“Ukraina – Cái giá của sự mù quáng.” - Góc nhìn của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 06:21 06/04/2022 Lượt xem: 134
 
 
 
UKRAINA – CÁI GIÁ CỦA SỰ MÙ QUÁNG
(Tiếp bài: Hãy xứng đáng để chúng tôi tôn trọng bạn )
Hoàng Văn Kính
 
       Nhìn vào cảnh đổ nát, hoang tàn, thiếu thốn, chết chóc trên đất nước Ukraina xinh đẹp mà thấy đau lòng. Người dân Ukraina không có tội, họ xứng đáng được hưởng một cuộc sống an bình trong vòng tay của “ đấng cứu thế”. Nhưng rất đáng tiếc vì sự mù quáng của giới lãnh đạo ở đấy mà đấng cứu thế đã không mở rộng vòng tay che chở họ.
       Những kẻ ngây ngô dốt nát thường làm con rối cho những Nhà chính trị xảo quyết. Ukraina rơi vào vòng binh lửa là một bài học đắt giá cho những nước nhỏ trước các thế lực cường quyền.
       Khẩu hiệu hòa bình, ước mong hòa bình là câu nói cửa miệng, là điều ai cũng nói được nhưng để hiện thực hóa thì chẳng dễ chút nào.
       Lịch sử về biên giới, lãnh thổ và sự tồn vong của các quốc gia luôn có những biến đổi, chuyển hóa kể từ thời cổ đại cho đến ngày nay. Nhiều nước trở nên hùng thịnh, nhưng cũng có những quốc gia từ hùng thịnh trở thành bé nhỏ, thậm chí bị xóa sổ khỏi bản đồ Thế giới chỉ trong một nốt nhạc. Lịch sử cũng đã chứng minh chân lí luôn thuộc về kẻ mạnh, các nước lớn luôn đè lưng, cỡi cổ các nước nhỏ để phục vụ cho các lợi ích của họ. Cuộc chiến Nga – Ukraina là bài học xương máu đặc biệt với các nước nhỏ.
Thứ nhất: Phải Độc lập - Tự chủ - Tự cường. Muốn tồn tại và phát triển khi và chỉ khi đất nước đó biết tự đứng vững trên đôi chân của mình. Bác Hồ của chúng ta đã dậy: Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập. Dân tộc Việt Nam đã đánh thắng Pháp, Mỹ, Tầu, Polpot trên tinh thần tự lực kết hợp chặt chẽ với tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng Quốc tế chứ không phải chỉ ngồi hóng, trông chờ các nước khác, khi không được thì hờn dỗi, dùng những lời lẽ nhục mạ.
       Ukraina đã quá ngây thơ khi tin vào những lời hứa của Mỹ, khối NATO. Khi Nga ra đòn, ông Zelenski gào mồm, khản cổ kêu gọi nhưng rốt cuộc chỉ nhận được ít vũ khí, khí tài phòng thủ đã lạc hậu, nhiều loại được sản xuất từ thời Liên-xô, các đồng minh thân cận đã từ chối lập vùng cấm bay trên không phận và đưa Quận đội vào trực tiếp thám chiến. Mới đây nhất tại hội nghị thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo EU ngày 25-3 ông Zelenski lại kêu gọi: “ Một lần nữa và mãi mãi bạn phải tự quyết định xem mình đang ở bên nào”.
       Từ một nước được thừa hưởng nhiều đặc ân nhất cả về kinh tế, chính trị và tiềm lực Quốc phòng sau khi Liên-xô tan rã nhưng khi chiến tranh xẩy ra họ chẳng còn gì cả, mất tự chủ, tất cả đều phải ngửa tay mong chờ vào sự bố thí từ Mỹ và thế giới phương Tây. Nhưng Mỹ và phương Tây không ngu, chỉ lợi dụng Ukraina cho những toan tính của riêng họ.
Thứ hai: Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn, là bất biến. Hẳn nhiều người biết câu nói: “không có kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích Quốc gia là vĩnh viễn” nhưng rất tiếc giới lãnh đạo Ukraina lạirất mơ hồ về điều đó. Khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, các nước trong khối NATO và EU ngoài miệng thì gào thét, tỏ vẻ thống nhất nhưng thực tế lại có nhiều cung bậc phản ứng khác nhau. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố trung lập, không tham gia cấm vận Nga; Hungary, Đức và Pháp muốn ngăn chặn chiến tranh lan rộng, đi đến một giải pháp cụ thể và khôi phục thương mại. Nhóm các nước BaLan, các quốc gia Baltic và Phần Lan to mồm nhất muốn thúc đẩy mạnh mẽ các lệnh trừng phạt Nga; Mỹ và Anh muốn chiến dịch của Nga bị sa lầy nhưng sẽ không leo thang thành cuộc xung đột lớn hơn.
       Châu Âu hiện đang phụ thuộc 40% khí đốt vào Nga, trong đó Estonia, Moldova và Phần Lan là những Quốc gia phụ thuộc nhiều nhất. Các nước Bulgaria, Latvia, Serbia, Slovakia, Ba lan, Áo và Hungaria cũng phụ thuộc từ 80-90%, Đức nền kính tế lớn nhất châu Âu với hơn 53%. Khi Nga tuyên bố các nước “ không thân thiện” phái thanh toán giá khi đốt bằng đồng Rup tất cả nháo nhào, bấn loạn cả lên. Mỹ xăng xái, đi đầu ra lệnh cấm vận Nga nhưng họ vẫn đi đêm mua dầu của Nga với số lượng ở thời điểm này là 100.000 thùng/ngày, họ bắt các nước EU không được mua dầu của Nga để mua dầu của Mỹ với giá cắt cổ. Nhật-bản cũng tham gia chống Nga nhưng lại phớt lờ Mỹ vẫn làm ăn với Nga, Slovakia là nước đầu tiên tuyên bố trả tiền mua dầu cho Nga bằng đồng Rup, Hungary tuyên bố dứt khoát không hỗ trợ vũ khí, khí tài cho Kiev và cũng không cho các nước trong khối mượn đường chở súng đạn cho Ukraina.
       Nước Nga rộng lớn, tài nguyên thiên nhiên phong phú, dồi dào, ngoài Mỹ và mấy nước Tây Âu, Nga có rất nhiều bạn bè cả những người khổng lồ, bởi vậy đừng mơ họ sẽ chết. Tất cả rồi cuối cùng cũng lại phải quay về với nước Nga nếu muốn có một cuộc sống bình yên và đất nước phát triển. Một số nước trong đó nổi bật là Pháp đã “ quay xe” hạ giọng với Nga. Suy cho cùng sống thân thiện và hợp tác với Nga vẫn đem lại nhiều lợi ích hơn cho một Ukraina nhỏ bé và yếu đuối. Khi Ukraina hết giá trị sử dụng thì chắc chắn Mỹ và phương Tây cũng sẽ quẳng họ vào sọt rác.
Thứ ba: Cân bằng trong mối quan hệ với các nước lớn, đừng làm điều gì dại dột, tạo cớ để họ động binh. Dám cả gan gây hấn với người láng giềng khổng lồ nên Ukraina đã lãnh đủ. Vùng Donbas vốn là lãnh thổ của Nga, trong mơ họ cũng nghĩ tới vậy mà Chính quyền Ukraina thay vì thân thiện sống hòa hiếu với Nga lại chọn Mỹ và NATO. Nước xa không thể cứu được lửa gần, tự mình tạo cớ để Nga động binh. Đó là sai lầm “ chết người” phải trả giá bằng lãnh thổ, lãnh hải, sinh mạng, đất nước bị tàn phá. Không ai cổ súy cho chiến tranh xâm lược nhưng cũng phải nhìn nhận một cách khách quan nếu có trách thì phải trách Chính quyên Ukraina trước.
       Theo tờ The Wall Street Journal đăng tải hôm 1/4 cho biết Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đưa ra một cơ hội hòa bình cho ông Zelensky chỉ vài ngày trước khi Nga phát động “ Chiến dịch quân sự đặc biệt” với lời khuyên: “ Ukraina nên từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và tuyên bố trung lập như một phần của thỏa thuận an ninh lớn giữa phương Tây và Nga” nhưng đã bị Zelensky thẳng thừng từ chối.


Ảnh minh họa
       Khái niệm trung lập nổi lên như một cách mang lại hòa bình trong những tình huống có nguy cơ châm ngòi cho những xung đột giữa các nước lớn. Nhiều quốc gia ở Châu Âu đã sử dụng quân bài này để thoát khỏi chiến tranh, thoát khỏi bị xâm lược, mang lại sự thịnh vượng cho đất nước, Thụy sỹ và Bỉ được trao quyền trung lập sau các cuộc chiến tranh Napoleon để ngăn chặn Pháp mở rộng quân sự. Áo và Phần-lan lo sợ bị sát nhập hoặc phân chia dưới thời Liên-xô cũng tuyên bố trung lập sau thế chiến thứ II. Cả 4 nước này đều có vị trí chính trị độc đáo, quá giá trị để các cường quốc nhòm ngó. Chẳng phải nhìn đâu xa, bài học mà Phần-lan dậy cho Ukraina là đừng để nước lớn ngay cận kề cảm thấy đang bị gây hấn, mất an toàn. Là một nước nhỏ, yếu ớt nhưng Phần-lan đã có một số nhượng bộ cả về kinh tế và chính trị: kiểm duyệt gắt gao để truyền thông không hùa theo giọng điệu chống Liên-xô của phương Tây. Họ hiểu rằng sẽ không bao giờ được an toàn nếu Liên-xô cảm thấy không được an toàn. Trong quan hệ đối ngoại Phần-lan luôn đi trên dây, cân bằng lợi ích giữa một bên là phương Tây và một bên là Liên-xô. Cho dù là một thành viên của EU, nhiều lần được mời gọi vào khối NATO nhưng họ đã từ chối khéo và bảo lưu. Với họ lợi ích quốc gia mới là trên hết. Khác với Ukraina lúc nào cũng nài nỉ, kêu gọi, van xin được gia nhập NATO.
       Mặc dù đã sức tàn, lực cạn nhưng Ukraina vẫn mơ hồ đòi phải có một cơ chế bảo đảm an ninh như Điều 5 của NATO thì mới chấp nhận vị thế trung lập. Đến nay chỉ duy nhất có Italya sẵn sàng còn lại đều im lặng, họ sợ bị dính vào cuộc xung đột mới với nước Nga. Còn nhớ sau khi Liên-xô tan rã, năm 1994 tại Budapest Anh, Mỹ và Nga đã kí bản thỏa thuận bảo đảm an ninh cho Ukraina để đổi lấy việc nước này tiêu hủy kho vũ khí hạt nhân, nhưng bản thỏa thuận ấy chỉ như một chiếc bánh vẽ chẳng có giá trị gì.
     Khi đã hết giá trị sử dụng Mỹ chẳng đã từng bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa và gần đây nhất là chính thể Afganixtan vào tay Taliban đó sao. Nếu còn u mê không thức tỉnh thì không phải chỉ có một Ukraina rơi vào cảnh khuynh gia bại sản.

 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội
 
 
tin tức liên quan