Hàng trăm tu sĩ, như nhân viên y tế cả nước, đang hối hả phục vụ người bệnh Covid trong đêm Giáng sinh.
Một ngày trước Giáng sinh, tôi đến Phòng khám từ thiện Kim Long, nơi các tu sĩ ở Huế đang chăm sóc cho 30 bệnh nhân Covid-19.
Phòng khám mới tinh, khang trang, đồ đạc gọn gàng, sạch sẽ. Bên trong, các nữ tu mang đồ bảo hộ trắng, thường xuyên kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân. Nhiều bệnh nhi F0 chạy nhảy, vui đùa.
Dấu hiệu Giáng sinh duy nhất ở đây là tiểu cảnh hang đá Belém được trang trí tối giản. Hang đá làm bằng tấm vải trắng, bên trong là cảnh hài nhi Jesus cùng Đức Mẹ Maria và Thánh cả Giuse quỳ gối, xung quanh là "hàng rào" làm từ vỏ thùng carton. Một dây đèn nháy trang trí được bật vài giờ buổi tối.
Đây là phòng khám đầu tiên của Tổng Giáo phận Huế được cấp phép điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ hoặc không triệu chứng, hoạt động hai tuần nay. Hơn 60 lượt người đã được chăm sóc và điều trị. Trong đó, ba bệnh nhân chuyển nặng được chuyển bệnh viện tầng hai.
Tầm này Giáng sinh những năm trước, sơ Maria Anna Nguyễn Thị Hiền, bác sĩ của phòng khám, vào nhà nguyện trong các giờ kinh, cùng chị em cộng đoàn trang trí hang đá, gặp người thân, viết những tấm thiệp nhiều màu sắc gửi mọi người. Còn năm nay, sơ Hiền dành trọn 24 giờ cho người bị Covid.
Từ cuối tháng bảy đến nay, hơn 650 tình nguyện viên Công giáo đã tham gia chống dịch tại hàng chục bệnh viện ở TP HCM. Trong màu áo trắng bảo hộ, các tu sĩ mang hình dáng những người phục vụ, làm tất cả những gì có thể để cứu chữa đồng bào.
Và đã có những mất mát. Dòng thư cuối mà nữ tu Maria Trần Ngọc Thảo Linh, một tình nguyện viên hỗ trợ các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, gửi lại, không một lời oán trách.
"Ồ, có lẽ em là người được chọn nhỉ. Như thế thì thật là tốt phải không? Là em thì không phải là những người còn lại: không phải là các chị, không phải là ai đó trong gia đình em, hay là một người nào khác"..."Chúng ta có bao giờ chết đâu", trích trong lá thư của sơ Maria Linh, hưởng dương 32 tuổi.
Tôi thấy mình run lên khi cảm nhận sự thánh thiện và tinh thần hy sinh ấy. Với đức tin của những tu sĩ chọn đời sống thánh hiến như sơ Thảo Linh, sự chết không hề đáng sợ. Thay vào đó là niềm hạnh phúc khi đã hoàn thành được sứ mệnh phục vụ tha nhân.
Tôi hỏi sơ Hiền rằng có sợ bị nhiễm bệnh không, chị bảo, thế thì khỏi cần mang đồ bảo hộ và có thể chăm sóc F0 thoải mái hơn. Dù là nơi thu dung điều trị bệnh nhân nhẹ, họ vẫn phải thường xuyên thăm khám, gọi điện thoại hỏi han từ xa để nghe người bệnh kể về thay đổi của cơ thể. Người cảm thấy khó thở, thay đổi nhiệt độ, đều được kiểm tra tức thời, hỗ trợ thở oxy. Bệnh nhân cũng thường xuyên được chụp X-quang phổi để đánh giá mức độ chuyển bệnh.
Chủ trương cho phép các cơ sở tôn giáo tham gia chống dịch Covid-19 là điểm mới của năm nay, dù thí điểm chưa lâu. Những người thực hành tôn giáo ngoài hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân và vận hành cơ sở y tế, còn có vai trò như chuyên gia tâm lý. Họ biết an ủi, vỗ về bệnh nhân khi một mình chiến đấu với bệnh tật, cách ly khỏi người thân. Cho phép cơ sở tôn giáo tham gia chống dịch còn thể hiện sự văn minh, khai thông nguồn lực vốn xã hội. Thời điểm cuối năm này, dịch đang leo thang, tôi mong sẽ còn nhiều cơ sở như Kim Long được cấp phép trên cả nước để góp phần xoa dịu cộng đồng.
Tôi tin 2021 là năm mỗi chúng ta đều có cảm thức đặc biệt của mình về sự sống. Hơn 30.000 người Việt Nam đã ra đi vì Covid-19. Dịch bệnh đã thay đổi số phận hàng chục nghìn gia đình, cho ta nhiều khoảng lặng để suy ngẫm về mối tương quan con người - chúng sinh.
Dịch bệnh cho thấy những người đã lợi dụng khủng hoảng để kiếm lời, kiếm danh, để trục lợi và chia chác; nhưng nó cũng cho ta thấy vẻ đẹp của những người tốt, như hàng xóm tử tế hay đơn giản là lòng tốt của những người dưng mà ta luôn giữ khoảng cách ngày thường.
"Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm", Kinh Thánh viết.
Với người Công giáo, Giáng sinh là dịp thực hành và nuôi dưỡng đức tin. Với tất cả chúng ta, hôm nay là dịp gửi tới những người thiện tâm một ân tình.
Nguyễn Đông
(PS st theo VnExpress)