Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu sau đó Facebook không nhiều lần cảnh báo rằng đoạn video vi phạm bản quyền âm nhạc. Họ tắt tiếng của nó. Có ai đã đăng ký bản quyền bài nhạc trong video với Facebook và tôi phải chấp nhận.
Trong một chương trình âm nhạc khác được livestream, ca sĩ chúng tôi mời hát live trên sân khấu sử dụng phần beat của một đơn vị đã đăng ký bản quyền trên cả Facebook và YouTube mà chúng tôi không kịp thương thuyết. Ca sĩ đã nhận thù lao, chúng tôi được quyền sử dụng giọng hát, nhưng vẫn phải chủ động tắt tiếng của tiết mục này trên Facebook vì không muốn bị chặn livestream giữa chừng.
Chuyện lặp lại tương tự trong trận bóng Việt Nam gặp Lào hôm 6/12 khi được phát trên Youtube. Nghi lễ chào cờ đã bị tắt tiếng "Tiến quân ca". Giữa những tranh luận về bản quyền Quốc ca sau đó, tôi nhận thấy hai điều vui và một điều buồn.
Một là, nó cho thấy tình yêu của người Việt Nam đối với Quốc ca. Hai là vấn đề sở hữu trí tuệ đang trở thành nhận thức của số đông - một bước trưởng thành khá dài trong nỗ lực nhiều năm bảo vệ và xây dựng giá trị của sản phẩm trí tuệ.
Nhưng điều buồn là, trước nguy cơ bản quyền Quốc ca có thể bị đánh cắp trên nền tảng số toàn cầu, Việt Nam sẽ bảo vệ tài sản chung của nhân dân thế nào?
Thật tiếc, cơ quan lẽ ra phải có hành động dứt khoát và mạnh mẽ là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lại chỉ đơn giản tuyên bố thêm một lần nữa điều mà nhiều người đã biết. Xin trích: "Ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam... Pháp luật Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng)". (Nguồn: Thông cáo ngày 7/12/2021 trên website của Bộ).
Nhưng chính Bộ hiện là cơ quan nhà nước thực hiện quyền đại diện sở hữu Quốc ca. Sau thông cáo trên, chúng ta vẫn không biết tới đây, liệu một doanh nghiệp hay cá nhân đưa ca khúc này lên mạng có phải dàn xếp vấn đề bản quyền với một đơn vị nào đó đã đăng ký hay không? Bộ Văn hóa đã đăng ký bản quyền "Tiến quân ca" với Youtube và các nền tảng số chưa?
Công nghệ bảo hộ bản quyền đơn giản là so sánh các đoạn nhạc đã được mã hoá một cách tự động. Hệ thống cứ "thấy" bản ghi giống nhau là kết luận vi phạm bản quyền. Liệu trí tuệ nhân tạo của Facebook hay Youtube có đơn phương khoá tiếng Quốc ca Việt Nam như họ vẫn làm khi phát hiện bản thu vướng bản quyền không? Xa hơn nữa, khi Việt Nam tổ chức các sự kiện kinh tế, chính trị, văn hoá, thể thao có phát Quốc ca phải ứng xử thế nào, phải sử dụng bản ghi nào cho nghi thức chào cờ hùng tráng?
Việc gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến "Tiến quân ca" cho nhân dân có nghĩa bất cứ ai cũng có thể hát, dàn dựng, phối khí, ghi âm và phổ biến bản ghi Quốc ca. Nhưng, sau khi trở thành một tác phẩm trình diễn dưới dạng bản ghi, thì đơn vị sản xuất, nhạc sĩ phối khí, ca sĩ... có được giữ bản quyền bản ghi đó? có quyền đồng ý hay không đồng ý cho người khác sử dụng? Điều này Bộ Văn hóa không nói rõ.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ, ngoài quyền tác giả còn có quyền đối với bản ghi âm. Nếu không có một quy định pháp lý rõ ràng riêng cho trường hợp Quốc ca, mặc nhiên các đơn vị thu âm ca khúc có quyền riêng của họ. Lẽ ra, nhà nước phải có quy định và công bố rõ ràng.
Mặt khác, các nền tảng truyền thông số như YouTube, Facebook hay Spotify đang làm đúng chức trách của họ là bảo vệ quyền tác giả của bất cứ ai đăng ký bảo hộ bằng Content ID trên các hệ thống này. Họ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để truy quét, phát hiện và ngăn chặn vi phạm bản quyền. Nếu không có can thiệp cụ thể nào từ phía nhà nước và các đơn vị sở hữu bản ghi thì trí tuệ nhân tạo vẫn sẽ thực thi nhiệm vụ của nó.
Nhạc sĩ Lân Cường vừa đề xuất Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch làm một bản ghi riêng với sự biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia và cấp cho toàn dân sử dụng tự do, kể cả các cơ quan ngoại giao nước ngoài. Ông cũng đề xuất cung cấp bản tổng phổ chuẩn cho tất cả các bên liên quan, kể cả quốc tế, để có thể trình diễn thống nhất chung một phong cách hùng tráng, trang nghiêm mà chúng ta mong muốn. Đây là sáng kiến không hề tệ. Chỉ lạ là hàng chục năm rồi chưa ai nghĩ đến.
Cổng thông tin Chính phủ công bố một bản ghi Quốc ca cho toàn dân sử dụng từ năm 2006. Tuy nhiên, chúng ta không biết tính pháp lý của bản ghi này trên Internet thế nào, nó có bị đơn vị nào đó "vô tình" đăng ký bản quyền trên các nền tảng số toàn cầu chưa.
Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh vừa tuyên bố sẽ gửi cho Ban tổ chức AFF Suzuki Cup bản thu âm Quốc ca Việt Nam khác để "không đụng hàng". Đây là hành động cần thiết lúc này. Nhưng chả lẽ, cứ mỗi lần tổ chức một sự kiện, nhà tổ chức lại phải chuẩn bị một phiên bản Quốc ca riêng?
Hội nhập quốc tế buộc chúng ta tôn trọng quyền của người khác và biết bảo vệ quyền của mình. Tuy nhiên, nếu những người trong cuộc, điển hình là cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý, không quyết liệt điều chỉnh bất cập trong quá trình ứng dụng và thực thi, vấn đề sẽ càng phức tạp và người Việt sẽ lại tổn thương trước những nghi lễ chào cờ trong câm lặng.
Lê Quốc Vinh
(PS st theo VnExpress)