"Bất ngờ diễn tập" - Góc nhìn của Bùi Phú Châu

Ngày đăng: 02:24 19/12/2021 Lượt xem: 207
GÓC NHÌN 

Bất ngờ diễn tập

Bùi Phú Châu

Bùi Phú Châu

Nhân viên ngân hàng

Một giáo sư người Đức chia sẻ rằng ông rất kinh ngạc khi thấy những gia đình bốn người ở Việt Nam chở nhau trên một chiếc xe máy để đi học, đi làm.

Trong tình huống phải "chở bốn", biện pháp an toàn thông thường của người Việt là cố gắng đi chậm lại, đúng luật, tập trung vào tay lái... Tuy nhiên, vị giáo sư người Đức đòi hỏi một cấp độ cao hơn, bởi đèo cả hai con trong một chuyến xe là để tất cả rủi ro vào một chỗ. Mỗi người, bố hoặc mẹ, chỉ được chở một đứa, như thế rủi ro sẽ được phân tán.

Cách tuân thủ nghiêm khắc kỷ luật an toàn và tư duy lý tính này là điều mà phương Tây đang áp dụng cho tất cả hoạt động sinh hoạt, sản xuất hàng ngày. Ở đó, yếu tố an toàn luôn đặt ra hàng đầu, được suy xét cặn kẽ, được phân tích - giả định - xây dựng trên tất cả kịch bản sự cố, thảm họa. Có thể kể đến những ví dụ từ rất lớn đến rất nhỏ như: tiêu chuẩn thiết kế cản trước của ôtô phải đủ mềm để giảm thiểu tối đa chấn thương cho người bị đâm, trên mỗi miếng ghép đồ chơi lego đều có một cái lỗ để nếu trẻ vô tình nuốt hoặc nhét vào đường thở thì vẫn có thể hô hấp... Cũng có những tiêu chuẩn an toàn được thêm vào sản phẩm sau khi sự cố đã xảy ra, ví dụ hãng nội thất IKEA phải bổ sung phụ kiện chống đổ và chức năng ngăn kéo an toàn ở tủ đồ để tránh có thêm tai nạn cho trẻ em.

Tư duy về tính an toàn, mức độ tuân thủ kỷ luật an toàn rõ ràng có sự khác nhau giữa các quốc gia, khu vực. Người Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung xuề xòa hơn trước các quy định so với người châu Âu. Kinh nghiệm làm việc với các văn bản, quy định pháp luật cũng cho tôi thấy tiêu chuẩn an toàn của châu Âu vẫn ở mức cao hơn hẳn so với phần còn lại của thế giới.

Chính vì vậy, tôi không ngạc nhiên khi thấy nhiều người phản ứng mạnh, phần lớn là phản đối, khi Metro Hà Nội diễn tập không báo trước cho hành khách vào tối 7/12, trong bối cảnh tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông đã khai thác thương mại. Ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Metro Hà Nội, cho biết, hành khách đi tàu sẽ còn gặp những tình huống diễn tập bất ngờ, không báo trước.

Vì sao phải có việc này?

Một vấn đề lớn mà tuyến đường sắt này gặp phải dẫn đến không thể đưa vào vận hành đúng tiến độ là nghiệm thu an toàn. Kể cả sau khi nghiệm thu xong, vấn đề an toàn cũng tiếp tục được nhà tư vấn nước ngoài đặt ra thẳng thắn, rõ ràng.

Đơn vị tư vấn độc lập, Apave-Certifer-Tricc (ACT), cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho tàu điện Cát Linh - Hà Đông nhưng nêu ra 16 khuyến cáo về các vấn đề cần khắc phục ở hiện trường để nâng cao mức độ an toàn.

Bộ Giao thông Vận tải giải thích, cảnh báo của tư vấn ACT xuất phát từ những khác biệt về phương pháp xác định tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn trong đầu tư, khai thác, vận hành metro giữa châu Âu và Trung Quốc. Các khuyến cáo của nhà thầu Pháp sẽ được các bên liên quan khắc phục.

ACT khuyến cáo, trong năm đầu vận hành, đường sắt Cát Linh - Hà Đông nên diễn tập những tình huống có yếu tố bất ngờ về thời điểm. Việc diễn tập không báo trước, theo ông Vũ Hồng Trường, cũng đã được Hội đồng Kiểm tra nghiệm thu Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chấp thuận và khuyến cáo Metro Hà Nội thực hiện.

Như vậy, vấn đề có thể được tóm tắt rằng: tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã đủ an toàn để vận hành theo tiêu chuẩn Trung Quốc. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn châu Âu thì có những hạng mục vẫn còn nguy cơ mất an toàn và việc diễn tập là do chính nhà tư vấn châu Âu khuyến cáo.

Cần nhìn nhận lại rằng, Trung Quốc hiện là cường quốc về đường sắt cao tốc, với quy mô của hệ thống đường sắt cao tốc đứng số một thế giới. Tuy nhiên, châu Âu với bề dày kinh nghiệm vận hành hệ thống đường sắt vượt trội, với tiêu chuẩn an toàn trong mọi lĩnh vực đều ở mức cao nhất thế giới, thì tư vấn của họ rất đáng để lưu tâm. Khi tàu Cát Linh - Hà Đông được triển khai trong hệ thống giao thông công cộng mà người dân bắt buộc sử dụng thì tiêu chuẩn an toàn châu Âu chắc chắn là thứ mà người dân muốn được hưởng.

Vì thế, thay vì chấp nhận tiêu chuẩn an toàn của Trung Quốc, việc những người có trách nhiệm quản lý tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chọn tiếp tục thực hiện những khuyến cáo (vốn không bắt buộc) của nhà thầu Pháp, dù có thể phải chịu phản ứng gay gắt, nhằm nâng cao tính an toàn của hệ thống theo tiêu chuẩn châu Âu, theo tôi, là việc làm có tính trách nhiệm.

Tôi cũng đọc được những ý kiến cho rằng không được đưa người dân ra diễn tập. Tuy nhiên, diễn tập không báo trước mới có thể tạo tâm lý thật, mới lường được hết tình huống phát sinh. Hơn nữa những cuộc diễn tập này không chỉ dành cho nhân viên, người vận hành mà còn có ích với cả hành khách. Họ sẽ được tích lũy kinh nghiệm đối phó với sự cố thật.

Bản thân tôi có trải nghiệm để thấm thía rằng, dù được diễn tập nhiều lần, nhưng nếu chỉ "diễn", sẽ không có được bài học đắt giá để ứng dụng vào thực tế.

Năm 2013, tôi trải qua một trận động đất lớn ở Philippines. Khoảng 7h sáng chủ nhật, khi cả ký túc xá vẫn đang ngủ say thì nhà cửa bắt đầu rung lắc. Tôi và những người bạn cùng phòng từ tầng 4 chạy xuống đất theo thang bộ. Một cậu Hàn Quốc bị trẹo cổ chân, vài người khác bị mảnh kính đâm vào chân. Xuống đến sân, chúng tôi gặp những người bạn Nhật Bản đã ở đó từ khi nào, chân đeo giày thể thao, quần áo gọn nhẹ. Tôi sau đó được họ dạy cách ứng phó trong động đất, là bình tĩnh, xác định phương hướng và phải đi giày, vì nếu dẫm vào cái gì đó thì cơ hội thoát thân sẽ hẹp lại. Tôi vốn rất tự tin về tính nhanh trí, khôn ngoan kiểu Việt Nam của mình và cũng từng được diễn tập tránh động đất, nhưng chỉ đến khi có trải nghiệm thật, các nguyên tắc mới in hằn vào đầu óc tôi.

Nhân viên làm việc cho các công trình dầu khí, hay trên các tàu viễn dương cũng thường trải qua các cuộc diễn tập không báo trước. Họ coi đó là chuyện bình thường, là một phần của quy trình an toàn nhằm đảm bảo tính mạng cho bản thân.

Tất nhiên, ở một khía cạnh khác, những nhà quản lý phải tính toán để tổ chức diễn tập đảm bảo an toàn và ít ảnh hưởng nhất đến cuộc sống của những người bất đắc dĩ phải tham gia.

Việt Nam lần đầu tiên có đường sắt trên cao, trong bối cảnh ý thức của người dân về an toàn còn khá giản đơn, tôi tin rằng, chấp nhận phiền phức để đảm bảo giảm tối đa thiệt hại khi có sự cố là điều nên làm.

Sau Cát Linh - Hà Đông sẽ đến Nhổn - Ga Hà Nội, rồi Bến Thành - Suối Tiên, chúng ta sẽ dần dần tiếp cận những hệ thống giao thông công cộng ngày càng mới mẻ và hiện đại. Cách tiếp cận với những khái niệm về an toàn cũng cần phải thay đổi, diễn tập nên được nhìn nhận như một hoạt động bình thường và cần thiết.

Bùi Phú Châu
(PS st theo VnExpress)

tin tức liên quan