Dịch COVID-19 vẫn đeo đuổi, thế giới năm 2022 sẽ ra sao?

Ngày đăng: 03:22 29/12/2021 Lượt xem: 198

       Dịch COVID-19 vẫn đeo đuổi, thế giới năm 2022 sẽ ra sao?

                                                                     Nguồn: Báo Điện tử VTC

2022 là năm thứ 3 dịch COVID-19 càn quét toàn cầu với nguy cơ về biến chủng mới có thê xuất hiện, liệu thế giới sẽ ra an toàn hơn trong năm tới?

 

Có thể khẳng định, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục đeo đuổi nhân loại trong năm 2022. Đến thời điểm này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa đưa ra được những thông tin chắc chắn về mức độ nguy hiểm của biến chủng Omicron. Điều đó có nghĩa là, thế giới sẽ phải bước vào năm 2022 với những lo âu, nguy cơ dịch bệnh bùng phát với mức độ nguy hiểm hơn cũng vẫn còn bỏ ngỏ.

Dịch COVID-19 sẽ kết thúc?

Thời điểm hiện tại, chủng Omicron đang bùng phát mạnh mẽ, xuất hiện tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Đáng chú ý, những nơi vẫn được xem là an toàn trong thời gian qua như Mỹ, Anh, các nước EU… lại trở thành điểm nóng của dịch COVID-19 với ca mắc liên tiếp lập kỷ lục mới. Hàng nghìn chuyến bay bị hủy diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh lây lan không kiểm soát thời điểm Giáng sinh và chuẩn bị đón năm mới.

Dịch COVID-19 vẫn đeo đuổi, thế giới năm 2022 sẽ ra sao? - 1
Biến chủng Omicron dấy lên nhiều quan ngại đối với nỗ lực chống dịch toàn cầu.

Đến nay, thông tin ban đầu mà cơ quan y tế của Liên hợp quốc (WHO) đưa ra cũng rất nhỏ giọt, chỉ mang tính dự báo, chưa thể khẳng định được sự nguy hiểm của biến chủng Omicron. Theo WHO, cần có thêm dữ liệu ở nhiều nước, thêm thời gian để hiểu được mức độ nghiêm trọng của biến chủng Omicron.

Thông tin về Omicron được biến đến thời điểm này là một chủng đang lây lan nhanh hơn đáng kể so với Delta với ca mắc tăng gấp đôi sau 2-3 ngày, chủng rất khác biệt với số lượng đột biến cao - một số đột biến có khả năng tránh miễn dịch. Dữ liệu về biến chủng mới của WHO vẫn còn hạn chế và không có bằng chứng đánh giá mức độ hiệu quả của các loại vaccine đối với Omicron.

Với những thông tin đang còn “mập mờ” về chủng Omicron như vậy, liệu đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc trong năm 2022 được không? Mới đây, dù đánh giá rủi ro tổng thể từ biến chủng Omicron "vẫn còn rất cao" song WHO cho rằng thế giới có đủ công cụ để kiểm soát hoàn toàn đại dịch COVID-19 trong năm 2022.

Thế nhưng, đó cũng chỉ là đánh giá ban đầu của WHO. Thế giới cũng chưa biết được rằng sau Delta, Omicron sẽ còn bao nhiêu biến chủng đeo đuổi cuộc sống chúng ta? Bởi một khi không nhận định được liệu có thêm chủng mới xuất hiện hay không và tính chất nguy hiêm của chủng virus mới ra sao thì e rằng những dự báo sẽ đi quá xa so với thực tế.

Các giả thuyết về tương lai của chủng virus corona mới cũng đã được nêu ra. Theo đó, sau bước nhảy vọt ban đầu trong trình tự di truyền, khi hàng loạt biến chủng xuất hiện, SARS-CoV-2 có thể sẽ đột biến từ từ và ổn định. Khả năng khác được đưa ra là sự xuất hiện bất ngờ của một chủng hoàn toàn mới, với khả năng lây lan, độc lực và đặc tính né miễn dịch được xem có thể “thay đổi cuộc chơi”.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, thế giới nhiều khả năng sẽ không thể triệt tiêu hoàn toàn COVID-19. Virus không thể tiến hóa vô tận và Omicron có thể khiến virus SARS-CoV-2 đi vào con đường trở thành căn bệnh đường hô hấp theo mùa trong tương lai. Cũng như những virus corona khác, loài người có thể bị tái nhiễm SARS-CoV-2 liên tục trong cuộc đời.

Trên thực tế, sau 2 năm chống chọi với dịch bệnh, dù khả năng nào xảy ra thì chúng ta cũng cần xác định rằng, sẽ phải cậy nhờ vào vaccine đê sống chung với virus. Đến nay, vaccine đã có thể kháng cự, cho thấy hiệu quả đối với các biến chủng virus SARS-CoV-2. Vì vậy, kể cả khi các chủng virus mới không tự giảm dần độc lực, vaccine được bào chế được cho sẽ có tác dụng giảm bớt độc lực của chúng.

Hiệu quả của vaccine đối với các chủng COVID-19 mới sẽ mất dần theo thời gian. Giờ đây, mỗi cá nhân nên sẵn sàng tâm thế rằng virus SARS-CoV-2 dần sẽ trở thành bệnh đặc hữu, thực hiện các khuyến cáo dịch tễ trong phòng chống dịch và làm quen với việc thường xuyên phải chích vaccine phòng dịch.

Kinh tế thế giới đối mặt loạt khó khăn

Trong bối cảnh hầu hết các nước trên thế giới chuyển hướng từ chiến lược "không ca mắc" để tập sống chung an toàn với dịch COVID-19, thách thức lớn nhất lúc này là phải xác định mức độ lây nhiễm có thể chấp nhận được đối với từng quốc gia. Điều này có ý nghĩa quan trọng, giúp các nước đề ra chiến lược phát triển kinh tế rõ ràng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đeo đuổi.

Dịch COVID-19 vẫn đeo đuổi, thế giới năm 2022 sẽ ra sao? - 2
Kinh tế thế giới đối mặt nhiều thách thức trước các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Nhiều dự báo cho rằng, kinh tế thế giới được sẽ vững bước hơn trên con đường quay lại quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2022. Đó là nhờ đà phục hồi đã được củng cố trong năm 2021 khi các nước chuyển sang “sống chung an toàn với COVID-19”, triển khai các gói kích thích tăng trưởng hậu COVID-19, những nút thắt trong chuỗi cung ứng cũng dần được tháo gỡ.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 có thể đạt 4,9% trong khi Oxford Economics dự báo mức tăng 4,5%. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) - trụ sở tại London (Anh), thậm chí còn cho rằng tổng giá trị nền kinh tế thế giới trong năm 2022 sẽ vượt ngưỡng 100 nghìn tỷ USD.

Đà phục hồi tăng trưởng được cho là sẽ diễn ra trên diện rộng, khi mà hầu hết các nước đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine, mở cửa trở lại, dần khai thông những nút thắt trong chuỗi cung ứng, tiêu dùng. Tuy nhiên, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được đánh giá sẽ không đồng đều giữa các nước và các khu vực.

Những nhận định, dự báo này rất lạc quan. Thế nhưng, nỗi lo về những biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng sức ép lạm phát vẫn là những nguy cơ có thể làm chậm lại quá trình tăng trưởng kinh tế thế giới.

Sự xuất hiện biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2 vẫn là yếu tố chính tiềm ẩn những rủi ro, đe dọa sự phục hồi, đưa nền kinh tế thế giới trở lại mức bình thường như trước đại dịch COVID-19. Chủng Omicron càn quét, với tốc độ lây lan mạnh mẽ ca nhiễm bệnh buộc các chính phủ phải liên tục thay đổi chính sách phòng dịch, trong khi người dân vẫn mang tâm lý “e dè” tham gia các hoạt động kinh tế, cắt giảm chi tiêu. Điều này tác động tiêu cực đến việc mở cửa trở lại du lịch quốc tế, khôi phục thương mại và hệ thống chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao được xem là nỗi lo, thách thức của kinh tế thế giới trong năm 2022. Diễn biến giá cả của năm 2021 cho thấy, hầu hết các thị trường lớn đều chứng kiến tình trạng giá cả tăng mạnh sau hàng thập niên ổn định, trong đó lạm phát tại Mỹ tiệm cận mức 7%. Các nhà kinh tế không còn cho rằng đây là hiện tượng nhất thời. Theo các phân tích, nếu các nước không có biện pháp đối phó với lạm phát, thế giới sẽ phải gồng mình chống chọi với suy thoái vào năm 2023 hoặc 2024.

Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng cũng là nguyên nhân chính gây ra lạm phát, khiến giao thương kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều khó khăn. Thế giới đang trải qua gián đoạn chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy ở mức tồi tệ nhất. Các nhà phân tích dự đoán, sự hỗn loạn đang gây ra bởi vận chuyển toàn cầu sẽ khó kết thúc vào năm 2022, thậm chí tình trạng tắc nghẽn tại các cảng của Mỹ vốn đang diễn ra, có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.

Kịch bản về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn bởi đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn khôn lường. Vẫn còn rất nhiều ẩn số về đại dịch cần phải giải quyết để có dự báo chính xác hơn về triển vọng kinh tế thế giới trong thời gian tới. Tuy nhiên, lạc quan về sự phục hồi kinh tế là điều có thể, bơi lẽ giờ đây các nước đã có kinh nghiệm trong ứng phó với dịch, xác định sống chung với dịch và tìm cách thích ứng linh hoạt với mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”.

Mỹ - Trung cạnh tranh gay gắt

Những thăng trầm trong quan hệ Mỹ - Trung thời gian qua, nhất là gần một năm sau khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ, cho thấy đối đầu giữa hai cường quốc này khó có thể giảm thang trong năm 2022. Thậm chí, nhiều phân tích cho rằng, cạnh tranh giữa hai cường quốc này có thể trở nên gay gắt hơn vào năm tới.

Mỹ - Trung cạnh tranh quyết liệt trong năm 2021 khi 2 nước đối đầu và hoài nghi trên khắp các lĩnh vực từ thương mại, quốc phòng đến ngoại giao. Lập trường cứng rắn với Bắc Kinh được sự cô vũ rất lớn từ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ. Đây là vấn đề hiếm hoi có sự đồng thuận giữa hai đảng ở Mỹ.

Trong năm đầu nắm quyền, ông Biden đã lật ngược loạt chính sách của người tiền nhiệm, song các thành tố chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” thì hầu như được giữ nguyên. Khác với cựu Tổng thống Donald Trump, khi can dự sâu vào khu vực, không “đơn thương độc mã”, ông Biden chọn cách liên minh, hợp tác từ đồng minh và đối tác đối chống chọi với Bắc Kinh. Và sự ra đời của AUKUS với sự tham gia của Mỹ, Anh và Australia là ví dụ điển hình cho chủ trương này.

Dịch COVID-19 vẫn đeo đuổi, thế giới năm 2022 sẽ ra sao? - 3
Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ cạnh tranh gay gắt trong năm 2022.

Thông thường, năm đầu tiên của một chính quyền thường được xem là quảng thời gian thăm dò, xem xét, đánh giá để vạch ra chiến lược trong nhiệm kỳ, nhất là chính sách đối ngoại. Do đó, một khi đã xác định, xây dựng được cách tiếp cận trong nhiệm kỳ thì điều đó gần như sẽ có tính xuyên suốt, có chăng chỉ là những điều chỉnh để phù hợp với thời điểm, mục tiêu ngắn hạn.

Với Trung Quốc cũng vậy, trong năm qua, dù mức độ căng thẳng trên mặt trận thương mại giữa Washington - Bắc Kinh có giảm, song dường như xuất phát từ yếu tố khách quan, tác động, hệ lụy từ đại dịch COVID-19 nhiều hơn là chủ ý từ chính quyền Mỹ và Trung Quốc. Hạ nhiệt căng thẳng kinh tế và thương mại giữa hai nước có thể chỉ là tạm thời, đối đầu vẫn là xu thế chủ đạo. Sẽ không dễ để hai nước hạ nhiệt hơn nữa về thương mại trong năm tới, bơi kinh tế được xem là “xương sống”, “con bài” để Washington và Bắc Kinh gây ảnh hưởng, củng cố vị thế với các nước.

Olympic Bắc Kinh 2022 được xem là dấu hiệu mở màn cho một năm 2022 nhiều trắc trở trong quan hệ Mỹ - Trung, khi Washington tuyên bố sẽ tẩy chay ngoại giao, không cử đoàn ngoại giao tham dự sự kiện này. Hùa theo tiếng gọi của Washington, loạt đồng minh khác của Mỹ như Anh, Australia và Canada sau đó cũng tuyên bố tẩy chay sự kiện thể thao này.

Căng thẳng Mỹ - Trung nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục gia tăng từ đây đến tháng 2 năm sau khi Olympic chính thức khai mạc. Mỹ không muốn Olympic Bắc Kinh 2022 sẽ là sân khấu để Trung Quốc thể hiện sức mạnh, ảnh hương đối với cộng đồng quốc tế. Vì thế, Washington cho rằng, đây sẽ là dịp để “hạ bệ” uy tín của Trung Quốc thông qua các các cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Đối đầu Mỹ - Trung trong năm 2022 không thể không nhắc đến vấn đề Đài Loan. Đây là điểm nóng của thể khiến quan hệ hai nước gia tăng trong năm tới. Trong năm qua, Mỹ liên tục phả “hơi nóng” vào Trung Quốc khi liên tục bật đèn xanh cho các nghị sĩ nước này đến thăm Đài Loan, quân đội Mỹ đang trực tiếp huấn luyện trên đảo, hay công khai bán vũ khí cho hòn đảo này. Đáp lại, Trung Quốc cũng tổ chức tập trận sát eo biển, tuyên bố mạnh mẽ về việc thống nhất Đài Loan.

Nhiều phân tích lo ngại rằng eo biển Đài Loan sẽ trở thành điểm nóng đầy nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm 2022. Tuy nhiên, do đang trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 quan trọng dự kiến sẽ khai mạc vào đầu năm sau nên Trung Quốc sẽ muốn mọi chuyện ở mức có thể kiểm soát.

Tâm điểm cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm tới sẽ tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Washington và đồng minh chắc chắn sẽ tiếp diễn các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế, phản ứng trước các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Những hoạt động này nhiều khả năng sẽ còn nhộn nhịp hơn trước khi nhiều nước châu Âu đã cam kết sẽ can thiệp mạnh hơn vào khu vực thời gian tới, nhất là đối với Biển Đông.

Về phía Trung Quốc, nước này cũng sẽ tiếp tục hiện đại hóa quân đội và củng cố năng lực hải quân để đối trọng với Mỹ và đồng mình. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được xem là nơi có khả năng sẽ diễn ra chạy đua vũ trang giữa các bên. Tuy nhiên, leo thang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh sẽ có kiểm soát, tránh chạm tới bờ vực chiến tranh, đối đầu trực diện về quân sự.

Đáng chú ý, an ninh mạng sẽ là một vấn đề lớn, ảnh hưởng đến chính sách kinh tế và chiến lược của cả Mỹ và Trung Quốc trong năm 2022. Đây sẽ là yếu tố được cả hai bên chú trọng trong thời gian tới. Washington muốn chia tách công nghệ của Bắc Kinh với phần còn lại của thế giới, tiếp tục ngăn cản các công ty Trung Quốc tiếp cận phần cứng quan trọng do Mỹ sản xuất.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan