Ngân sách nhà nước đầu tư cao tốc: Luật nào cho đặt trạm thu phí?

Ngày đăng: 04:20 10/06/2022 Lượt xem: 181

Ngân sách nhà nước đầu tư cao tốc: Luật nào cho đặt trạm thu phí?

Một số ý kiến cho rằng đến nay chưa có quy định cụ thể về thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư để làm cơ sở triển khai thực hiện. Còn Chính phủ khẳng định việc này "là có cơ sở pháp lý".

Dồn dập đầu tư hạ tầng giao thông

Tại kỳ họp đang diễn ra, Quốc hội sẽ xem xét một loạt dự án đầu tư giao thông lớn thời gian tới.

Đó là 3 cao tốc với tổng vốn hơn 84 nghìn tỷ đồng: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1). Ngoài ra, còn có dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM (75.300 tỷ đồng), dự án vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội (khoảng 85.813 tỷ đồng).

Như vậy, riêng các dự án giao thông chờ Quốc hội duyệt, tổng vốn đầu tư đã lên đến hơn 245 nghìn tỷ đồng, hầu hết được sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Đầu tư hạ tầng giao thông đang là biện pháp quan trọng để phục hồi kinh tế sau Covid-19. Ảnh minh họa: Lương Bằng

Lý giải việc chuyển nhiều dự án từ thu hút vốn công tư sang đầu tư bằng tiền ngân sách, Chính phủ cho biết: Thực tiễn triển khai các dự án theo phương thức đối tác công tư thời gian qua cho thấy còn một số bất cập, cơ quan nhà nước không thể bảo đảm chắc chắn sự thành công của dự án. Vì vậy, Chính phủ kiến nghị đầu tư theo hình thức đầu tư công, sau khi dự án đưa vào khai thác sẽ thu phí hoàn trả vốn ngân sách nhà nước. Hình thức này bảo đảm tiến độ dự án và vẫn phù hợp với định hướng huy động nguồn lực xã hội vào phát triển kết cấu hạ tầng.

Trong các phương án đầu tư dự án từ tiền ngân sách, Chính phủ đều bày tỏ việc sẽ thu phí để hoàn vốn đầu tư. Dự kiến, sau khi các dự án này hoàn thành, sẽ thực hiện nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách nhà nước.

Giải thích sự cần thiết phải thu phí, Chính phủ cho hay: Nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, trong khi nguồn ngân sách nhà nước khó khăn, không thể đáp ứng; việc thu phí bảo trì trên đầu phương tiện hằng năm không thể đáp ứng đủ nhu cầu vốn để thực hiện công tác vận hành, bảo trì các công trình đường bộ.

Chính vì vậy, việc thu phí dịch vụ sử dụng các tuyến đường bộ cao tốc đầu tư toàn bộ bằng vốn ngân sách nhà nước là cần thiết, vừa bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện công tác vận hành, khai thác và bảo trì công trình dự án, vừa tạo nguồn vốn để tái đầu tư kết cấu hạ tầng.

Nhà nước có được đặt trạm thu phí?

Ủy ban Kinh tế khi thẩm tra các dự án đầu tư cao tốc vẫn băn khoăn về phương án này và đề nghị làm rõ cơ chế hoàn trả đối với tỷ lệ vốn góp của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Đồng thời, theo Ủy ban Kinh tế, đến nay cơ chế nhượng quyền thu phí, tổ chức thu phí các dự án đường cao tốc do Nhà nước đầu tư vẫn chưa được ban hành. Vì vậy, Ủy ban này đề nghị cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về thu phí để bảo đảm thực hiện thành công việc nhượng quyền thu phí.

Việc đặt trạm thu phí ở các tuyến đường do Nhà nước đầu tư là để hoàn vốn ngân sách bỏ ra. Ảnh minh họa: Lương Bằng

Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng: Đến nay chưa có quy định cụ thể về thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư để làm cơ sở triển khai thực hiện. Chính phủ cần xem xét, xây dựng phương án thu phí cụ thể và có cơ chế phân chia nguồn thu phù hợp giữa Trung ương và địa phương (vì vốn đầu tư bao gồm 2 nguồn này) để đảm bảo tính khả thi, thu hồi hoàn trả vốn đầu tư.

Đề cập cơ sở pháp lý của việc thu phí, Chính phủ dẫn pháp luật về Quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư,

Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các công trình hạ tầng đầu tư công sau khi hoàn thành sẽ hình thành tài sản công. Theo quy định tại Điều 80, 81, 82, 83 và Điều 84, việc khai thác tài sản công có thể thực hiện theo 4 phương thức: (1) Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; (2) Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng; (3) Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng (áp dụng khi không thực hiện được hình thức chuyển nhượng quyền thu phí); (4) Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng (phải gắn với việc đầu tư nâng cấp, mở rộng tài sản).  

Còn theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 45 Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư “Hợp đồng O&M là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để kinh doanh, quản lý một phần hoặc toàn bộ công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chấm dứt hợp đồng”. Do vậy, sau khi hoàn thành dự án có thể nhượng quyền thu phí theo hình thức hợp đồng O&M.

“Như vậy, việc nhượng quyền thu phí các dự án đường bộ cao tốc đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách là có cơ sở pháp lý”, Chính phủ khẳng định.

Chính phủ cho rằng: Sau khi hoàn thành đầu tư, các địa phương được phân cấp chủ quản đầu tư sẽ bàn giao cho Bộ GTVT quản lý khai thác. Chính phủ sẽ giao cho Bộ này xây dựng Đề án nhượng quyền thu phí theo quy định tại khoản 2 Điều 80 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để hoàn trả vốn ngân sách nhà nước (cả vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương).

Lương Bằng
(PS st theo VietNamNet)


tin tức liên quan