Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine sẽ kết thúc thế nào?

Ngày đăng: 07:36 15/03/2022 Lượt xem: 164

            Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine sẽ kết thúc thế nào?


                                                       Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet

Phương Tây từng dự đoán chính xác thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, song việc dự đoán thời điểm xung đột kết thúc sẽ khó khăn hơn rất nhiều.


Theo Thời báo New York, có 3 hướng ngoại giao riêng biệt đang được tiến hành bởi lãnh đạo các nước Pháp, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng tới nay các bên dường như chưa thể thuyết phục Tổng thống Nga ngồi vào bàn đàm phán với Ukraine.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc đã bắt đầu vẽ ra những kịch bản khác nhau, trong đó có kịch bản Nga đưa vào tầm kiểm soát những khu vực phía đông và phía nam Ukraine. Thậm chí, viễn cảnh tồi tệ hơn cũng được nhắc đến, như việc các nước NATO bị kéo trực tiếp vào cuộc xung đột.

Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, giới chức cấp cao Mỹ và châu Âu đều có chung dự đoán rằng: 2 hoặc 3 tuần tới có thể định hình kết cục chiến sự tại Ukraine, và các bên có ngồi xuống thương lượng để chấm dứt xung đột hay không. Song đến nay, ngay cả những tiến triển cơ bản nhất, như việc lập các hành lang nhân đạo an toàn, cũng trở nên khó đoán định.

 
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine sẽ kết thúc thế nào?
Binh sĩ Ukraine cạnh các phương tiện bị phá hủy ở Horenka, ngoại ô Kiev. Ảnh: Thời báo New York

‘Gỡ rối’ bằng ngoại giao

Đầu tuần trước, một tia hy vọng bắt đầu nhen nhóm về việc cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine có thể thiết lập các hành lang nhân đạo để người Ukraine di tản khỏi vùng chiến sự, và tiến tới hạ nhiệt căng thẳng giữa các bên.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov từng tuyên bố, chiến dịch quân sự của Nga sẽ kết thúc “trong tích tắc” nếu Ukraine sửa hiến pháp để chấp nhận duy trì trạng thái “trung lập”, giữ nguyên hiện trạng của bán đảo Crưm là thuộc về Nga, và công nhận độc lập đối với các vùng ly khai phía đông nước này.

Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng để ngỏ khả năng cân nhắc ý tưởng trên, khi ông cho biết Ukraine đã "không còn mặn mà" với NATO, cũng như NATO vẫn "chưa sẵn sàng để chấp nhận Ukraine". Và dù kiên quyết sẽ không thương lượng về vấn đề chủ quyền và lãnh thổ quốc gia, Tổng thống Zelensky vẫn nói các bên “có thể thảo luận và tìm ra một thỏa hiệp về cách các vùng lãnh thổ này có thể tồn tại trong tương lai".

Tuy nhiên, liệu Tổng thống Putin có chấp nhận thỏa thuận như vậy hay không vẫn là một câu hỏi.

Chiến sự có thể kéo dài

Kịch bản mà phương Tây trông đợi là sức ép từ những đòn trừng phạt kinh tế sẽ khiến giới lãnh đạo Nga thu hẹp lại những mục đích ban đầu. Dù vậy, Moscow cho tới nay vẫn thể hiện quyết tâm duy trì chiến dịch quân sự ở Ukraine cho tới khi đạt được mục tiêu, bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt cứng rắn.

Mặt khác, nếu xảy ra kịch bản hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine thực sự đạt được thỏa thuận chung, điều đó lại có thể gây khó khăn với Mỹ trong việc có nên dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào mà nước này và đồng mình áp đặt lên Nga hay không.

Trên chiến trường, các lực lượng Nga và Ukraine hiện vẫn ở thế giằng co trên đường phố ở các thị trấn và ngoại ô thủ đô Kiev. Tuy nhiên, Trung tướng Scott Berrier, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, thừa nhận việc Nga đang bao vây từ nhiều hướng xung quanh Kiev đang tạo áp lực cho phía Ukraine. Ông cảnh báo với việc nguồn cung dần bị cắt giảm, Ukraine sẽ gặp bất lợi lớn trong vòng từ 10 ngày đến 2 tuần tới.

Một quan chức cấp cao giấu tên khác của Mỹ nhận định, có thể mất tới 2 tuần để các lực lượng Nga bao vây Kiev, và ít nhất 1 tháng sau đó để kiểm soát thành phố. Điều này sẽ đòi hỏi việc tăng cường hỏa lực tầm xa với những cuộc giao tranh trên đường phố có thể kéo dài tới hàng tuần, thậm chí hàng tháng.

Những kịch bản xấu nhất

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine dù đã chậm lại so với dự kiến, song vẫn đạt được một số ưu thế nhất định. Quân Nga đã thiết lập vòng vây ở thủ đô Kiev và các thành phố Kharkiv, Chernihiv và Sumy ở phía bắc, cũng như có một số tiến triển chậm ở Mariupol và các khu vực phía nam Ukraine.

Điều này đã khiến giới quan sát vẽ ra kịch bản là Ukraine có thể bị chia cắt sau khi chiến sự xảy ra. Nga đang cùng lực lượng 2 vùng ly khai ở Donbass tăng cường sức ép lên thành phố chiến lược Mariupol. Nếu thành công, phe ly khai ở Donbass sẽ có thể kiểm soát được cây cầu nối giữa bán đảo Crưm với khu vực này.

“Kết cục có thể xảy ra nhất là Ukraine sẽ bị chia cắt”, James G. Stavridis, cựu chỉ huy cấp cao các lực lượng đồng minh tại châu Âu, cho biết. “Moscow sẽ kiểm soát các khu vực phía đông và nam Ukraine, nơi có nhiều người nói tiếng Nga, trong khi các khu vực còn lại, nơi người Ukraine chiếm đa số, vẫn tiếp tục nằm dưới quyền quản lý của chính phủ Kiev".

Dù vậy, các chuyên gia vẫn lo ngại nguy cơ châm ngòi sự tham chiến trực tiếp từ NATO, trong bối cảnh xung đột đang có dấu hiệu lan dần về phía tây.

( C.H sưu tầm)

tin tức liên quan