Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng: Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng: Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Nguồn: Báo Điện tử Thời Đại
Tình trạng đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' vẫn diễn biến một cách tinh vi, phức tạp, có trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng
Toàn cảnh hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban chấp hành Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã xác định mục tiêu tổng quát, trong đó phần then chốt là: "Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa."
Trên tinh thần đó, Hội nghị Trung ương 4 khóa 13 (từ ngày 4/10 đến ngày 7/10/2021) đã đưa ra những tinh thần mới, nội dung mới để bổ sung, mở rộng và hoàn thiện công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm ba bài viết với tiêu đề "Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng."
Bài 1: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Đứng trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, với quy mô, tầm vóc lớn lao, có nhiều khó khăn, thách thức mới, hơn bao giờ hết, Đảng Cộng sản Việt Nam càng cần phải phát huy hơn nữa truyền thống và bản chất tốt đẹp của mình, hoàn thiện hơn nữa việc xây dựng và chỉnh đốn để tất cả các đảng viên đều thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng, thống nhất cao về ý chí, hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức; gắn bó mật thiết với nhân dân, để Đảng đủ sức lãnh đạo đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, ngày càng phát triển.
Tăng cường biện pháp, mở rộng phạm vi
Những năm qua, Đảng đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, sự nỗ lực rất lớn và tư tưởng nhất quán về tầm quan trọng đặc biệt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đó là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Do đó, liên tiếp nhiệm kỳ Đại hội Đảng (khóa 11, khóa 12 và khóa 13), Ban Chấp hành Trung ương vẫn tiếp tục quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm đảm bảo cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, ngang tầm nhiệm vụ.
Hội nghị Trung ương 4 khóa 11, khóa 12 và khóa 13 đều thể hiện quyết tâm, sự kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa 13 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã bám sát Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng để kế thừa, bổ sung, phát triển nhiều nội dung quan trọng của các Nghị quyết Trung ương trước đây, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Phạm vi của Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa 13 so với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 rộng hơn, bao quát hơn, không chỉ đề cập đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà đề cập đến cả hệ thống chính trị. Đồng thời, Hội nghị Trung ương 4 khóa 13 nhận diện về tình trạng suy thoái theo góc nhìn rộng hơn, nhấn mạnh đến vấn đề tiêu cực trong Đảng, trước hết là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Kết luận lần này đã quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng để xác định mục tiêu mới là đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.
Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa 13 đã kế thừa, bổ sung, làm rõ hơn và yêu cầu phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 đã đề ra về công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa 13, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về 19 điều đảng viên không được làm để thay thế Quy định 47-QĐ/TW.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban chấp hành Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN).
Việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 37-QĐ/TW là rất đúng lúc, trong bối cảnh hiện nay. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 4 Khóa 13: Trước yêu cầu mới, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm một số nội dung quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần ngăn ngừa và khắc phục một cách mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Ngoài ra, có một số điều qua thực tiễn thấy chưa đủ rõ, có nội dung khó áp dụng, gây khó khăn khi phải xem xét vi phạm của đảng viên; hoặc có nội dung đến nay quy định của Đảng, Nhà nước đã thay đổi cũng cần phải được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới.
Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng - đòi hỏi của cuộc sống
Quy định 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về 19 điều đảng viên không được làm được ban hành từ ngày 1/11/2011 nhưng trong suốt thời gian qua vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên vi phạm.
Chỉ riêng trong nhiệm kỳ Đại hội 12, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và 87.000 đảng viên.
Tình trạng đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" vẫn diễn biến một cách tinh vi, phức tạp, có những trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng, phải xử lý kỷ luật. Như vụ việc ông Chu Hảo trong thời gian giữ cương vị Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức phải chịu trách nhiệm chính khi để xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản (đã bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy).
Tiếp đó, trong khi Đảng, Chính phủ và nhân dân đang tập trung tối đa sức người, sức của để phòng, chống dịch COVID-19, một số cán bộ chủ chốt của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) đã vi phạm nghiêm trọng quy định về đấu thầu.
Ông Cao Minh Quang khi giữ các chức vụ Đảng ủy viên, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã vi phạm các nguyên tắc của Đảng, Quy chế làm việc của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Quy định những điều đảng viên không được làm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước và xã hội, ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng, ngành y tế.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang. (Ảnh: TTXVN phát).
Ông Lê Hùng Sơn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô (Quảng Ninh), đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, sống buông thả, quan hệ bất chính với nhân viên dưới quyền...
Tại Kỳ họp thứ 10, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo và khiển trách hàng loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tập đoàn than-khoáng sản Việt Nam và Tổng cục Địa chất-Khoáng sản Việt Nam, lãnh đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do có nhiều sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang Sùng Minh Sính đã vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài chính; buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để nhiều cán bộ cấp dưới vi phạm, bị xử lý kỷ luật...
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, nâng khống giá sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 tại Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương khác.
Những vi phạm của các tập thể, cá nhân nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, thiệt hại lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền các cấp.
Có thể thấy, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã tiếp tục bàn và ra Kết luận về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" sẽ có tác động tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc; ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý thật nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Qua đó, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong toàn Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện./.
Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)
( C.H sưu tầm)