Các nhà lãnh đạo kiên nhẫn của Bắc Việt Nam đã nhiều năm quan sát thấy sự suy giảm đều đặn về sức mạnh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Vì thế, kể từ thứ sáu tuần thánh (Good Friday), 30-3-1972, đối phương phát động một loạt cuộc tấn công quân sự, được gọi là “Cuộc tiến công dịp lễ phục sinh”. Hà Nội đã tìm kiếm một chiến thắng quân sự ngay lập tức nhằm thiết lập quyền kiểm soát của phe cộng sản đối với miền Nam Việt Nam, đánh đuổi lực lượng Mỹ khỏi miền Nam và ngăn chặn việc Tổng thống Richard Nixon tái đắc cử... Mong muốn của Hà Nội là dễ hiểu. Bắc Việt đã chiến đấu trong nhiều thập kỷ và một chiến thắng rõ ràng trên chiến trường sẽ thỏa mãn hơn nhiều so với một chiến thắng tại bàn đàm phán ở Paris.

       Cuộc tiến công dịp lễ phục sinh là một cuộc tiến công kiểu quy ước, quy mô lớn. Tướng Giáp đưa vào trận 14 sư đoàn chính quy, 26 trung đoàn độc lập và số lượng lớn tăng thiết giáp đi kèm: Hơn 600 xe tăng T-54, T-55 và xe tăng lội nước PT-76... Như đã nói, yếu tố quan trọng là một hệ thống phòng không hành quân cùng với các lực lượng tiến công. Pháo phòng không gồm các cỡ 23, 37, 57, 85 và 100mm. Bổ sung cho các tên lửa đất đối không SA-2 (SAM-2) quen thuộc là các tên lửa tầm nhiệt SA-7 Strela vác vai vô cùng nguy hiểm, kèm theo các chiến thuật hoàn toàn mới được thiết kế cho chúng...

Bất ngờ chiến thuật

      Vài tháng trước lễ phục sinh năm 1972, hiện tượng tập trung binh lực của cộng sản đã được ghi nhận (bằng tình báo, không ảnh...) nhưng Washington và Sài Gòn đã đánh giá thấp phạm vi, mức độ và tính chất của cuộc tấn công sắp tới. Do đó, Bắc Việt đã đạt được bất ngờ đáng kể về mặt chiến thuật. Đối phương đã tấn công vào ba trong số 4 quân khu của Việt Nam cộng hòa.   

     Tại quân khu 1 (vùng chiến thuật 1), hơn 40.000 Quân Giải phóng tràn qua bờ nam khu phi quân sự (DMZ) và tiến đánh từ các doanh trại ở phía đông Lào. Đến ngày 2-4, họ đã chiếm được toàn bộ các căn cứ hỏa lực yểm trợ tầm xa và đang tiến thẳng vào thị xã Quảng Trị. Các máy bay cường kích và máy bay B-52 của không quân Hoa Kỳ đã cố ngăn chặn để làm chậm bước tiến này nhưng TP Quảng Trị đã phải di tản vào ngày 1-5. Sau đó, đối phương chuẩn bị tiến đánh Huế.

Bản đồ về cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của Quân Giải phóng vào các quân khu 1, 2, 3 của ngụy quyền Sài Gòn. 

Tại quân khu 2, 20.000 Quân Giải phóng từ các mật khu ở Lào và Campuchia tấn công hai thị xã lớn Kon Tum và Pleiku. Mục đích là cắt đứt Pleiku, sau đó tiếp tục chia đôi miền Nam Việt Nam. Quân lực Việt Nam cộng hòa đã chống cự dưới sự chỉ đạo cứng rắn của các cố vấn Mỹ. Tuy nhiên, Kon Tum đã bị cắt lìa và bị bao vây. Thị xã này được hà hơi nhờ một cầu hàng không tiếp tế ồ ạt của không quân Mỹ.

Tại quân khu 3, một sư đoàn chính quy của Bắc Việt và hai sư đoàn Việt Cộng-khoảng 30.000 người phối hợp từ Campuchia tấn công An Lộc và Lộc Ninh với hy vọng giành một chiến thắng nhanh chóng, đưa đến một mũi vận động chiến, theo Quốc lộ 13, tiến thẳng vào Sài Gòn.

Không lực là chủ lực

B-52 vốn là chủ lực trong cuộc giải vây Khe Sanh 4 năm trước đó đã được tăng cường. Có 53 chiếc trong số các máy bay ném bom hạng nặng tại U-Tapao, Thái Lan và 85 chiếc tại Andersen, Guam. Đến cuối tháng 5-1972, 33 chiếc “pháo đài bay” khác đã được triển khai, nâng tổng số B-52 tham chiến lên 171 chiếc.

Mặc dù đã “Việt Nam hóa chiến tranh” 3 năm, hơn 200 máy bay quân sự của không quân Mỹ vẫn còn ở miền Nam Việt Nam, 15 khu trục hạm trên không (gunship), chưa kể số còn đóng tại Thái Lan. Sự phối thuộc của hệ thống kiểm soát không lưu cấp chiến thuật, bộ phận không kiểm tiền tuyến, các radar và các đài chỉ huy đổ bộ đường không của Mỹ đã giúp các chỉ huy Mỹ đạt được hiệu quả nhất định từ các nguồn lực hạn chế. Các máy bay ném bom B-52 và máy bay chiến đấu chiến thuật đã được huy động không kích trong những tình huống tuyệt vọng nhất, các máy bay tiêm kích được lệnh bay tới các tiền đồn trong làn hỏa lực dữ dội nhất của đối phương. Các trực thăng pháo hạm cũng cung cấp lá chắn di động cho các đơn vị quân lực Việt Nam cộng hòa rút lui, dựng các bức tường hỏa lực hòng chặn đường truy kích của các thiết giáp đối phương.

Tái bố trí trên toàn thế giới

Một mệnh lệnh được ban hành, huy động các đơn vị không quân Hoa Kỳ trên toàn thế giới quay lại Đông Nam Á tham dự một chiến dịch vô cùng ác liệt. 45 ngày sau khi bắt đầu cuộc tiến công dịp lễ phục sinh đã chứng kiến lực lượng không quân thể hiện khả năng cơ động và sức mạnh toàn cầu, với quy mô ồ ạt. Lực lượng tăng cường từ các căn cứ ở Hàn Quốc, Philippines và Hoa Kỳ, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, các phân đội tìm kiếm cứu nạn, các tàu vận tải và tàu chở dầu đã cơ động nhanh chóng trở lại Đông Nam Á...

Số tiêm kích Mỹ tham chiến lên tới gần 400 chiếc. Số lượng máy bay tiếp dầu tăng lên 168. Hải quân và thủy quân lục chiến (tới ngưỡng cửa năm 1972 đã giảm xuống còn 1/3 so với trước đó) cũng được tăng cường với lực lượng tàu sân bay tăng lên 6 chiếc. Các binh sĩ của không lực Mỹ trở lại tham chiến đợt thứ hai hoặc thứ ba trong khu vực (Đông Nam Á), thường là đến cùng căn cứ mà họ đã từng trú đóng trước đó...

Các đơn vị vừa tới lập tức bị ném vào trận chiến vô cùng ác liệt. Các phi vụ B-52 ở miền Nam Việt Nam đã tăng từ 689 lượt chiếc vào tháng 3 lên đến 2.223 lượt chiếc vào tháng 5. Số lần xuất kích của máy bay tiêm kích thuộc tất cả các loại (bao gồm cả các phi vụ của không quân Nam Việt Nam) đã tăng từ 4.237 trong tháng 3 lên 18.444 vào tháng 5 và đạt mức 15.951 vào tháng 6.

Không quân Mỹ bị thương vong nặng nề. Từ khi bắt đầu cuộc tấn công chiến lược cho đến khi nó chững lại vào tháng 6, không quân Mỹ đã mất 77 máy bay, trong đó có 34 chiếc F-4 Phantom. Phạm vi xung đột đã mở rộng vào ngày 8-5 khi Nixon cho tiến hành không kích trên diện rộng vào Bắc Việt Nam, với mật danh Chiến dịch Linebacker. Quyết định của Nixon tiến hành cuộc chiến tranh đường không chống miền Bắc là rất quan trọng, bởi hy vọng Bắc Việt Nam không thể tập hợp mọi nguồn hậu cần cần thiết để tiếp tục đà tấn công dữ dội tại miền Nam...

Ở những nơi mà chiến sự ác liệt và sự lãnh đạo kém khiến quân lực Việt Nam cộng hòa dao động, như ở quân khu 1, sự can thiệp ồ ạt của không quân Hoa Kỳ trở nên cực kỳ thiết yếu. Tại các căn cứ như Biên Hòa, chiến thuật “quay đầu” cho phép các máy bay chiến đấu từ Thái Lan đổ bộ, tái trang bị và xuất kích lần nữa trước khi trở về căn cứ. Điểm nổi bật là không quân Mỹ sử dụng “bom thông minh” để phá các mục tiêu quan trọng. Máy bay chở hàng len lỏi qua màn khói mù, lưới lửa cao xạ và tên lửa Strela nguy hiểm để hạ cánh khi có thể, hoặc ném hàng xuống khi không thể hạ cánh. Giữa những cuộc giao tranh khốc liệt, các máy bay FAC bay một cách bền bỉ, phát hiện ra những mục tiêu và theo sát chuyển động của đối phương. Trong suốt quá trình đó, các đơn vị tìm kiếm-cứu hộ đã hoạt động liên tục để cứu phi công bị bắn rơi...

An Lộc

Trong 3 mũi tấn công chính, khoản cá cược lớn nhất hẳn là ở vùng 3 chiến thuật, nơi một đòn đột phá quyết liệt có thể đưa đường cho quân Bắc Việt Nam vượt qua An Lộc tiến vào Sài Gòn, để chỉ bằng một trận thắng cả cuộc chiến tranh. Cuộc chiến giành vùng 3 là điển hình cho cuộc đấu diễn ra ở cả 3 vùng chiến thuật.

Đối phương đã tràn qua sự kháng cự yếu ớt của Quân lực Việt Nam cộng hòa để vây hãm thị xã An Lộc trong vòng hai tháng, khiến nó kiệt quệ, cùng cực về bảo đảm hậu cần. Các đơn vị Quân lực Việt Nam cộng hòa tại An Lộc không có pháo binh có thể đáp trả các cuộc pháo kích gần như liên tục của đối phương vào thành phố.

... Các máy bay FAC của không quân Mỹ đã bay qua làn đạn phòng không dữ dội để phát hiện những khẩu đội pháo, súng cối và tên lửa, đồng thời gọi các máy bay tiêm kích tới không kích. Khi xe tăng và bộ binh đối phương vượt qua các công sự bên ngoài của thành phố vào tới trung tâm của hệ thống phòng thủ An Lộc, các máy bay F-4 và pháo hạm đã chặn lại bằng một loạt các cuộc không kích dữ dội khiến xe tăng đối phương cháy trên đường phố.

An Lộc có 20.000 quân Việt Nam cộng hòa đồn trú, nơi mọi thứ phải được đưa vào bằng cầu hàng không. Những nỗ lực tiếp tế của không quân Nam Việt Nam đã thất bại do hỏa lực phòng không đối phương quá dữ dội. Những pha thả hàng từ trên cao không chính xác. Những nỗ lực tiếp tế ban đầu của không quân Mỹ đều không hiệu quả và tốn kém. Những chiếc C-130 triển khai hệ thống phân phối container, thả hàng ngay lập tức nhưng các phi vụ này quá nguy hiểm. Hỏa lực phòng không dữ dội của đối phương khiến 1 chiếc C-130 bị bắn rơi và gây thiệt hại nặng nề cho 4 chiếc khác... Các chiến dịch chuyển phát hàng bằng container được áp dụng có kết quả cho đến khi 1 chiếc C-130 nữa bị bắn rơi. Các chuyến thả hàng bằng container CDS vào ban đêm đã được thử nghiệm nhưng không thành công.

Tình hình tiếp tế cuối cùng đã được giải quyết nhờ nối lại các phi vụ Grads (thả hàng trên không qua một trạm trung chuyển dưới đất). Đã có khoảng 1.000 tấn hàng tiếp tế mỗi ngày được ném xuống cho quân phòng ngự Việt Nam cộng hòa. Riêng tại Kon Tum thuộc quân khu 2 đã phải áp dụng hệ thống phân phối đường không trong mọi thời tiết...

Nhìn lại cho thấy nỗ lực tổng lực của không quân Mỹ mùa xuân năm 1972 cũng chỉ đem lại cho Việt Nam cộng hòa thêm 3 năm tồn tại.

LÊ ĐỖ HUY (trích dịch)