Khi nào Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine?
Nguồn: Báo Điện tử Thời Mới
Người phát ngôn của Tổng thống Putin thừa nhận rằng Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu tại Ukraine và nêu tình huống có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ hôm 22/3, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết chính sách an ninh của Nga quy định rằng, Moscow sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu sự tồn vong của đất nước bị đe dọa.
"Chúng tôi có khái niệm về an ninh nội địa và khái niệm này được công khai, trong đó nêu tất cả trường hợp cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân. Vì vậy, nếu có mối đe dọa hiện hữu đối với đất nước của chúng tôi, thì kho vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng theo cách của chúng tôi", ông Peskov nói.
Tổng thống Putin trước đây từng ám chỉ việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia mà ông coi là mối đe dọa đối với Nga. Hồi tháng 2, ông Putin nói trong một tuyên bố trên truyền hình: "Bất kể ai cố gắng cản đường chúng ta hay hơn thế nữa gây ra các mối đe dọa cho đất nước và nhân dân của chúng ta, họ phải biết rằng Nga sẽ đáp trả ngay lập tức, và hậu quả sẽ là những gì các bạn chưa bao giờ thấy trong toàn bộ lịch sử”.
Sau đó, nhà lãnh đạo Nga phát biểu trong một cuộc họp được phát trên truyền hình với các quan chức quốc phòng Nga rằng "các quan chức lãnh đạo các nước NATO đã tự cho phép mình đưa ra những bình luận gây hấn về đất nước chúng ta, do đó tôi ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng đặt Lực lượng Răn đe quân đội Nga vào trạng thái báo động chiến đấu”.
Động thái mới của ông Putin làm dấy lên lo ngại về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột với Ukraine.
Khi được hỏi về tuyên bố của ông Peskov và lập trường hạt nhân rộng hơn của Nga, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói bình luận của Nga về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân là "nguy hiểm".
"Đó không phải là cách một cường quốc hạt nhân nên làm. Chúng tôi đang giám sát vấn đề này mỗi ngày, trong mọi khả năng của chúng tôi", ông Kirby cho biết.
Lực lượng răn đe của Nga gồm nhiều loại vũ khí chiến lược khác nhau, cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường, có thể sử dụng cho mục đích phòng thủ và tấn công. Theo định nghĩa của Nga, các lực lượng này được thiết kế để "ngăn chặn các hành động xâm lược nhằm vào Nga và các đồng minh của Nga, cũng như để đánh bại kẻ xâm lược, kể cả trong một cuộc chiến có sử dụng vũ khí hạt nhân". Được biết, Nga sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với khoảng hơn 4.400 đầu đạn hạt nhân và kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) khổng lồ.
Tuy nhiên, Moskva cũng cảnh báo nếu Mỹ và các đồng minh NATO cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine, Nga có thể leo thang và mở rộng chiến sự, dẫn đến nguy cơ đối đầu trực tiếp với phương Tây.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, được phát động từ ngày 24/2, đến nay đã trải qua 4 tuần. Người phát ngôn Peskov tuyên bố rằng, chiến dịch đang "diễn ra hoàn toàn theo đúng những kế hoạch và mục đích đã được thiết lập từ trước".
Khi được hỏi thêm về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, Peskov cho biết Nga không có ý định chiếm đóng nước láng giềng, khẳng định lực lượng Nga không tấn công dân thường và nhấn mạnh mục tiêu chính của chiến dịch là loại bỏ mối đe dọa quân sự tiềm tàng tại Ukraine.
Trong một diễn biến cùng ngày, theo Reuters, Nga đã có những trao đổi gay gắt với Mỹ và Anh tại Liên Hiệp Quốc, liên quan đến các cáo buộc về khả năng của một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Ukraine.
Tại cuộc họp, Nga đã nêu vấn đề rò rỉ khí amoniac ở thành phố Sumy, đông bắc Ukraine, cáo buộc "các nhóm dân tộc cực đoan Ukraine" gây ra việc này. Mỹ và Anh đã bác bỏ cáo buộc của Nga.
Phó đại diện Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Dmitry Polyanskiy cho biết quân đội Nga "chưa bao giờ có kế hoạch hay thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào bất cứ cơ sở lưu trữ hay sản xuất các chất độc hại ở Ukraine".
( C.H sưu tầm)