Bắt Chủ tịch Tân Hoàng Minh và FLC: Tay 'chơi già' trên thị trường trẻ
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Việc bắt Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết góp phần làm sạch môi trường kinh doanh của thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Hơn 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, bức tranh về kinh tế - xã hội của Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, rất đáng tự hào. Thừa hưởng được tính đúng đắn từ những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đã chủ động nắm bắt thời cơ và vươn mình phát triển với quy mô rộng và tốc độ rất lớn.
Tập đoàn FLC do ông Trịnh Văn Quyết đứng đầu và Tập đoàn Tân Hoàng Minh do ông Đỗ Anh Dũng giữ vai trò Chủ tịch HĐQT… ra đời là những ví dụ điển hình. Hai tập đoàn này đã đồng hành cùng quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong nhiều thập kỷ. Có thể thấy, những tập đoàn đó đã tạo cho mình nhiều giá trị và tầm ảnh hưởng đối với xã hội. Tuy nhiên, trong những ngày qua, chủ tịch của 2 tập đoàn này là ông Đỗ Anh Dũng và ông Trịnh Văn Quyết đều sa vào vòng pháp luật vì những vi phạm trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu.
Đây là hệ quả của nhận thức chủ quan, đánh giá thấp tầm quan trọng về vai trò quản lý nhà nước ở những lĩnh vực rất mới, rất nhiều tiềm năng của nền kinh tế thị trường Việt Nam.
Trước hết, phải khẳng định rằng mô hình kinh tế thị trường ở nước ta ngày càng hoàn thiện về mặt thể chế và hệ thống luật pháp. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đưa ra quan niệm phát triển KTTT định hướng XHCN là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới”.
Có thể thấy từ quá trình đổi mới tư duy về mặt lý luận của Đảng đến thành quả của thực tiễn hôm nay là một bước tiến rất dài.
Quá trình xây dựng thể chế KTTT ở Việt Nam đang được thể hiện trên ba phương diện. Một là xây dựng đồng bộ hệ thống quy định, quan trọng nhất là hệ thống luật pháp, tạo “luật chơi” bảo đảm cho sự phát triển bình thường của KTTT định hướng XHCN. Hai là các thành phần kinh tế, các chủ thể kinh tế trong đó (người chơi). Ba là có hệ thống cơ chế, chính sách (cách chơi) bảo đảm cho nền KTTT định hướng XHCN vừa vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT.
Do đó, việc phiêu lưu trên các sân chơi mới như thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp… đòi hỏi phải hiểu biết sâu sắc những nỗ lực của chủ thể quản lý. Những vi phạm về luật chơi đều phải bị trả giá thích đáng. Việc bắt Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết là minh chứng rõ rệt.
Trong đánh giá báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế –xã hội 5 năm 2016 -2020 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, những lĩnh vực thị trường vốn, thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp… nằm trong các yếu tố của kinh tế thị trường mà Đảng ta coi như là một trong những khâu thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường đã thiết lập được khung pháp lý và bộ máy thực thi hiệu quả.
Do đó, mọi “động cựa” của các “con cá mập” như tập đoàn Tân Hoàng Minh, FLC…đều nằm trong sự chú ý của các cơ quan quản lý. Những vi phạm của những “ông lớn” này nằm ngoài sự thượng tôn pháp quyền để rồi “dẫm chân” lên lằn ranh đỏ và đường ranh của pháp luật.
Những việc làm đó đi ngược lại với đường lối của Đảng, nỗ lực lập pháp của Quốc hội và thách thức năng lực quản trị một Chính phủ kiến tạo. Do đó, hành động gây phương hại của ông Đỗ Anh Dũng và Trịnh Văn Quyết đối với những nỗ lực chung cả hệ thống chính trị ắt sẽ bị nghiêm trị và trừng phạt theo pháp luật.
Bản thân chủ tịch tập đoàn kinh tế lớn như Trịnh Văn Quyết - FLC, và Đỗ Anh Dũng – Tân Hoàng Minh đều là những “gã khổng lồ” có nhiều kinh nghiệm trên thương trường, có sự nhạy bén và khả năng xây dựng đế chế kinh tế ở tầm vĩ mô.
Do đó, trên “địa hạt” rất mới như thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu, thị trường tiền tệ…được các doanh nhân này chú ý và sử dụng các kỹ năng tìm kẽ hở để hoạt động kinh tế nhắm đến những “món hời” mà quên đi nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với nền kinh tế của nước nhà.
Việc bắt Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết góp phần làm sạch môi trường kinh doanh của thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Đặc biệt, hai vụ việc này sẽ khiến cộng đồng các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế tư nhân thêm tin tưởng vào những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời cảnh tỉnh những tư tưởng, ý nghĩa, thói quen cũng như những “ý đồ” trong các hoạt động kinh tế của một số cộng đồng các doanh nhân có hơi hướng liên minh, thủ đoạn, thao túng, thâu tóm, trục lợi… thị trường trong hoạt động kinh tế tại Việt Nam sớm muộn cũng bị “xộ khám”.
( C. H sưu tầm)