“Ukraina – Sự thật phía sau cuộc chiến” - Góc nhìn của Hoàng Văn Kính
UKRAINA – SỰ THẬT PHÍA SAU CUỘC CHIẾN
(Tiếp bài: Ukraina - vì đâu nên nỗi )
Hoàng Văn Kính
Mối quan hệ cơm chẳng lành canh chẳng ngọt giữa hai người anh em Nga và UKraina trên thực tế đã xẩy ra sau khi Tổng thống hợp pháp của Ukraina ông Yanukovych bị lật đổ tháng 2/2014, bán đảo Crimea trở về Nga và hai vùng Donetsk ( DNR ), Luhansk ( LNR ) ở miền Đông tuyên bố li khai thành lập hai chủ thể nước Cộng hòa nhân dân DNR và LNR.
Dầu cứ được đổ thêm vào và ngọn lửa lúc đầu chỉ âm ỉ, leo lét cháy ngày càng được các thế lực phương Tây góp gió thổi bùng lên. Trước nguy cơ bị phương Tây tiếp tục lấn tới, để bảo đảm an ninh quốc gia Liên bang Nga đã gửi Mỹ và khối NATO bản kiến nghị gồm 8 điểm trong đó có nêu rõ “ lằn ranh đỏ” buộc Mỹ và NATO phải chấp nhận. Trong khi Ukraina và phương Tây lại khăng khăng một mực từ chối.
Sau hàng loạt động thái ngoại giao con thoi giữa nguyên thủ các nước với Tổng thống Nga nút thắt ấy vẫn không được tháo gỡ và nước Nga đã động binh. Không quá bất ngờ, từ hàng tháng nay họ đã điều động hàng chục vạn quân, rất nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại tối tân, tổ chức nhiều cuộc diễn tập quân sự dọc biên giới Ukraina. Tổ chức nhiều hoạt động ngoại giao, tuyên bố công nhận 2 nước Cộng hòa DNR và LND…
Và đến rạng sáng ngày 24/1 Nga chính thức tuyên bố đưa quân vào Ukraina. Bản chất thật sự của cuộc đối đầu này là giữa Nga và NATO. Vì muốn ghi điểm nên Ukraina đã tự biến mình thành con tốt thí của khối NATO.
Xét về mặt nào đó việc đưa quân xâm nhập vào một quốc gia có chủ quyền là hành vi xâm lược, vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc ( Xin lưu ý:Tổng thống Biden gọi đây là cuộc xung đột) nhưng xét về mặt đạo đức nhiều người cho rằng có thể thông cảm được: Nếu nước Nga không ra tay trước, hành động quyết liệt để tự bảo vệ mình thì sớm muộn gì họ cũng sẽ bị khối NATO và phương Tây “ bóp chết ”.
An ninh quốc gia của nước Nga đang bị đe doa bởi sự thù địch của thế giới phương Tây, NATO tiếp tục có những động thái lôi kéo Ukraina mở rộng phạm vi ảnh hưởng về phía Đông.
Trước sự bất an và mối đe doạn đó, cuối năm 2021 Nga đã gửi bản đề xuất 8 điểm cho Mỹ và NATO với các điều kiện ( lằn ranh đỏ ) không kết nạp Ukraina vào khối, ngừng mở rộng về phía Đông, chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraina và cấm triển khai tên lửa tầm trung ở một số nước châu Âu thuộc khối Liên-xô cũ. Nga cũng đe dọa sử dụng vũ lực quân sự nếu các yêu cầu của họ không được đáp ứng. Chính sách đối ngoại của Nga từ lâu đã coi việc Ukraina và Gruzia gia nhập NATO là mối đe dọa tiềm tàng bởi vậy việc chủ động kiềm chế Ukraina về mặt quân sự là hoạt động cuối cùng để ngăn chặn khả năng đó.
Nga bất an trước việc Ukraina ngả theo phương Tây. Họ thực sự lo ngại trước khuynh hướng chống Nga đang gia tăng trong những năm gần đây của gới lãnh đạo Ukraina, đe dọa ảnh hưởng của Nga với các nước láng giềng cũng như nội bộ của chính bản thân đất nước mình trước sự hiện hữu từ các cuộc biểu tình bài Nga núp dưới các chiêu bài khác nhau, phong trào đường phố và sự chống đối tiềm tàng. Thực tế ảnh hưởng tư tưởng thân phương Tây từ Ukraina đã xâm nhập ngày càng mạnh vào Nga, bởi vậy động binh vào Ukraina còn nhằm mục đích ngăn chặn các xu hướng tiêu cực, đưa nước này vào tầm ảnh hưởng của mình.
Chiếc xe bị phá hủy sau cuộc tấn công ở thành phố Kharkov, ở Ukraine hôm 1/3. Ảnh: Reuters.
Dù thù địch nhưng châu Âu không thể thiếu Nga, họ vẫn bị ràng buộc một mức độ nào đó vào Nga đặc biệt là sự phụ thuộc về nặng lượng ( 41% khí đốt tự nhiên và 27% dầu thô ) và một số kim loại, sản phẩm nông nghiệp khác. Giá năng lượng đang tăng mạnh trên thế giới, nên việc triển khai chiến dịch quân sự lúc này sẽ giúp Nga giảm thiểu mức độ thiệt hại so với các thời điểm khác. Mặt khác Nga cũng nhận thấy Chính quyền của Tổng thống Biden hiện đang tập trung vào cuộc đối đầu với Trung-Quốc, lúc này có ít dư địa hơn để chống lại Matxcova. Nước Nga đã có nhiều năm thay đổi để thích ứng, chống chịu với các lệnh trừng phạt về kinh tế, cũng trong khoảng thời gian đó đã xây dựng nền quốc phòng vững mạnh với nhiều loại vũ khí tiên tiến, rất hiện đại đủ sức nặng để răn đe những cái đầu nóng nhất của thế giới phương Tây.
Chiến sự giữa Nga và Ukraina đã bùng nổ, mọi nỗ lực ngăn chặn chiến tranh bằng các hoạt động ngoại giao đã không thể cứu vãn, tất cả chỉ tại hai nút thắt: Khối NATO từ chối cam kết bằng văn bản không kết nạp Ukraina và cũng không cam kết bảo đảm an ninh sườn phía Tây của nước Nga. Mỹ và phương Tây thẳng thừng từ chối, Ukraina tuyên bố họ có quyền lựa chọn con đường đi của riêng mình còn phía Nga thì coi đó là “ lằn ranh đỏ” và họ đã thực hiện “ quyền tự vệ chính đáng ” để loại Ukraina khỏi tiền đồn chống Nga của NATO.
Để xẩy ra cuộc chiến này tất cả đều có lỗi, tất cả đều thua. Thất bại của chính trị, thất bại của ngoại giao và chắc chắn sẽ để lại nhiều hậu quả lâu dài.
Ông Zelenski đã nhầm, chính trị không phải là một trò hề, không phải là sân khấu biểu diễn hề. Dù kết cục thế nào thì Ukraina vẫn là bên bị thiệt hại nhiều nhất, phải trả một cái giá quá đắt cho tham vọng hướng tây.
Suy cho cùng mọi thiệt hại và sự đau khổ đều đổ lên đầu người dân Ukraina!
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội