Ukrinform hôm 6/4 đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga sẽ tiếp tục diễn ra, bất chấp các bằng chứng về hành động đáng lo ngại của quân đội Nga tại Ukraine.
"Trong mọi trường hợp, chúng ta phải tìm ra những cơ hội, dù là nhỏ, cho tiến trình đàm phán. Nếu không có tiến trình này, tôi nghĩ khó có thể kết thúc chiến tranh", ông Zelensky nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Haberturk của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Zelensky cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong sứ mệnh trung gian hòa giải của các quốc gia khác, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, đối với tiến trình đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Theo thông báo của văn phòng báo chí tổng thống Ukraine, ông Zelensky đã chỉ đạo chính phủ nước này chính thức ngừng quan hệ thương mại với Nga.
Thực tế, các hoạt động xuất nhập khẩu giữa Ukraine và Nga đã hoàn toàn bị cắt đứt kể từ khi Nga bắt đầu mở màn chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Trong bài phát biểu trực tuyến vào sáng sớm 7/4, Tổng thống Zelensky kêu gọi các chính trị gia phương Tây nhanh chóng thông qua lệnh cấm vận đối với dầu mỏ Nga. Ông Zelensky cũng cho biết, các ngân hàng Nga phải bị phong tỏa hoàn toàn khỏi hệ thống tài chính quốc tế.
"Một số chính trị gia vẫn chưa thể quyết định làm thế nào để hạn chế dòng chảy của USD và Euro từ dầu mỏ tới Nga, từ đó khiến nền kinh tế nước này gặp khó khăn", ông Zelensky nói, đồng thời dự đoán lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ được áp dụng.
Mặc dù kêu gọi phương Tây tăng cường trừng phạt Nga, song Tổng thống Zelensky vẫn nhiều lần để ngỏ khả năng đàm phán với Moscow. Trong cuộc phỏng vấn với CBS hôm 3/4, ông Zelensky cho biết trước tiên Nga phải ngừng bắn, sau đó ông mới có thể gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Zelensky cho biết ông sẵn sàng gặp trực tiếp Tổng thống Nga để thảo luận về việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhiều tháng, khiến hàng nghìn người Ukraine thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản. Tuy nhiên, ông Zelensky nói rằng, điều kiện tối thiểu để hai bên có thể đàm phán kết thúc xung đột là Nga phải rút quân khỏi Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết, Tổng thống Putin chỉ có thể gặp người đồng cấp Ukraine khi có một thỏa thuận cụ thể bằng văn bản giữa hai nước.
Hiện tại, vấn đề về chủ quyền đang là "nút thắt lớn" trong đàm phán giữa Nga và Ukraine khi 2 bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung liên quan tới "số phận" của Crimea - bán đảo đã sáp nhập vào Nga từ năm 2014 - và 2 vùng ly khai ở Donbass, Đông Ukraine - khu vực được Nga công nhận độc lập từ cuối tháng 2. Cả Nga và Ukraine hiện vẫn rất kiên quyết với quan điểm của mình về các vùng lãnh thổ này.
Trong cuộc đàm phán với Nga, các nhà đàm phán Ukraine cho biết Kiev sẵn sàng tuyên bố trung lập vĩnh viễn, từ bỏ hy vọng gia nhập NATO và đáp ứng yêu cầu then chốt của Moscow, nhưng với điều kiện Kiev phải được "đảm bảo an ninh" từ một nhóm các quốc gia khác.
Ukraine đã đề xuất một thỏa thuận đảm bảo an ninh, trong đó một nhóm quốc gia - có thể bao gồm các nước thành viên NATO như Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Đức - sẽ cam kết bảo vệ Ukraine nếu Kiev bị tấn công. Đề xuất này được cho là có nhiều điểm tương đồng với quy tắc phòng vệ tập thể của NATO.
( C. H sưu tầm)