Xây dựng "văn hóa trong Đảng" để không còn tiêu cực, tham nhũng, hối lộ…

Ngày đăng: 08:49 25/11/2021 Lượt xem: 188

   Xây dựng "văn hóa trong Đảng" để không còn tiêu cực, tham nhũng, hối lộ…

                                       Nguồn: Báo Điện tử  Dân Trí

Nếu tất cả các Ủy viên Trung ương nêu cao tinh thần nêu gương sẽ không còn tiêu cực, tham nhũng, hối lộ, chạy chức chạy quyền, "nâng đỡ không trong sáng", sân trước, sân sau


 

"Hạnh phúc của con người còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái..."


Sáng ngày 24/11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra tại Hội trường Diên Hồng (Hà Nội). Đây là sự kiện lớn bởi 75 năm qua, kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc (từ năm 1946) đến nay mới có một hội nghị tương tự.

Nhìn lại những năm qua kể từ Đổi mới, nền văn hóa dân tộc đã có những chuyển biến rất tích cực. Theo Báo cáo hội nghị, "nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa  tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đảng không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, ban hành nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận về xây dựng và phát triển văn  hóa, con người Việt Nam.

Một số chuẩn mực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của con người thời đại mới đã được đưa vào các văn bản pháp luật; vào quy ước, hương ước làng, xã;  vào quy chế, quy định, nội dung, quy tắc của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Các tầng lớp xã hội quan tâm hơn đến giáo dục con người toàn diện ngay từ tuổi ấu thơ, ở từng cấp học; kết hợp dạy chữ, dạy người, dạy kỹ năng, giáo dục nghệ thuật, năng lực cảm thụ thẩm mỹ với rèn luyện thể chất, góp phần nâng cao trí tuệ, cải thiện tầm vóc con người Việt Nam".

Có kết quả như hôm nay, ngoài những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân thì có một lý do rất căn bản. Đó là do đời sống kinh tế được nâng lên rõ rệt. Người xưa có câu "Phú quý sinh lễ nghĩa".

Về những tồn tại, báo cáo trên viết "vẫn còn không ít hạn chế, yếu  kém, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững đất nước… ".  Đặc biệt, báo cáo còn nêu rõ: "Đáng lưu ý, không ít cán bộ, đảng viên chưa tự giác, chưa thường xuyên thực hiện việc nêu gương trước quần chúng, kể cả cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Một số mặt đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp nghiêm  trọng, lối sống thực dụng, hưởng thụ vật chất, khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội đã và đang ảnh hưởng không tốt đến giáo dục lý tưởng, đạo đức, nhân cách con người…".

Để khắc phục những nhược điểm này, báo cáo đã đề ra nhiều giải pháp, song một trong những giải pháp theo tôi rất quan trọng, đó là văn hóa nêu gương trong Đảng: "xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội…".

Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, song không mới bởi sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên.  tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", một trong ba bài báo cuối cùng của cuộc đời mình (năm 1969), ngay mở đầu, Người viết: "Nhân dân ta thường nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta" đồng thời Người yêu cầu "tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng".

Học tập và làm theo tấm gương của Người, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XII (6.10.2918), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cụ thể: .

"Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư". 

Cách đây ít lâu, ngày 12.6.2021, phát biểu  tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", triển khai Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ:

"Các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, nhất là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên  Ban Chấp hành Trung ương đã thực hiện nêu gương bằng những việc làm, hành động cụ thể, với phương châm "trên trước, dưới sau", "trong trước, ngoài sau", "học tập đi đôi với làm theo"..."

Tại Hội nghị lần này, Tổng Bí thư tiếp tục nhắc nhở: "Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Có thể nói xây dựng văn hóa nêu gương trong Đảng là chủ trương xuyên suốt gần một thế kỉ qua và đây chính là một trong những mấu chốt dẫn đến thành công.

Nếu tất cả các Ủy viên Trung ương nêu cao tinh thần nêu gương như lời Tổng Bí thư, chắc chắn hàng triệu đảng viên cũng sẽ nêu gương, trở thành sự lan tỏa và khi đó, sẽ không còn tiêu cực, tham nhũng, hối lộ, chạy chức chạy quyền, "nâng đỡ không trong sáng", sân trước, sân sau… Và như vậy, con đường "sánh vai với các cường quốc năm châu" như mong muốn của Người sẽ không còn xa nữa.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan