Cụ thể, theo chương trình, hôm nay, thứ năm, ngày 26-5-2022:
Buổi sáng, Quốc hội nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
|
Hôm qua, thứ tư, ngày 25-5, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 3 tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung sau:
- Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022.
- Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020.
- Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
- Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017.
|
Toàn cảnh phiên họp ngày 25-5. Ảnh: VPQH |
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.
Quốc hội nghe: (1) Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); (2) Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); (3) Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu; trong đó, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) của UBTVQH và cho rằng, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này đã bổ sung nhiều nội dung mới, đáp ứng được các mục tiêu đề ra, thể hiện đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa phát triển ngành điện ảnh trên cơ sở xác định ngành điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, để tiếp tục góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về một số nội dung cụ thể như: Cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; chính sách của Nhà nước, trách nhiệm quản lý Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; phát triển nguồn nhân lực, hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh; những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; về lưu chiểu, lưu trữ, phân loại phim; đổi mới công tác quản lý, thẩm định và cấp Giấy phép phân loại phim; thay đổi nội dung phim và các thông tin khác trong Giấy phép phân loại phim; quyền và nghĩa vụ của nhà sản xuất phim, biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên và thành viên khác trong đoàn làm phim; sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim, trên không gian mạng, trên hệ thống truyền hình; Liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim, tuần phim tại Việt Nam…
Kết thúc phiên thảo luận, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh thay mặt cơ quan trình và cơ quan thẩm tra giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
CHUNG VIỆT
(PS st theo QĐND)