"Con đường hoa quả" - Góc nhìn của Nguyễn Lân Dũng

Ngày đăng: 05:50 12/01/2022 Lượt xem: 212
GÓC NHÌN

Con đường hoa quả

Nguyễn Lân Dũng

Nguyễn Lân Dũng

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân

Có bạn bảo với tôi, hoa quả Việt Nam không ngon nên xuất đi nước ngoài hay gặp khó khăn.

Tôi không hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. Bạn phân tích, cũng là quả cam, quả lê, sao dân mình vẫn mua cam, lê Hàn Quốc nhập khẩu về ăn? Ở chợ Việt Nam bán rất nhiều ổi, tươi và rẻ, nhưng sao nhiều người vẫn mua ổi Đài Loan trong siêu thị? Là vì hoa quả nhập khẩu chất lượng rất đồng đều, năm nay ăn ngon, sang năm vẫn ngon như thế, không như hoa quả Việt Nam.

Tôi cho rằng hoa quả chúng ta mua ngoài chợ không phải hàng tuyển chọn. Vì loại ngon đã xuất khẩu rồi. Nhưng tôi cũng phải thừa nhận, năng suất, chất lượng hoa quả của chúng ta không ổn định. Năm nay ngon, sang năm có thể không ngon như cũ nữa.

Tuần trước, khi siêu thị gần nhà bán dưa hấu giải cứu vì hàng nghìn container hoa quả bị ách ở Lạng Sơn, tôi thấy doanh nghiệp giải thích rằng, dù mỗi năm vài lần phải kêu cứu do chính sách nhập khẩu hoa quả của Trung Quốc thay đổi, nhưng Việt Nam vẫn không muốn bỏ thị trường này. Một lý do chính là Trung Quốc không đòi hỏi chất lượng nông sản cao như các thị trường khác, không yêu cầu các điều kiện bảo quản cao với hàng sau thu hoạch, chi phí vận chuyển rẻ.

Rẻ có giá của "rẻ". Vài năm trước, tôi chứng kiến việc chuyển vải thiều sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai. Các tài xế xe tải chen lấn nhau để đẩy thật nhanh qua cửa khẩu. Bên mua giao hẹn ai chuyển trước 12 giờ trưa có một giá, sau 12 giờ giá thấp hơn nhiều.

Doanh nghiệp ngay cả khi đã có hợp đồng bán nông sản cho Trung Quốc qua tiểu ngạch, đến lúc giao hàng cũng chưa biết chắc giá mình bán được. Chỉ cần một lý do, giá đã khác. Ví dụ như trường hợp tôi chứng kiến, phía Trung Quốc trả giá lô vải thấp hơn vì họ bảo phải chuyển vào xa nội địa để chế biến. Tôi trông bà con mình phải cạnh tranh từng thước đất để giao vải cho Trung Quốc mà buồn quá.

Theo số liệu của Sở Công Thương Lạng Sơn, 60% trong hàng nghìn container hàng hoá tồn đọng ở cửa khẩu tuần trước là xe chở trái cây tươi. Mỗi lần Trung Quốc thay đổi chính sách, ta thậm chí không biết lý do, xe trái cây cứ chờ hàng tuần trên đường như thế.

Tôi nghĩ đến các bác tài đang ngày đêm vất vưởng trên biên giới phía Bắc, các doanh nghiệp xuất khẩu mất ngủ vì vốn liếng sắp bay hơi, hàng triệu nông dân đang sản xuất hoa quả tươi trên khắp mọi miền đất nước.

Lời giải cho hoa quả Việt Nam không còn con đường nào khác là phải xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái. Có như thế thì sản xuất mới an toàn, sản phẩm mới đủ tiêu chuẩn cho tiêu dùng, xuất khẩu và phát triển nông nghiệp mới bền vững. Muốn bán hoa quả được giá, ít bấp bênh phải tính tới con đường chính ngạch chứ không phải tiểu ngạch sang Trung Quốc mãi.

Việt Nam mới trở thành thị trường cung cấp chuối lớn thứ 6 cho Hàn Quốc trong năm 2021, tăng 48,3% về trị giá so với cùng kỳ 2020. Nhưng tỷ trọng từ Việt Nam chỉ chiếm 1,9% tổng lượng chuối nhập khẩu của Hàn Quốc trong khi ta có nhiều lợi thế tăng thị phần do có ưu thế thuế quan nhờ hưởng lợi từ hiệp định thương mại tự do hai nước.

Các chuyên gia cũng dự báo, từ nay đến năm 2025, nếu chất lượng ổn định, Việt Nam có thể xuất xoài tươi sang Mỹ với tốc độ tăng khoảng 3% mỗi năm. Trước đây, việc xuất khẩu vải tươi cũng hết sức vất vả, nhưng từ khi quả vải được chế biến bằng công nghệ đã trở thành mặt hàng xuất sang Nhật với giá cao.

Tất nhiên, muốn vậy phải nghĩ đến sản xuất sạch, ngon, xuất khẩu chính ngạch thì mới mong có thu nhập cao và sản lượng ổn định. Nhiều năm đi khảo sát các vùng nông sản, chúng tôi thấy dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và Nitrat trong sản phẩm nông nghiệp rất đáng lo ngại. Đây cũng là nguồn gốc gây bệnh hiểm nghèo như ung thư, thần kinh, tim mạch. Vì lý do đó mà nhiều lô sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam không đủ tiêu chuẩn chế biến và xuất khẩu đi các nước có tiêu chuẩn cao như Nhật, châu Âu, Mỹ, Australia.

Để chấm dứt nguồn hóa chất và chuyện đau đầu của nông dân là năm nào cũng bị bọ rầy, nấm đạo ôn, vàng lùn, vàng xoắn lá... Tôi cho rằng việc đầu tư của nhà nước cho khoa học nông nghiệp vừa chưa đủ tầm, vừa dàn trải, chưa tập trung vào các mục tiêu quan trọng nhất.

Theo tôi, các lĩnh vực nông nghiệp mũi nhọn, đem về nguồn sống cho nông dân và nguồn lợi cho đất nước cần được hoạch định lại. Một ví dụ, với lợi thế nhiệt đới, chúng ta có thể thành vựa hoa quả của thế giới không? Nếu có, ngành Nông nghiệp có thể xây dựng các dự án và viện nghiên cứu đủ tầm, kết hợp với các đại học như cách làm phổ biến trên thế giới, để đặt hàng họ tháo gỡ bằng được các vấn đề đang vướng mắc không?

Chúng ta từng muốn Việt Nam trở thành vựa trái cây của khu vực, nhưng chẳng có. Người nói cứ nói, cứ hô hào nhưng chả có ai lo, cứ kêu gọi nhưng chẳng có cái gì cụ thể... Dường như, nhiều người chưa thấy hết tầm của vấn đề. Vì thế, hoa quả Việt Nam vẫn chờ sự quyết liệt của Nhà nước.

Nếu nhà nước cương quyết yêu cầu doanh nghiệp phối hợp với nông dân, làm nhà lưới cho nông dân trồng rau quả hay xây dựng các nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu vi sinh học đáp ứng cho ngành trồng trọt sạch, với cơ chế, chính sách rõ ràng; tiếp đó có chính sách cho chuỗi sản xuất hàng hóa thì việc người dân được sử dụng hoa quả Việt sạch và ngon sẽ thành hiện thực. Hoa quả Việt sẽ trở thành nguồn thu ngoại tệ lớn của đất nước chứ không mãi "tiểu ngạch".

Ngoài ra, với gần 100 triệu dân, nhà nước hoàn toàn có thể đẩy mạnh tiêu thụ hoa quả tươi trong nước. Dân ta đâu phải nơi nào cũng dễ dàng mua hoa quả tươi đúng thời vụ với giá thích hợp mà ăn.

Sao chúng ta không nghĩ đến một ngày nước nào cũng muốn ăn hoa quả Việt Nam thay vì mỗi năm bị từ chối ở cửa khẩu vài lần?

Nguyễn Lân Dũng
(PS st theo VnExpress)

tin tức liên quan