Giá xăng tăng sốc vì đâu?
Nguồn: Báo Điện tử Công An Nhân Dân
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng liên tục tăng, trong 2 tháng, giá xăng đã tăng 6.000 đồng - tương đương 25%- lên mức gần 30.000 đồng/lít. Đây là mức tăng kỷ lục chưa từng có ở Việt Nam, gây áp lực lớn tới nền kinh tế.
Nhằm đánh giá cũng như tìm kiếm giải pháp giúp nền kinh tế giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của việc giá xăng dầu tăng kỷ lục, báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt đã tổ chức tọa đàm "Làm gì khi giá xăng dầu tăng kỷ lục".
Xăng Việt Nam “chạy đuổi” theo thế giới
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, diễn biến tình hình kinh tế thế giới đã đẩy giá xăng dầu thế giới lên cao, gây mất cân đối cung cầu và dự trữ của các nước sụt giảm, đặc biệt là do xung đột quân sự giữa Nga – Ukraine. Bên cạnh đó, quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 bắt đầu có khởi sắc khiến cho nhu cầu về nhiên liệu tăng lên ở mức rất cao. Trong khi đó, nguồn cung không tăng kịp so với nhu cầu dự báo. Theo đánh giá, nhu cầu sử dụng nhiên liệu xăng dầu năm 2022 khoảng 100,23 – 111 triệu thùng, cao hơn năm 2019 khoảng 0,23 – 1 triệu thùng, cao hơn năm 2021 khoảng 3,5 – 4,27 triệu thùng/ngày.
Với xăng dầu trong nước, ngoài nguyên nhân khách quan từ thế giới, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, còn có nguyên nhân chủ quan là do nguyên tắc điều hành giá xăng dầu. “Trong khi giá xăng dầu thế giới điều chỉnh theo ngày, thì giá xăng trong nước đang điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày, thậm chí lên đến 20 ngày nếu vào dịp lễ, Tết, vì thế, khi điều chỉnh tăng giá xăng dầu, chúng ta phải chạy đuổi để kịp theo nhịp tăng trưởng của thế giới, nên mới gây ra hiện tượng tăng giá xăng dầu quá cao, gây ra bất ổn", ông Thỏa phân tích. Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, điều hành về bình ổn giá, quan hệ cung cầu còn bị động, lúng túng, dẫn tới những phản ứng tiêu cực của thị trường như tình trạng găm hàng, giữ hàng để chờ điều chỉnh giá tăng cao mới bán hàng, dẫn đến đứt gãy nguồn cung làm cho tình hình thị trường biến động bất ổn.
"Nếu không sửa cơ chế điều hành giá xăng dầu thì vẫn sẽ tiếp tục xảy ra câu chuyện bất ổn nếu giá thế giới tăng", Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh. Bên cạnh những "nút thắt" nêu trên, theo ông Thỏa, còn có vấn đề là chưa có cạnh tranh giá trong kinh doanh. Nếu thị trường xăng dầu có những "ông lớn" chiếm lĩnh thì họ sẽ chủ động được về giá, thậm chí “làm giá” theo cơ chế thị trường.
Cũng có cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV – TS. Cấn Văn Lực bổ sung thêm, nguồn cung xăng dầu trong nước bị đứt gãy cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu tăng lên mức kỷ lục kể từ đầu năm đến nay. "Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm tới 30 – 35% thị phần. Chỉ cần Nghi Sơn không giảm công suất, tôi nghĩ thị trường không gặp tình trạng khan hiếm nguồn cung", ông Lực nhận định.
Gỡ nút thắt thuế chồng thuế
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chi phí từ xăng dầu chiếm 3,52% tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, với một số ngành, chi phí xăng dầu có thể chiếm đến 30-40%. Vì thế, việc giá xăng dầu tăng mạnh sẽ tạo áp lực lên lạm phát và ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng của nền kinh tế. Giới chuyên gia nhận định, giá xăng tăng có thể ảnh hưởng tới hiệu ứng của chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế mà Chính phủ đang tích cực thực hiện. Trong đó, có những giải pháp như giảm 2% thuế VAT với hầu hết các mặt hàng trong năm 2022 nhằm để kích thích tiêu dùng, giảm áp lực lạm phát. Bởi vậy, câu chuyện “hạ nhiệt” giá xăng đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Dù mới đây, Bộ Tài chính đã chốt phương án đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu so với hiện tại, song nhiều ý kiến vẫn cho rằng hiện nay, trong cơ cấu giá xăng dầu, thuế chiếm 38% giá bán xăng và 20% đối với giá bán dầu là quá cao.
Trao đổi về vấn đề này, ông Thỏa cho biết ở nhiều nước, mức thuế chiếm tỷ trọng từ 45 – 60% trong giá bán xăng, dầu, ngoại trừ một số nước có lượng dự trữ dầu mỏ lớn. Đơn cử như Hàn Quốc thuế xăng dầu chiếm 49%, Thái Lan chiếm 45%, Malaysia chiếm 29%,… Về ý kiến cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào hàng xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng. Trong khi đó, xăng dầu là tối cần thiết, không phải hàng xa xỉ, theo ông Thỏa, thuế tiêu thụ đặc biệt là để điều tiết việc tiêu dùng xăng dầu, hạn chế tiêu dùng lãng phí. Có thể nhìn thấy trong chính các loại xăng, xăng sinh học được áp thuế thấp hơn để khuyến khích sử dụng.
Liên quan đến vấn đề lâu nay dư luận xã hội đánh giá rất bất cập là đang có tình trạng thuế chồng thuế với mặt hàng xăng dầu. Ví dụ thuế giá trị gia tăng tính trên thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. TS.Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định, tất cả những điều trên đều đúng luật. "Tuy nhiên, luật cũng do con người sinh ra và tính toán. Theo tôi, chúng ta cần nghiên cứu lại để vẫn giữ bản chất điều tiết thị trường của thuế và đảm bảo nguồn thu ngân sách. Qua đó, tránh tình trạng thuế chồng thuế", ông Thỏa nhấn mạnh
( C. H sưu tầm)