Trung Quốc chuẩn bị nhân sự cấp cao cho Đại hội 20

Ngày đăng: 08:42 13/04/2022 Lượt xem: 532

                     Trung Quốc chuẩn bị nhân sự cấp cao cho Đại hội 20

                                                  Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet

Còn hơn một năm nữa là đến đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc. Có nhiều dự đoán về việc bố trí nhân sự cấp cao, đặc biệt là trong Quốc vụ viện (Chính phủ) nước này.

 

Cho đến nay có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục là nhà lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Đại hội 20. Cộng sự của ông là Lý Khắc Cường, dù chưa vượt qua giới hạn tuổi tác nhưng đã giữ chức Thủ tướng 2 nhiệm kỳ liên tiếp, nên theo Hiến pháp sẽ buộc phải điều chuyển vị trí. 

Do quy định giới hạn tuổi 67 có thể tiếp tục lưu nhiệm, 68 tuổi sẽ nghỉ hưu, trong số 4 Phó thủ tướng Trung Quốc hiện nay, ngoài ông Hồ Xuân Hoa xếp vị trí thứ 3, còn có Hàn Chính, Tôn Xuân Lan và Lưu Hạc đều sẽ quá tuổi tại thời điểm diễn ra Đại hội.

{keywords}
Các Phó thủ tướng Trung Quốc (từ trái sang): Lưu Hạc, Tôn Xuân Lan, Hàn Chính, Hồ Xuân Hoa

Vì vậy, sau kỳ Đại hội này, Quốc vụ viện Trung Quốc ít nhất sẽ có 3 Phó thủ tướng mới, đó là vẫn chưa tính đến sự thay đổi vị trí của Hồ Xuân Hoa trong thời gian tới. 

Ứng viên sáng giá cho vị trí Thủ tướng Trung Quốc

Theo phân tích của một số chuyên gia, trình độ, kinh nghiệm và thành tích chính trị trước đây của Phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa đều rất nổi bật. Hiện ông được coi là ứng cử viên thích hợp nhất để thay ông Lý Khắc Cường tại Đại hội 20. 

Ông Hồ Xuân Hoa, 58 tuổi, là người trẻ nhất trong số các Phó thủ tướng Trung Quốc hiện nay.

Tại Đại hội 19, ông đã được bầu vào Quốc vụ viện với tư cách Phó thủ tướng. Trong 4 Phó thủ tướng, ông Hồ Xuân Hoa xếp vị trí thứ ba, sau Hàn Chính và Tôn Xuân Lan.

Tiền đồ chính trị của ông Hồ Xuân Hoa trong tương lai rất rộng mở, khả năng cao sẽ được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 20. Đây là lý do tại sao ông là nhân sự cấp cao được dư luận chú ý trước thềm Đại hội.

Trong cơ cấu chính trị của Trung Quốc, Phó thủ tướng Quốc vụ viện, với tư cách là ủy viên Bộ Chính trị sẽ trực tiếp tham gia hoạch định các chính sách quốc gia. Mặt khác, họ còn là người trực tiếp phụ trách cấp điều hành, có kinh nghiệm và tư duy “tuyến đầu” đối với sự vận hành của quốc gia và xã hội, ở vị trí then chốt trong toàn bộ cơ cấu chính trị, là cấp trung gian kết nối giữa cấp trên và cấp dưới.

Ngoài ra, Phó thủ tướng thường sẽ đóng vai trò là “nguồn dự trữ nhân tài” và “lò luyện” - nơi họ làm quen với các công việc liên quan đến kinh tế quốc dân trước khi có thể chính thức tiếp quản chức vụ Thủ tướng.

{keywords}
Đoàn chủ tịch Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, tháng 10/2017. Ảnh: news.cn

Từ cách bố trí nhân sự cấp cao hiện nay của ĐCSTQ cũng như kinh nghiệm chính trị của ông Hồ Xuân Hoa - ủy viên Trung ương 3 nhiệm kỳ, ủy viên Bộ Chính trị 2 nhiệm kỳ, kinh nghiệm chính trị phong phú (ở 4 tỉnh Tây Tạng, Hà Bắc, Nội Mông, Quảng Đông và ở Đoàn Thanh niên), uy tín chính trị rất tốt (được 100% phiếu tín nhiệm bầu làm Phó thủ tướng), sẽ không quá bất ngờ nếu ông được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 20. 

Thu hút dư luận

Một quan chức cấp cao khác cũng thu hút sự chú ý của dư luận là Hà Lập Phong - Phó chủ tịch Chính hiệp kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia. Hiện có nhiều thông tin rằng ông sẽ được bầu vào Bộ Chính trị và trở thành Phó thủ tướng.

Ông sinh năm 1955, từng có thời gian dài làm việc với ông Tập Cận Bình ở quê nhà Phúc Kiến. Khi Hà Lập Phong làm Phó chánh Văn phòng chính quyền, Cục trưởng Cục Tài chính Hạ Môn, ông Tập Cận Bình giữ chức Phó thị trưởng thành phố này.

Tháng 12/2001, ông Hà Lập Phong khi đó là Bí thư Thành ủy Phúc Châu, trở thành ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, thì ông Tập Cận Bình là Phó bí thư kiêm Tỉnh trưởng Phúc Kiến.

Theo quy định, các quan chức cấp tỉnh, bộ Trung Quốc nghỉ hưu ở tuổi 65. Ở cấp bộ trưởng giữ các vị trí cụ thể, đến tuổi nghỉ hưu họ vẫn có thể kéo dài nếu nhiệm kỳ chưa hết.

Có ý kiến cho rằng tại Đại hội 20, ông Hà Lập Phong đã 67 tuổi, sẽ được bầu vào Bộ Chính trị và giữ chức Phó thủ tướng phụ trách kinh tế, tài chính. Là một trong những thành viên nòng cốt của đội ngũ kinh tế của ông Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ 5 năm gần đây nhất, việc ông tiến xa hơn nữa trong thời gian tới cũng không phải là điều viển vông. 

Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Lý Hy, Bí thư Thành ủy Thiên Tân Lý Hồng Trung cũng là ứng cử viên sáng giá cho vị trí Phó thủ tướng.

Những “ngôi sao” trẻ

Trước thềm Đại hội, ban lãnh đạo ĐCSTQ đã có những thay đổi mạnh mẽ. Nhiều ngôi sao chính trị sinh sau năm 1970 trở thành ủy viên thường vụ cấp tỉnh và thể hiện năng lực nổi bật trên chính trường.


Hôm 8/5, Tỉnh ủy Vân Nam đã chào đón một gương mặt mới: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Lưu Hồng Kiến, sinh năm 1973. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1993, Lưu làm việc tại Phúc Kiến. Đến tháng 7/2020, ông được bổ nhiệm làm Phó tỉnh trưởng Vân Nam.

Vị quan chức này thường lập kỷ lục là cán bộ trẻ nhất ở các vị trí mà ông đảm nhiệm. Khi được bổ nhiệm làm Thị trưởng Nam Bình năm 2018, ông là quan chức trẻ nhất tỉnh Phúc Kiến.

Khi đảm nhận chức Phó tỉnh trưởng Vân Nam vào tháng 7/2020, ông là Phó tỉnh trưởng trẻ nhất tỉnh. Giờ đây, khi đã trở thành ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Vân Nam, Lưu Hồng Kiến là ủy viên thường vụ tỉnh ủy trẻ nhất.

Ngoài ra, Phó tỉnh trưởng Tứ Xuyên Lý Vân Trạch, sinh năm 1970, cũng vừa được bổ nhiệm làm ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Tứ Xuyên. Lý Vân Trạch đã làm việc lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng và được bổ nhiệm chức vụ Phó tỉnh trưởng khi vẫn còn là Phó chủ tịch ngân hàng Công thương Trung Quốc.

Tại cuộc họp tháng 6/2018 với sự tham dự của các cán bộ cấp cao của đảng, Bộ Chính trị Trung Quốc đã nhấn mạnh phải chú trọng phát hiện, bồi dưỡng và lựa chọn những cán bộ trẻ xuất sắc.

Vài năm qua, các nhân tài sinh sau năm 1970 nhanh chóng bước vào chính trường. Tính đến tháng 10/2020, trong hàng ngũ ban lãnh đạo ở tất cả 31 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và khu tự trị đều có những cán bộ sinh sau năm 1970.

Tuy nhiên, hầu hết họ đều đang nắm giữ vị trí cấp phó trong chính quyền cấp tỉnh và chỉ một vài người được bổ nhiệm vào ban thường vụ tỉnh ủy.

Ba quan chức khác sinh sau năm 1970 không phải là cán bộ mới được bổ nhiệm vào thường vụ tỉnh ủy bao gồm: Lưu Kiệt, ủy viên Thường vụ kiêm Chủ nhiệm Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quý Châu; Sử Quang Huy, ủy viên Thường vụ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp Tỉnh ủy Quý Châu và Gia Cát Vũ Kiệt, ủy viên Thường vụ kiêm Bí thư Thành ủy Thượng Hải.

Lưu Kiệt sinh năm 1970 và là cán bộ đầu tiên trong số này được bổ nhiệm vào Ủy ban Thường vụ cấp tỉnh. Tháng 11/2016, ông giữ vị trí ủy viên Thường vụ kiêm Bí thư Tỉnh ủy Giang Tây, trở thành ủy viên thường vụ trẻ nhất vào thời điểm đó.

Gia Cát Vũ Kiệt và Sử Quang Huy lần lượt trở thành ủy viên thường vụ tỉnh ủy vào năm 2017 và 2018. Họ là những chính trị gia điển hình được đào tạo và thăng tiến ở Thượng Hải.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan