Thứ trưởng Bùi Văn Ga.
Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia 2017 cơ bản thành công tốt đẹp. Thí sinh được thi tại chính địa phương, đi thi như đi học nên kết quả làm bài sẽ tốt hơn. Đối với xã hội, áp lực giảm đi rất nhiều. Trước đây, thí sinh, người thân phải về các thành phố lớn để thi, bây giờ được thi tại địa phương nên áp lực lên các thành phố không còn.
Đối với ĐH, các trường không cần tổ chức kỳ thi nữa. Bởi kỳ thi này trung thực, khách quan, phân loại tốt nên có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Mặt khác, kỳ thi năm nay đã thay đổi phương thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm, tổ chức thi thành bài thi nên thay đổi cách học của thí sinh, thay đổi các tổ hợp tuyển sinh của các trường. Không những thế, có thể thấy, các môn khoa học xã hội hiện đang được thí sinh lựa chọn với số lượng lớn. Trong đó, riêng môn Lịch sử, từ 15% thí sinh chọn đã lên đến 60%. Đó là sự thay đổi theo hướng tích cực.
Năm đầu tiên thi trắc nghiệm môn Toán, theo ông, điều được nhất của sự thay đổi này là gì?
Thứ nhất là bao quát được cả chương trình phổ thông, tránh học lệch, học tủ, thí sinh không học thêm tại các lò luyện. Xử lý được vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Thí sinh sẽ thấy rằng học không phải chỉ để thi mà còn vận dụng kiến thức trong thực tế để làm bài cho tốt. Giúp học sinh đổi mới cách học để phù hợp với đổi mới toàn diện. Thời gian thi cũng rút ngắn, tính kỷ luật của trường thi được tăng lên, đảm bảo khách quan, công bằng.
Vậy vấn đề cần rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm nay, thưa ông?
Sau ba năm đổi mới thi THPT quốc gia, kỳ thi 2017 đã đạt được những mục tiêu mong đợi: giảm nhẹ với thí sinh, giảm áp lực với xã hội, công bằng trong kết quả thi. Trong những năm tiếp theo, thành quả này sẽ áp dụng. Nhưng trong quá trình đó, sẽ có điều chỉnh một số ít liên quan đến kỹ thuật còn phương án thi không thay đổi. Ví dụ như sắp xếp thời gian thi môn này thay môn kia, tăng thời gian nghỉ giữa hai môn thi thành phần hoặc bố trí như thế nào cho phù hợp trên cơ sở rút kinh nghiệm hoặc trên cơ sở đề xuất của xã hội. Đó là những đổi mới liên quan đến kỹ thuật.
Thanh tra Bộ giám sát toàn bộ quá trình chấm thi
Hôm nay, các Sở bắt đầu bước vào chấm thi. Bộ đã có chỉ đạo các địa phương như thế nào trong công tác này?
Công tác chấm thi Bộ đã chỉ đạo từ sớm để các sở chuẩn bị người và phương tiện kỹ thuật, cơ sở hạ tầng. Ngay sáng qua, Bộ đã có văn bản tăng cường công tác thanh tra. Bộ yêu cầu các trường ĐH cử cán bộ giám sát công tác coi thi tại các cụm thi. Bắt đầu từ hôm nay, đoàn thanh tra sẽ tham gia trực tiếp công tác chấm thi tại các hội đồng thi để đảm bảo tính công bằng. Điều này khác với những năm trước là thanh tra Bộ chỉ đi kiểm tra quy trình. Theo chỉ đạo của Bộ, mỗi Sở có 2 thanh tra đến từ các trường ĐH trực tiếp tham gia giám sát. Như vậy, số thanh tra Bộ tham gia quá trình chấm thi là 126 người. Do đó, xã hội có thể yên tâm từ khâu tổ chức thi đến khâu chấm thi.
Nhưng có thể nói, bất cứ khâu nào nếu có sự tham gia của con người thì đều có thể can thiệp, kể cả chấm thi bằng máy?
Theo lộ trình, ngày 7/7 các trường phải công bố kết quả thi. Thời gian chấm sẽ rút ngắn hơn so với mọi năm do chủ yếu chấm thi trắc nghiệm. Máy tính sẽ quét bài thi sau đó chấm thi bằng máy đối với các môn trắc nghiệm nên sẽ rất nhanh. Để đảm bảo kết quả chấm khách quan, công bằng, ngoài việc có thanh tra Bộ cắm chốt, thì các hội đồng thi phải thực hiện theo đúng quy trình. Trong quy chế đã quy định rất rõ , chấm thế nào, khi bị lỗi xử lý thế nào, công an giám sát ra sao.
Đồng thời trước khi các hội đồng thi bước vào chấm thì sẽ phải quét toàn bộ bài của thí sinh (gọi là dữ liệu thô) gửi về Bộ GD&ĐT coi đó là dữ liệu gốc. Dữ liệu này được Bộ lưu và sẽ không thể thay đổi được.
Xin cảm ơn ông!