Thông điệp cứng rắn của ông Putin khi đối đầu phương Tây
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Ông Putin đang buộc phương Tây phải chú ý đến những bất bình của Điện Kremlin về việc NATO mở rộng biên giới về phía Nga.
Trong cuộc gặp được lên lịch gấp rút và kéo dài 5 giờ đồng hồ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 7/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục khiến thế giới phải phán đoán về ý định thực sự của mình, New York Times viết.
Tổng thống Putin cho biết ông sẵn sàng tiếp tục đàm phán về các yêu cầu an ninh của Nga ở Đông Âu, nhưng nhà lãnh đạo Nga cũng đưa ra cảnh báo cứng rắn về khả năng xảy ra một cuộc chiến toàn diện giữa Nga và phương Tây.
Ông Putin nói rằng các đề xuất mà Tổng thống Macron đưa ra trong cuộc gặp riêng tại Điện Kremlin là "quá sớm để đưa ra thảo luận". Trong khi đó, ông Macron mô tả những ngày sắp tới có khả năng quyết định việc loại trừ kịch bản mà phương Tây lo ngại: một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
"Chúng ta đang ở trong một tình huống căng thẳng tột độ, một mức độ bất ổn mà châu Âu hiếm khi phải đối mặt trong những thập niên qua", ông Macron nói.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Pháp diễn ra khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng để trao đổi về các biện pháp ứng phó xuyên Đại Tây Dương trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào Ukraine. Động thái này càng cho thấy sự bất an của phương Tây trong bối cảnh Nga đang triển khai lực lượng quân sự hùng hậu giáp biên giới Ukraine.
Ông Biden hôm 7/2 tuyên bố các nước phương Tây sẽ thực thi cách tiếp cận "đoàn kết" trong việc đối phó với căng thẳng ngày càng leo thang giữa Nga và Ukraine. Ông chủ Nhà Trắng cũng cảnh báo dự án đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức sẽ không được triển khai trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công.
Theo New York Times, nhà lãnh đạo Nga vẫn thể hiện là một chiến thuật gia lão luyện. Các cuộc hội đàm diễn ra trong cùng ngày 7/2 ở Moscow và ở Washington đã cho thấy khả năng của Tổng thống Putin nhằm buộc phương Tây phải chú ý đến những bất bình của Điện Kremlin về việc NATO mở rộng biên giới về phía Nga.
Nhưng liệu sự chú ý đó có đủ khiến ông Putin thỏa mãn hay không vẫn còn là câu hỏi để ngỏ. Một số nhà phân tích lo ngại rằng, việc ông Putin tham gia vào các cuộc gặp ngoại giao trong những tuần gần đây chỉ đơn thuần là để "câu giờ" cho quân đội Nga chuẩn bị cuối cùng cho một cuộc tấn công.
Ông Putin cho biết Nga vẫn đang nghiên cứu văn bản phản hồi NATO và Mỹ về các đề xuất đảm bảo cấu trúc an ninh ở Đông Âu, dự đoán rằng các cuộc "đối thoại" sẽ tiếp tục được tiến hành mặc dù ông chỉ trích phương Tây phớt lờ yêu cầu của Nga.
Ông Putin cũng nói với các phóng viên tại Điện Kremlin rằng, nếu Ukraine gia nhập NATO - một kịch bản mà giới chức phương Tây coi là viễn cảnh xa vời, nhưng Điện Kremlin lại coi là mối đe dọa hiện hữu - một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn sẽ xảy ra.
"Bạn có muốn Pháp đối đầu với Nga không? Đó là những gì sẽ xảy ra", ông Putin trả lời câu hỏi của phóng viên Pháp, đề cập tới kịch bản đối đầu nếu Ukraine tìm cách giành lại Crimea, bán đảo được Nga sáp nhập hồi năm 2014.
Sau khi dừng chân tại Moscow, Tổng thống Macron tiếp tục đáp chuyến bay tới Kiev, Ukraine hôm 8/2 để thực hiện sứ mệnh "ngoại giao con thoi" trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine. Ông Macron đóng vai trò là người đối thoại chính của châu Âu với Tổng thống Putin trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện qua điện thoại 5 lần kể từ tháng 12 năm ngoái và ông Putin cho biết họ sẽ nói chuyện lại sau chuyến thăm Ukraine của ông Macron.
Tổng thống Macron cho biết ông đã phối hợp chặt chẽ với các đồng minh phương Tây, bao gồm Mỹ và Đức. Tuy nhiên, một số người ủng hộ đường lối thân phương Tây của Ukraine đã chỉ trích ông quá để tâm đến các yêu cầu của ông Putin.
"Nga là một phần của châu Âu. Bất kỳ ai tin tưởng vào châu Âu phải biết cách làm việc với Nga và tìm ra những cách thức để xây dựng tương lai châu Âu giữa những người châu Âu", ông Macron nói.
Tổng thống Pháp cho rằng cả phương Tây và Nga cần vượt qua những tổn thương trong quá khứ và xây dựng "các giải pháp hữu ích". Ông Macron cho biết "ưu tiên hàng đầu" của chuyến thăm Ukraine là đảm bảo ổn định quân sự và ngăn chặn chiến tranh "trong ngắn hạn". Các cuộc thảo luận sau đó có thể tiếp tục xây dựng "các giải pháp trung hạn".
"Liệu NATO có thể giải quyết toàn bộ câu hỏi về an ninh tập thể của chúng ta không? Tôi không tin như vậy", ông Macron nói.
Tổng thống Pháp đã đưa ra một số chi tiết về ý tưởng của mình, nhưng nói rằng chúng sẽ liên quan đến việc cân nhắc lại các thỏa thuận an ninh thời hậu Chiến tranh Lạnh vì "không có an ninh cho châu Âu nếu không có an ninh cho Nga".
Về phần mình, Tổng thống Putin ám chỉ rằng các đề xuất đã được đưa ra trên bàn làm việc, nhưng hai nhà lãnh đạo không công khai.
"Một số ý tưởng hoặc đề xuất của ông ấy - dù có lẽ còn quá sớm để nói về nó - nhưng tôi thấy khá khả thi để tạo nền tảng cho những bước tiến xa hơn của chúng tôi", ông Putin nói.
Theo các quan chức Mỹ và Ukraine, Nga đã tập trung lực lượng quân sự lớn gần biên giới phía đông, phía bắc và phía nam của Ukraine, với khoảng 130.000 quân, ngoài ra còn có xe tăng, các khẩu đội phòng không và các thiết bị khác, cùng các đơn vị đặc nhiệm hỗ trợ hoạt động chiến đấu.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden trong nhiều tháng qua đã cảnh báo rằng, Nga dường như đang chuẩn bị cho một hành động quân sự với Ukraine, mặc dù ý định của ông Putin có thể chưa rõ ràng. Trong khi đó, giới chức Nga khẳng định không có kế hoạch động binh với Ukraine.
"Tôi không chắc ông ấy biết mình sẽ làm gì", Tổng thống Biden nói về nhà lãnh đạo Nga trong cuộc họp báo cùng Thủ tướng Đức tại Nhà Trắng hôm 7/2.
( C. H sưu tầm)