Nhóm 'giậm chân móc túi' và cuộc đào tẩu suốt 20 năm của Hồng 'tây'
Nhóm 'giậm chân móc túi' và cuộc đào tẩu suốt 20 năm của Hồng 'tây'
Nguồn: Báo Điện tử InfoNet
Những năm 90 của thế kỷ trước, ở dải vườn hoa trung tâm TP Hải Phòng xuất hiện một số đối tượng, phần lớn là phụ nữ tụ lại với nhau thành từng nhóm nhỏ lẻ trộm cắp tài sản của người đi đường theo kiểu “giậm chân móc túi”.
Đây đều là những đối tượng lưu manh bất hảo, nhiều tiền án tiền sự, đều thuộc dạng dày ăn mỏng làm, sống tầm gửi vào các khu phố ở dải trung tâm suốt từ chợ Sắt đến khu cổng Cảng chính, hằng ngày lượn lờ rình mò sơ hở của mọi người để ra tay trộm cắp. Hành vi tội phạm của chúng gây nhức nhối trong đời sống xã hội, làm xấu đi hình ảnh của Hải Phòng trong mắt du khách khi đến với thành phố Cảng biển. Lực lượng Công an Thành phố (CATP) đã nhiều lần ra quân triệt xóa các nhóm đối tượng, kiên trì bóc gỡ từng nhóm, từng bước làm trong sạch địa bàn.
Đối tượng Trần Thị Hồng
Bị truy quét mạnh, các nhóm “giậm chân móc túi” lớp bị bắt, lớp tự tan rã, song vẫn còn một vài nhóm nhỏ lẻ trụ lại và chuyển hướng hoạt động tại các khu vực dừng chờ đèn đỏ tại các ngã tư, dừng chờ tàu chạy. Nổi lên là sự hoạt động trắng trợn của nhóm Hồng “tây” (tức Trần Thị Hồng, sinh 1967, ở tổ 40 cụm 7, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền). Hồng đã có 2 tiền án đều về tội Trộm cắp tài sản với tổng hình phạt là 24 tháng tù. Với chiêu trò liên tục chửa đẻ, Hồng lợi dụng chính sách nhân đạo của pháp luật để được hoãn thi hành án.
Trong nhóm của Hồng có Lê Thị Bình, sinh 1979, ở đường tàu Cầu Quay, phường Cát Dài, quận Lê Chân. Tuy trẻ tuổi nhất bọn nhưng Bình là đứa liều lĩnh, đóng vai trò tích cực cùng đồng bọn dàn dựng các phi vụ và trực tiếp trộm tài sản của bị hại. Bình có 4 tiền án cũng về tội Trộm cắp tài sản với tổng hình phạt là 54 tháng tù, và cũng bài chửa đẻ liên tục để được hoãn thi hành án. Địa phương cho biết Bình là đối tượng nghiện hút ma túy.
Đối tượng thứ 3 trong ổ nhóm này là Nguyễn Thị Hoa, sinh 1970, ở Tổ 40A cụm 7, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, có 3 tiền án đều tội Trộm cắp tài sản với tổng hình phạt 71 tháng tù. Hoa là đối tượng có học vấn cao nhất lớp 2/10, bởi cả Hồng và Bình đều mù chữ!
Theo hồ sơ vụ án, hồi 17h ngày 10-12-2001, nhóm Hồng “tây” tiếp tục gây án. Lúc này, chị Đoàn Phương Lan đi xe máy trên đường Lương Khánh Thiện, trên võng xe có 1 túi xách màu đỏ (bên trong có 5,3 triệu đồng và 1 ĐTDĐ). Khi đi đến ngã tư rạp Công nhân, chị Lan dừng xe đợi tín hiệu giao thông. Cùng lúc đó, bọn Bình, Hoa, Hồng đi qua. Bình ra hiệu cho Hồng, Hoa trộm cắp chiếc túi xách của chị Lan. Hồng dùng xe đạp đang đi đâm vào đằng sau xe máy của chị Lan. Đây là thủ đoạn khá quen thuộc của nhóm trộm cắp này, gây va quệt, đánh lạc hướng khiến chủ tài sản mất cảnh giác để dễ bề hành sự. Quả nhiên chị Lan quay lại xem sự thể xe bị đâm va, lợi dụng khổ chủ sơ hở Bình đã lấy cắp chiếc túi xách màu đỏ để trên võng xe của chị Lan rồi nhanh tay vất sang rọ xe của Hoa đang đứng gần đó. Phát hiện bị mất túi xách, ngay lập tức chị Lan hô hoán. Bình bỏ chạy, Hoa vất lại túi xách. Bình là kẻ trực tiếp lấy túi xách nhiều người nhìn thấy nên bị bắt ngay, còn Hoa, Hồng trốn thoát.
Vụ án sau đó được TAND quận Ngô Quyền đưa ra xét xử, tuyên phạt Lê Thị Bình 36 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản, tổng hợp các bản án chưa thi hành là 7 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Hoa 36 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản, tổng hợp các bản án chưa thi hành là 8 năm 6 tháng tù; Trần Thị Hồng 36 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản, tổng hợp các bản án chưa thi hành là 5 năm tù. Bản án có hiệu lực và khi con bé của Hồng đủ 36 tháng tuổi nhưng Hồng không đến cơ quan pháp luật để chấp hành hình phạt theo Quyết định của Tòa án mà “bốc” cả gia đình tìm đường bỏ trốn. Ngay sau đó, Công an quận (CAQ) Ngô Quyền đã ra Lệnh truy nã đối với Trần Thị Hồng…
Suốt gần 20 năm qua, lực lượng CAQ Ngô Quyền đã tổ chức nhiều lần truy bắt Hồng “tây” song tung tích thị vẫn bặt vô âm tín. Có tin thị đã bỏ trốn vào Huế, làm thủ tục để có Giấy khai sinh, đăng ký tạm trú dưới một cái tên khác. Ở cố đô giữa biển người với cơ man là khách du lịch thì tìm ra Hồng “tây” chả khác gì mò kim dưới biển. Dường như cũng “đánh hơi” được việc Công an đang truy bắt mình, Hồng cắt đứt hoàn toàn mọi thông tin, không liên lạc bất cứ với ai, kể cả người thân của mình và liên tục di chuyển chỗ ở. Rồi có tin Hồng “tây” đã chết, đây cũng là một thủ đoạn các đối tượng trốn truy nã thường tung ra để đánh lạc hướng lực lượng truy tìm. Tiến hành xác minh ở nhiều địa phương, nơi Hồng đã từng đặt chân đến nhưng lực lượng Công an không phát hiện dấu vết của thị. Quyết tâm không bỏ cuộc, nhân dịp những chuyến công tác vào các tỉnh miền trong, trinh sát Đội Điều tra tổng hợp phối hợp với Công an các tỉnh vẫn tiến hành rà soát các đối tượng truy nã, nhất là các đối tượng bỏ trốn lâu năm, trốn sâu, trốn xa như Hồng “tây”.
Thời gian gần đây, đợt 4 dịch bệnh Covid-19 ở các tỉnh miền trong diễn biến hết sức phức tạp khiến các cuộc di cư của người lao động từ vùng dịch về các địa phương cũng có những diễn biến khác thường. Lợi dụng tình hình, khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng, kết hợp với việc bị lực lượng Công an truy bắt gắt gao, để “tránh bão” Hồng “tây” liều lĩnh dạt ra Hải Phòng lẩn trốn. Thời điểm này, Hồng cũng có phần chủ quan cho rằng đã 20 năm rồi, lực lượng Công an Hải Phòng đã quên thị nên tìm đến tá túc ở nhà họ hàng, người quen. Sự xuất hiện của một phụ nữ tuổi ngoài 50, có xương gò má cao tại nơi ở những người thân của Hồng “tây” đã không lọt qua được mắt cảnh giác của trinh sát của Đội Điều tra tổng hợp CAQ Ngô Quyền. Những người đã từng “nhẵn mặt” Hồng 20 năm trước nhận diện khẳng định thị đúng đối tượng trong nhóm “giậm chân móc túi” khi xưa, việc bắt Trần Thị Hồng về quy án chỉ còn là động tác kỹ thuật. Ngày 27-10-2021, khi thấy tổ công tác đưa Lệnh truy nã có ảnh mình, Hồng “tây” hoàn toàn bị khuất phục, ngoan ngoãn chấp hành để trinh sát dẫn giải về trụ sở…
( C. H sưu tầm)