hà Nội bỏ cách ly tập trung đi, bỏ phong toả rộng tại khu phố hay toà chung cư, chỉ phong toả hẹp trong gia đình thôi”.
Từ những kinh nghiệm đau thương
Những đánh giá của các chuyên gia dịch tễ cho Thủ đô gợi nhớ lại các kinh nghiệm đau thương về cách ly tập trung ở TP.HCM.
Trong một cuộc họp tổng kết ở TP.HCM đầu tháng 10, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã nói rất thẳng về thực trạng này: “Lúc đó chưa có thuốc điều trị, TP tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến để tập trung ca nhiễm (F0). Nhưng tập trung xong ngồi đó ngó, ai khỏe vượt qua, ai mệt thì đi nằm bệnh viện. Việc này tạo áp lực căng thẳng rất lớn, không biết làm gì. Giữ F0 lại ngăn chặn nguồn lây nhưng tập trung họ lại xong không biết làm gì”.
Tính gần đây, TP.HCM đã để gần 43 ngàn người cách ly tại nhà trong tổng số gần 60 ngàn ca nhiễm virus Sars-Cov-2. Đó là quyết định rất đúng đắn, khoa học.
Ở góc độ kinh tế, TP.HCM sau 4 tháng phong tỏa, hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ duy trì “mức tối thiểu”, theo đại biểu QH Nguyễn Thiện Nhân. Bình quân giai đoạn đó chỉ có khoảng 2.000 DN hoạt động chiếm 0,7% tổng số DN của TP. “Có nghĩa là 99% DN không hoạt động và 99% người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập trong hơn 3 tháng”, ông Nhân nói.
TP.HCM bị ảnh hưởng nặng về tăng trưởng kinh tế với mức tăng trưởng dự báo năm âm 5% trong năm nay.
Không thể cực đoan
Đại dịch đã qua gần 2 năm nhưng cách xử lý mỗi nơi mỗi kiểu. Hồi cuối tháng 8, Cần Thơ ra công văn yêu cầu tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa tiêu dùng, xuất nhập khẩu từ các tỉnh, thành khác đến giao nhận hàng đều phải được đăng ký trước và phải trung chuyển hàng tại bãi đậu ngoài TP.
Trước động thái trái khoáy này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã không kìm được bức xúc: "Tôi yêu cầu TP Cần Thơ và các địa phương dừng ngay việc làm này. Các anh làm vậy là vi phạm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại văn bản số 1015/TTg-CN ngày 25/7, khi Phó Thủ tướng ban hành văn bản quy định xe có mã QR là không có chốt nào được phép dừng".Hệ lụy là hàng nghìn phương tiện vận tải phải nằm lại ở điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa TP Cần Thơ do vướng thủ tục và dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông.
"Trong khi đó, các anh bắt người ta dừng xe, xuống hàng chở bằng xe trung chuyển… Tôi ước gì cái cầu Cần Thơ được ở tỉnh khác, đừng nằm ở Cần Thơ. Cầu trọng điểm nằm ở địa phương các anh mà các anh làm khó người ta thì ai mà ưa Cần Thơ cho được.
Tôi là dân ĐBSCL mà tôi cũng ghét Cần Thơ đó. Các anh gây bức xúc khi hàng hóa cả khu vực miền Tây không đi qua các anh được; hàng chất lên, chất xuống, chờ đợi cả 10 tiếng đồng hồ, tốn bao nhiêu chi phí cho DN"- Bộ trưởng Thể nói trong cuộc họp trực tuyến giữa Bộ GTVT, Bộ NN&PTNN, Bộ Công Thương và tất cả các tỉnh thành trên cả nước về lưu thông hàng hóa vào chiều 25/8.
Sau yêu cầu của ông Thể, Cần Thơ và một số tỉnh có các chính sách cực đoan đã phải thay đổi. “Luồng xanh” đã được đảm bảo lưu thông trên toàn quốc.
Cần nhắc lại những bài học đó để tránh các biện pháp cực đoan, nhân danh chống dịch làm đứt gãy sản xuất, lưu thông trong bối cảnh vắc xin đã phủ khá rộng. Tình thế hiện nay, theo nghĩa cả về năng lực và vũ khí chống dịch, cả về sức ép của nền kinh tế “rơi chiều thẳng đứng”, đã khác trước.
Nền kinh tế là cả một chuỗi phụ thuộc nhau chằng chịt, chỉ cần một tỉnh thực hiện các biện pháp cực đoan là có thể gây ách tắc cả vùng, cả nước, làm nhiều nhà máy dừng sản xuất vì không có linh kiện, không thể lưu thông; bào mòn tâm lý của doanh nhân và người dân.
Cần bản lĩnh
Hà Nội cũng vậy. Ngày 24/7 TP bắt đầu phong tỏa theo chỉ thị 16 khi kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đang diễn ra. Không ít người biết, số ca mắc hàng ngày ở Hà Nội khi đó tương tự như ở TP.HCM cách đó 2 tháng. Tuy nhiên, mỗi ngày Thủ đô vẫn tiếp nhận hơn chục chuyến bay từ TP.HCM và cả trăm ngàn chuyến xe khách. Phải đến 7/8 các hoạt động này mới dừng hẳn.
|
Dùng laptop để trình chứng nhận tiêm vắc xin tại phường Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội) sáng nay. Ảnh: Đình Hiếu |
Các nhà dịch tễ nhận định, nếu Hà Nội không đóng ngay thì việc lặp lại rủi ro bùng phát dịch bệnh chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng, kể cả khi đã phong tỏa, số ca mắc trong cộng đồng tháng 7, tháng 8 vẫn tăng vọt trong cộng đồng. Nhiều phường, nhiều khu phố bị phong tỏa; cả TP căng như dây đàn, tâm lý xã hội rất nặng nề.
Rất may là Hà Nội không cực đoan thực hiện “3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến”, mà để DN tự chịu trách nhiệm. Kết quả là chỉ số sản sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 10% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách trong 10 tháng là 217 nghìn tỷ đồng, đạt 92% dự toán trung ương giao và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng cái giá của phong tỏa cũng rất lớn: GDP của Thủ đô trong quý 3 âm hơn 7%.
Khi đã phủ vắc xin rộng, cách thức chống dịch cần “thích ứng, an toàn” theo chỉ dẫn của Chính phủ để tạo nên môi trường thống nhất trên toàn quốc, đảm bảo môi trường kinh doanh thông suốt, an toàn.
TP nên mở rộng để những người nhiễm Sars-Cov-2 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ ở nhà, tất nhiên, vẫn duy trì các khu cách ly để giúp những người không có điều kiện. Những ca chuyển nặng hơn thì chuyển lên tuyến trên điều trị.
Cùng với thúc đẩy, hoàn thành tiêm vắc xin, cách làm đó của Hà Nội sẽ trao quyền cho người dân tự chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình và người thân, như trong công thức “5K + vắc xin + ... + ý thức người dân” của Chính phủ. Bằng cách đó, đầu tàu kinh tế sẽ ổn thôi cả về chống dịch lẫn phát triển kinh tế.
Đã được phủ nhiều vắc xin, Thủ đô là trung tâm kinh tế, là động lực tăng trưởng của đất nước. Vừa phải chống dịch thành công, vừa phát triển kinh tế để kéo đoàn tàu cả nước mới là thách thức, thể hiện bản lĩnh của Thủ đô.
( C. H sưu tầm)