Moscow nêu điều kiện chấm dứt tấn công, Ukraine tố Nga bắt cóc thị trưởng
Moscow nêu điều kiện chấm dứt tấn công, Ukraine tố Nga bắt cóc thị trưởng
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Điện Kremlin tuyên bố Nga sẽ chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nếu phương Tây giải tỏa những quan ngại về an ninh do Moscow nêu ra thời gian qua.
Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã chia sẻ quan điểm của Moscow tại cuộc họp báo ngày 11/3 khi được hỏi về cách kết thúc các hoạt động quân sự của Nga ở nước láng giềng.
|
Lính Nga tham gia chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ảnh: Reuters |
Ông Peskov nhấn mạnh, Moscow đã nêu các yêu cầu cụ thể đối với Kiev nhằm giải quyết các quan ngại của Nga. Người phát ngôn nhận định, phía Ukraine đang thảo luận vấn đề với Mỹ và các đồng minh. Ông hy vọng giải pháp sẽ sớm được thực thi.
Trước đó, tại cuộc gặp với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko ở Moscow để thảo luận về tiến trình đàm phán Nga - Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, "nếu Kiev mong muốn, cuộc xung đột có thể được giải quyết bất kỳ lúc nào". Sputnik dẫn lời Natalya Eismont, phát ngôn viên của tổng thống Belarus nói, ông Lukashenko có cùng quan điểm này.
Ông Putin lưu ý, các nhà đàm phán Nga đã ghi nhận "một số thay đổi tích cực" từ phía Ukraine và hai bên đang tiếp tục quá trình thương lượng trên cơ sở hàng ngày. Lãnh đạo Điện Kremlin tái nhắc lại nhu cầu phải triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền đông Ukraine nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của Nga sau khi không nhận được "phản hồi mang tính xây dựng" của Mỹ và các đồng minh phương Tây đối với các đề xuất bảo đảm an ninh của Moscow, kể cả việc NATO phải ngưng mở rộng về phía đông.
Theo hãng thông tấn quốc gia BelTA của Belarus, ông Putin và ông Lukashenko đã nhất trí việc Nga sẽ chuyển giao các mẫu thiết bị quân sự hiện đại nhất cho Belarus trong tương lai gần. Đổi lại, Belarus sẽ tăng cường cung cấp các thiết bị nông nghiệp, vận tải hành khách hiện đại và các sản phẩm kỹ thuật khác cho Nga.
Hai nhà lãnh đạo cũng thống nhất các bước chung để hỗ trợ lẫn nhau chống lại các đòn trừng phạt của phương Tây, kể cả giá năng lượng. Các phái đoàn chính phủ Nga và Belarus sẽ hội đàm ở Moscow vào ngày 14/3 để đưa ra các quyết định cụ thể về tất cả vấn đề đã được thảo luận.
|
Cảnh tan hoang gần một cơ sở quân sự của Ukraine tại thủ đô Kiev sau vụ pháo kích của Nga. Ảnh: The Guardian |
Các phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh quân Nga đang tăng cường vây ráp và oanh tạc các thành phố lớn khắp Ukraine và lần đầu tiên tấn công các sân bay ở miền tây nước láng giềng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, nước này đang ở "bước ngoặt chiến lược” trong cuộc xung đột với Nga.
Theo CNN, thành phố Mykolaiv ở miền nam Ukraine tối 11/3 đã hứng đợt pháo kích dữ dội của quân Nga. Các đoạn video chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy nhiều tiếng nổ và đám cháy trong khu vực.
Vitaliy Kim, người đứng đầu chính quyền vùng Mykolaiv cho biết đang có "các hoạt động thù địch" diễn ra gần Guryivka, phía bắc thành phố. "Chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy lui bọn chúng (quân Nga) ra xa hơn", ông Kim viết trên kênh Telegram. Trong một loạt thông điệp sau đó, quan chức này tố cáo phía Nga đã "bắn bừa bãi vào các mục tiêu dân sự", bao gồm một quán cà phê và một tòa chung cư.
|
Xe hơi bốc cháy và tòa nhà bị phá hủy sau cuộc oanh tạc của Nga vào thành phố Mariupol, Ukraine. Ảnh: Reuters |
Hàng trăm nghìn dân thường vẫn mắc kẹt ở các thành phố đang bị Nga oanh tạc, nhưng tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Mariupol, đông nam Ukraine. Hội đồng thành phố thống kê, ít nhất 1.582 dân thường đã thiệt mạng kể từ khi Mariupol bị tấn công. Suốt 12 ngày qua, các cư dân tại thành phố cảng này đã bị cắt đứt mạng lưới điện và dịch vụ điện thoại di động. Thực phẩm và nước uống sắp cạn kiệt.
Nhà chức trách Ukraine cho biết chỉ đạt thành công hạn chế trong việc đảm bảo sơ tán dân thường ra khỏi các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các quan chức và lực lượng tình nguyện viên đang nỗ lực giúp thêm hàng nghìn người rời khỏi các quận bị tàn phá nặng nề nhất ở phía bắc và phía tây thủ đô Kiev.
|
Người tị nạn Ukraine đến trung tâm hỗ trợ ở Przemysl, Ba Lan. Ảnh: Reuters |
Theo Oleksiy Kuleba, thủ hiến vùng Kiev, hơn 22.000 người đã được sơ tán khỏi các quận Vorzel, Hostomel, Bucha và Irpin trong 3 ngày qua. Chính quyền thành phố dự kiến sẽ tạo ra các tuyến đường mới để đến các thị trấn quanh thành phố phục vụ việc di tản dân trong ngày 12/3.
|
Ảnh: The Guardian |
Cao ủy về người tị nạn của Liên Hợp Quốc thống kê, cho đến nay đã có hơn 2,5 triệu người rời khỏi Ukraine đi lánh nạn. Một số nước láng giềng của Ukraine ở châu Âu và Nhật đã mở cửa đón nhận những người tị nạn này.
Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Ukraine thông báo, các lực lượng Nga đã bắt giữ Ivan Fedoro, thị trưởng thành phố Melitopol, miền nam đất nước.
Các camera an ninh của thành phố đã ghi được cảnh ông Fedorov bị một nhóm nam giới có vũ trang áp giải khỏi trụ sở chính quyền Melitopol. Ngay sau đó, công tố viên của vùng ly khai Luhansk ở miền đông tuyên bố, ông Fedorov đã "phạm tội khủng bố" và đang bị điều tra.
Trong một tuyên bố đăng tải trên Facebook, Bộ Ngoại giao Ukraine gọi việc bắt giữ thị trưởng Melitopol là "vụ bắt cóc", đồng thời lên án đây là một trong rất nhiều "hành vi vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, là tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người cũng như các vi phạm nhân quyền khác".
Bộ Ngoại giao Ukraine kêu gọi cộng đồng quốc tế có phản ứng ngay lập tức trước vụ việc, đồng thời gia tăng áp lực buộc Nga phải chấm dứt cuộc chiến ở nước láng giềng. Họ khẳng định, các cơ quan hành pháp đang ghi chép cẩn thận và lưu giữ bằng chứng về vụ bắt cóc ông Fedorov cũng như hàng trăm các hành vi khác của các lực lượng Nga bị cáo buộc là "tội ác chiến tranh" để Moscow phải chịu trách nhiệm một cách nghiêm khắc nhất.
|
Binh lính Ukraine tại một chốt gác ở bên ngoài thủ đô Kiev. Ảnh: Reuters |
|
Người dân Kiev dựng hàng rào bao cát nhằm bảo vệ thành phố trước sự tấn công của các lực lượng Nga. Ảnh: Reuters |
Mỹ, Anh và nhóm G7 vừa công bố một loạt biện pháp trừng phạt mới, bao gồm cả việc thu hồi quy chế "tối huệ quốc" đối với Nga, trừng phạt các nghị sĩ và giới tài phiệt Nga, cấm nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Nga cũng như cấm xuất khẩu hàng xa xỉ phẩm sang nước này. Phương Tây coi các động thái nhằm gia tăng sức ép lên Tổng thống Putin, những người thân cận ông và nền kinh tế của xứ sở bạch dương.
( C. H sưu tầm)