Hiến kế chấn hưng giáo dục Việt Nam

Ngày đăng: 08:38 24/11/2021 Lượt xem: 192

                        Hiến kế chấn hưng giáo dục Việt Nam


                                                            Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet

Việc chấn hưng nền giáo dục và đào tạo là tất yếu, nhưng trong ngổn ngang biết bao vấn đề thì cần đột phá vào đâu, thực hiện thế nào? 

 

Trả lương cao, tuyển chọn kỹ

Để chấn hưng nền giáo dục và đào tạo, nên bắt đầu từ người thầy. Đây là người có vai trò then chốt quyết định chất lượng giáo dục, thậm chí dù sách giáo khoa có tồi, trang thiết bị dạy học có thiếu thốn, sĩ số lớp có đông nhưng người thầy xuất sắc, tâm huyết thì vẫn có thể đảm bảo chất lượng giáo dục tốt hơn là khi các điều kiện khác đầy đủ nhưng người thầy tầm thường.

 
Hiến kế chấn hưng giáo dục Việt Nam
Để chấn hưng nền giáo dục và đào tạo, nên bắt đầu từ người thầy

Mẫu số chung của các nước có nền giáo dục tiên tiến như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan là họ có chính sách ưu tiên phát triển đội ngũ người thầy chất lượng, yêu nghề, giỏi chuyên môn và tinh thông nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm.

Người thầy với tinh thần đổi mới, sáng tạo, luôn cập nhật kiến thức, nắm bắt thông tin, tri thức mới nhất thuộc lĩnh vực chuyên môn, trang bị cho học sinh những tri thức, kỹ năng cần thiết để thành công trong sự nghiệp tương lai.

Về phương pháp dạy học, người thầy đủ năng lực giảng giải những khái niệm phức tạp cho học sinh có trình độ khác nhau, thật rõ ràng, dễ hiểu, hướng dẫn vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống… Về nghiệp vụ, đó là người kỹ năng sư phạm, biết cách truyền cảm hứng, khơi dậy lòng say mê học tập, tháo gỡ vấn đề, phối hợp nhịp nhàng cùng phụ huynh trong công tác quản lý, chăm sóc, theo sát quá trình học tập của từng học sinh…

Bởi vậy, không thể khác, chúng ta cần có chính sách ưu tiên trả lương cao, tuyển chọn nghiêm ngặt để có được những người giỏi nhất và yêu nghề, được đào tạo bài bản và bồi dưỡng thường xuyên, nuôi dưỡng tình yêu với nghề dạy học, cung cấp cơ hội rộng mở để phát triển bản thân và cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp nhằm giữ chân thầy giỏi, tâm huyết, đảm bảo mỗi trường đều có đủ giáo viên chất lượng.

Trước hết, cần đảm bảo lương giáo viên ít nhất tương ứng với những người có cùng trình độ ở các ngành công an, quân đội, thường xuyên xem xét để điều chỉnh, đảm bảo sự hấp dẫn của nghề dạy học. Hàng năm cần có những phần thưởng tôn vinh với các thành tựu, đóng góp xuất sắc của các giáo viên cho sự nghiệp giáo dục.

Giáo viên có thành tích xuất sắc có cơ hội nhận tiền thưởng năng suất lao động. Người xuất sắc gắn bó lâu dài với nghề được nhận số tiền thưởng lớn khi nghỉ hưu vì đã cống hiến cả đời cho sự nghiệp giáo dục.

Việc tuyển chọn giáo viên phải thật kỹ lưỡng theo cơ chế 2 vòng, vòng sơ tuyển và vòng thi tuyển quốc gia cạnh tranh, công khai. Một khi được lựa chọn, họ nhận được khoản trợ cấp hằng tháng tương đương 60% lương khởi điểm giáo viên, đồng thời được miễn học phí, cam kết dạy học ít nhất gấp đôi thời gian đào tạo.

Cần tính toán số lượng giáo viên cần thiết hàng năm và đặt chỉ tiêu thích hợp cho chương trình đào tạo sư phạm để đảm bảo sinh viên sư phạm khi tốt nghiệp là có việc làm. 

Sau khi tốt nghiệp, đi làm, người thầy cần được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để trau dồi chuyên môn, phương pháp dạy học, nghiệp vụ sư phạm, cập nhật những kiến thức tiên tiến nhất. Mỗi trường cần lập nhóm 20% giáo viên ưu tú nhất, là “bậc thầy” về chuyên môn và tinh thông nghiệp vụ sư phạm. Họ được hưởng mức lương cao hơn, chịu trách nhiệm kèm cặp, bồi dưỡng các giáo viên khác.  

Tranh cử để có bộ trưởng xứng tầm

Bộ trưởng có vai trò vô cùng quan trọng, là người “đứng mũi chịu sào”, có quyền quyết định trong việc thực hiện chính sách giáo dục, đề ra phương pháp và cách thức quản lý để đạt mục tiêu giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng ấy còn có tinh thần quyết đoán trong hành động, dám nghĩ dám làm, dám hành động đột phá, đủ tài chèo lái ngành giáo dục và đào tạo phát triển theo quỹ đạo đổi mới sáng tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu Đảng và Nhà nước đã đề ra.   Bởi vậy, Bộ trưởng Giáo dục phải là bậc thầy cả về chuyên môn và lãnh đạo, có tầm nhìn và năng lực hoạt động ở tầm khu vực và toàn cầu, am hiểu giáo dục, có những thành tựu trên thực tế được đồng nghiệp đánh giá là xuất chúng, được công chúng, xã hội thừa nhận. 

Tranh cử là cơ chế phù hợp để tuyển chọn Bộ trưởng có đủ năng lực đảm đương sứ mệnh lãnh đạo đưa ngành giáo dục và đào tạo bứt phá trong thời đại 4.0. Tất cả cán bộ tài đức đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định đều có thể tham gia tranh cử để đảm nhiệm chức vụ này với quy trình 2 bước. Bước 1: Các ứng viên cần vượt qua các hội đồng tuyển chọn để ra tranh cử. Bước 2: Qua quá trình tranh cử, chọn ra người xuất sắc nhất làm Bộ trưởng Giáo dục. 

Thi tuyển quốc gia để chọn lãnh đạo trường học 

Lãnh đạo trường học có vai trò quan trọng quyết định thành bại của trường, lãnh đạo tài giỏi là đầu tàu định hướng, dẫn dắt trường phát triển, lãnh đạo kém tài sẽ ngáng chân người giỏi, cản trở sự phát triển của trường.

Do vậy, chức vụ lãnh đạo trường học phải được trao cho người tài giỏi nhất, tuyệt đối không thể tùy ý bố trí người nhà hoặc thân hữu không có năng lực.  

 
Hiến kế chấn hưng giáo dục Việt Nam
Người thầy phải biết cách truyền cảm hứng, khơi dậy lòng say mê học tập

Cách làm cụ thể như sau: Các giáo viên trẻ được đánh giá về năng lực lãnh đạo và tạo cơ hội, môi trường để thể hiện cũng như học hỏi. Những người có tiềm năng trở thành lãnh đạo trường được tuyển vào một nhóm để đào tạo, bồi dưỡng trở thành lãnh đạo trường học, cất nhắc làm hiệu phó hoặc hiệu trưởng.

Sau đó, họ phải vượt qua kỳ thi tuyển quốc gia cạnh tranh, công khai. Khi vượt qua được kỳ thi này, ứng viên sẽ được theo học khóa lãnh đạo trường học để chuẩn bị cho việc đề bạt, bổ nhiệm làm hiệu phó hoặc hiệu trưởng.

Chỉ những người vượt qua được kỳ thi nghiêm ngặt này, đáp ứng tốt tiêu chuẩn mới được bổ nhiệm làm lãnh đạo trường học, dù là “con ông cháu cha” cũng không có ngoại lệ. Chỉ người tài giỏi nhất đáp ứng tốt tiêu chuẩn làm lãnh đạo mới được đề bạt, bổ nhiệm, nhất quyết không được bổ nhiệm kiểu “gọt chân cho vừa giày” hay “so bó đũa chọn cột cờ”.

Cơ chế này không những tuyển chọn được cá nhân xuất sắc nhất làm lãnh đạo trường học mà còn tạo cho những người vượt qua kỳ thi cảm thấy tính chính danh, niềm kiêu hãnh về trọng trách của mình và do vậy, càng trân quý và trách nhiệm hơn đối với trọng trách được giao. Đồng thời, cơ chế cũng ngăn chặn những kẻ bất tài lên làm lãnh đạo, hủy hoại năng lực, chất lượng của trường. Trước mắt, cần có quy định tỷ lệ tối thiểu lãnh đạo trường học được bổ nhiệm từ cơ chế thi tuyển quốc gia.

Như vậy, chức vụ lãnh đạo trường học được trao cho người xuất sắc nhất bất kể có phải là con ông cháu cha hay không. Con “thường dân” mà có khả năng, nỗ lực hết mình đạt tới sự xuất sắc thì cũng được đề bạt, bổ nhiệm làm lãnh đạo trường học. Cơ hội công bằng trong thăng tiến dành cho tất cả mọi người và chỉ những người xuất sắc nhất được lựa chọn.

Tóm lại, cần có chính sách ưu tiên dồn lực để đảm bảo ngành giáo dục và đào tạo được chèo lái bởi một bộ trưởng tầm cỡ, mỗi trường học được dẫn dắt bởi một hiệu trưởng chuyên nghiệp, tinh nhuệ và được giảng dạy bởi đội ngũ giáo viên giỏi, yêu nghề. 

Đây là bước đi then chốt chắp cánh cho học sinh và nền giáo dục đào tạo bay cao, tiến xa trên bầu trời giáo dục toàn cầu, đưa đất nước cất cánh tiến cùng thời đại 4.0.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan