Chuyên gia đô thị “bắt bệnh” nguyên nhân Hà Nội cứ mưa là ngập
Mưa ngập nặng trên ngõ Yên Thế. Ảnh: TRẦN VƯƠNG
Điệp khúc mưa là ngập
Ngày 19.6, một cơn mưa nặng hạt đúng giờ tan tầm khiến nhiều tuyến phố ở Hà Nội bị ngập nặng. Theo ghi nhận của PV Lao Động, cơn mưa kéo dài trong gần 2 giờ ở Hà Nội khiến hàng loạt các tuyến phố như: Phạm Ngọc Thạch, Hàng Bài, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Ngọc Nại, Hàng Chiếu... bị ngập nặng. Hà Nội như chìm trong “biển nước” sau trận mưa lớn. Tại tất cả các tuyến đường, người dân rất khó di chuyển khi nước dâng ngập cả bánh xe. Có nơi, nước dâng tới cả yên xe. Xe đang lưu thông trên phố bị chết máy hàng loạt.
Tại khu vực Văn Miếu, người dân nơi đây phải dùng một số vật dụng cảnh báo tránh đi vào những chỗ ngập sâu, có thể gây nguy hiểm. Đến thời điểm 19h30 trong nội thành, lượng mưa vẫn tiếp tục tăng nhanh. Một số nơi như Hoàn Kiếm, Trúc Bạch, Văn Miếu… lượng mưa lên tới gần 100mm.
“Điệp khúc lụt từ ngã tư đường phố” hay “Hà Nội mùa này phố cũng như sông” đã được cư dân mạng nhanh chóng ghi lại và chia sẻ ngay lên trên mạng xã hội. Chị Nguyễn Thị Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Mưa to quá khiến cho nhiều tuyến đường ngập nặng. Tôi đang đi trên đường mà xe chết máy. Mà không hiểu vì sao bao nhiêu năm nay, Hà Nội cứ mưa là ngập”. Tương tự, tại ngõ Yên Thế (Văn Miếu, Đống Đa) nước ngập lênh láng, lút cả bánh xe. Anh Tuấn Anh cho biết : “Đoạn ngõ này đã nhiều năm nay cứ mưa là sẽ ngập. Gần đây có một số cống thoát nước nhưng hệ thống quá yếu, không thể kịp trong tình hình thời tiết như thế này”.
Trước đó, sáng 13.6, một trận mưa dông đã xảy ra cũng khiến Hà Nội chìm trong biển nước và giao thông tê liệt trên nhiều tuyến phố vào giờ cao điểm. Đáng nói, lượng mưa phổ biến chỉ từ 30 - 80mm nhưng cứ mưa là ngập.
Hệ thống thoát nước chưa đồng bộ
Trao đổi với PV Lao Động, TS. Nghiêm Xuân Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam cho rằng: Hệ thống thoát nước của thành phố đã từng bước được cải tạo tuy nhiên còn chưa theo kịp được tốc độ đô thị hóa nhanh. Các khu vực đất trống có thể thẩm thấu nước sau khi mưa hay các hồ điều hòa cũng dần bị thu hẹp, bị bêtông hóa cao. Do vậy đôi khi hệ thống thoát nước bị quá tải. Mặt khác, việc sinh hoạt, tổ chức sản xuất, kinh doanh làm tăng nhu cầu nước thải xả ra các cống. Hiện tượng xả rác của người dân còn chưa được ngăn chặn triệt để. Nhiều người dân có thói quen xả rác, quét lá cây khiến cống bị tắc, khi có mưa thì rác nổi lềnh phềnh.
“Trong những năm qua, thành phố có đầu tư nhưng vẫn chưa đảm bảo hết nhu cầu của người dân. Hệ thống thoát nước hạ tầng cũ, thay thế mới chưa được bao nhiêu. Do đó, cần phải xem xét và đánh giá cũng như xử lý lại một cách đồng bộ mạng lưới và hệ thống tiêu thoát. Cần phải có trục đường thoát thật sự đảm bảo và đạt chất lượng. Cần phải chú ý kết nối hệ thống thoát nước mới và cũ. Ở các khu đô thị mới cần phải làm đường thoát nước có chất lượng ngay từ ban đầu” - TS Đạt nhấn mạnh.
Theo thông tin từ Cty TNHH MTV thoát nước Hà Nội, phương án thoát nước mùa mưa năm 2017, mực nước trên toàn hệ thống mương, sông, hồ được giữ theo đúng quy định. Công tác tổ chức ứng trực đã được công ty triển khai, lực lượng ứng trực tại hiện trường thực hiện công tác tua vớt rác tại miệng thu hàm ếch, khơi thông dòng chảy và phối hợp hướng dẫn giao thông. Các dàn thiết bị cơ giới đã thực hiện ứng trực để kịp thời hỗ trợ thông tắc tại các vị trí được phân công. Các cửa hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… và đập Thanh Liệt đã được mở để điều hoà nước theo quy trình. Trạm bơm Yên Sở, trạm bơm Đồng Bông I đang vận hành các bơm để tiêu thoát nước trên hệ thống. Hiện tại, mưa vẫn đang tiếp diễn trên địa bàn thành phố, công ty bố trí công tác ứng trực thu gom rác trước ga thu, vệ sinh mặt đường và vận hành các trạm bơm để hạ mực nước trên hệ thống chủ động đối phó với trận mưa tiếp theo.