Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 8-7-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 8-7

Sự kiện trong nước

- Giáo sư, bác sĩ y khoa, Thiếu tướng Đỗ Xuân Hợp sinh ngày 8-7-1906 tại Hà Nội và qua đời vào ngày 17-12-1985. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông làm việc tại các bệnh viện ở Hà Nội. Kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đảm nhiệm công tác y tế quân sự. Trong khoảng 40 nǎm, ông đã giữ các chức vụ: Hiệu trưởng Trường Đại học Quân y; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Y học Việt Nam. Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Đảng Xã hội Việt Nam, đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII, Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế - Xã hội của Quốc hội khoá VI.

Ngày 8-7-1958: Bác căn dặn “Vào Đảng, vào Đoàn không phải để làm “quan” cách mạng…”
Giáo sư, bác sĩ y khoa, Thiếu tướng Đỗ Xuân Hợp (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn cán bộ Việt Nam trong một lần sang thăm và làm việc tại Leningrat, Liên Xô năm 1963. Ảnh: Danviet.vn 

Ông là người sáng lập viên Hội Nhân chủng học, chuyên viên đầu ngành giải phẫu học Việt Nam. Năm 1949, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp là người đầu tiên của Việt Nam nhận giải TesTut của Viện Hàn lâm y học quốc gia Pháp. Công trình nghiên cứu hình thái học người và giải phẫu mỹ thuật do giáo sư Đỗ Xuân Hợp viết chung với giáo sư Pierre Huard là một bộ sưu tập phong phú làm nền cho nhiều ngành: Y học, khảo cổ, nhân chủng và cả mỹ thuật... Tác phẩm này là quyển sách gối đầu giường của các nhà nghiên cứu, các thầy giáo, sinh viên các trường đại học. Ông được Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

- Viện Giám định y khoa - cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật về mặt khám, giám định thương tật, tai nạn lao động, tiêu chuẩn sức khoẻ để xác định khả nǎng lao động cho các đối tượng cán bộ, công nhân viên nhà nước, quân nhân xuất ngũ, những người được hưởng các chính sách, chế độ ưu đãi như thương binh - được thành lập ngày 8-7-1974.

Sự kiện quốc tế

- Percy Bysshe Shelley, nhà thơ người Anh, sinh ngày 4-8-1792 trong một gia đình quý tộc giàu có. Ông là người có đầu óc tự do, say mê vǎn học, triết học có tư tưởng dân chủ quan điểm vô thần. Nǎm 19 tuổi ông bị đuổi khỏi đại học vì viết bản luận vǎn "Sự cần thiết của chủ nghĩa vô thần". Sau đó xuất bản các tác phẩm chính như: "Hoàng hậu Margo", "Thư gửi gió Tây", "Cuộc nổi dậy của thế giới Hồi giáo", "Promêtê được giải phóng", "Đám mây", "Gửi chim sơn ca", "Chiến thắng cuộc đời"...

Ngày 8-7-1958: Bác căn dặn “Vào Đảng, vào Đoàn không phải để làm “quan” cách mạng…”
Nhà thờ Percy Bysshe Shelley (1792-1822). Ảnh: nguoinoitieng.tv 

Shelley được xem là đại diện ưu tú của chủ nghĩa lãng mạn cách mạng ở Anh. Thơ ông đề cao tuyên truyền cho tư tưởng cấp tiến, đề cao nhân dân và sự giải phóng nhân dân nhờ tình yêu và lý tưởng. Ông xây dựng những hình tượng anh hùng mới, anh hùng của nhân dân. Thơ ông là tiếng reo của cả thế hệ mới, báo hiệu một tương lai tươi sáng. Ông chết trong một tai nạn đắm tàu do bão lớn vào ngày 8-7-1822 khi mới 30 tuổi.

(Theo baothainguyen.vn)

Theo dấu chân Người

- Tháng 7-1948, Bác viết thư gửi Báo Vệ Quốc quân và gửi “Anh em thương và bệnh binh”. Với tờ báo, thư viết: "Báo Vệ Quốc quân phải là người bạn thân thiết của mỗi một chiến sĩ Vệ quốc quân. Vì vậy cần phải đi sát với sự sinh hoạt và sự phát triển của Vệ quốc quân. Mỗi một chiến sĩ Vệ quốc quân phải là một người bạn thân thiết của báo”. Còn với anh em thương và bệnh binh, Bác chia sẻ: “Các đồng chí đã hy sinh một phần xương máu vì Tổ quốc,... các đồng chí nên một mặt nuôi lại sức khoẻ, một mặt cố gắng học tập. Khi đã khôi phục sức khoẻ, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn luôn nhớ đến các đồng chí”.

Ngày 8-7-1958: Bác căn dặn “Vào Đảng, vào Đoàn không phải để làm “quan” cách mạng…”
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu. 

- Ngày 8-7-1949, Bác viết bài “Trở lại vấn đề thi đua ái quốc” đăng trên Báo Cứu Quốc, trong đó đặt vấn đề: “Đồng bào Thủ đô chúng ta có thể thi đua được không, và phải thi đua thế nào?” và giải đáp rằng đồng bào Thủ đô mặc dù đang sống trong vùng bị địch tạm chiếm nhưng vẫn có thể “Giết giặc, trừ gian, phá tề. Thi đua phá hoại giặc, phá từ cái nhỏ đến cái to, phá nhà máy, công sở, các cơ quan quân sự, kinh tế, chính trị của địch và bù nhìn... thi đua gia nhập các tổ chức kháng chiến, giúp đỡ chiến sĩ...”.

Ngày 8-7-1958: Bác căn dặn “Vào Đảng, vào Đoàn không phải để làm “quan” cách mạng…”
Trang nhất Báo Cứu Quốc số 2594. Ảnh tư liệu  

- Ngày 8-7-1951, chủ trì phiên họp Chính phủ, Bác tổng kết (được ghi trong biên bản): “Ta đang trên đà thắng lợi nhưng không vì thế mà tự cao, tự đại. Về chính trị đã gần dân nhiều hơn, càng hiểu dân và được dân hiểu ta hơn. Nhân dân có tiến bộ nhiều, đã bắt đầu biết sử dụng quyền dân chủ đối với cán bộ, cơ quan. Cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào tự phê bình và phê bình... Phương châm chính sách của ta: Đánh du kích, trường kỳ gian khổ kháng chiến là đúng...”.

Ngày 8-7-1958: Bác căn dặn “Vào Đảng, vào Đoàn không phải để làm “quan” cách mạng…”
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì một phiên họp Hội đồng Chính phủ ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu 

- Ngày 8-7-1958, thăm tỉnh Sơn Tây, nói chuyện tại Hội nghị sản xuất của tỉnh, Bác góp ý: “Vì chủ quan mà thu hoạch kém. Vì thu hoạch kém mà đi đến bi quan tiêu cực. Như vậy là không đúng… phải đánh tan tư tưởng bi quan, tiêu cực, phải quyết làm cho kỳ được, phải tin vào lực lượng nhân dân, tin tưởng vào chính sách của Đảng, lãnh đạo phải đi sâu, đi sát, toàn diện. Lãnh đạo nghề nông thì từ trước khi gieo mạ, phải lãnh đạo, đến lúc lúa và khoai vào bồ, lãnh đạo mới kết thúc” .

 (Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010)

 Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Vào Đảng, vào Đoàn không phải để làm “quan” cách mạng, hay là để nói chính trị suông. Tất cả đảng viên và đoàn viên phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành các chính sách của Đảng và Chính phủ”.

 (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011)

Là lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Nói chuyện tại hội nghị sản xuất tỉnh Sơn Tây” (nay thuộc TP Hà Nội), ngày 8-7-1958. Đây là thời kỳ đầu sau khi miền Bắc tiến hành cải cách ruộng đất, xây dựng hợp tác xã, khôi phục sản xuất và khắc phục hậu quả chiến tranh. Người muốn nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên tỉnh Sơn Tây nói riêng, cả nước nói chung về trách nhiệm và quyết tâm trong lãnh đạo phát triển sản xuất; cần phải gương mẫu, tích cực, chủ động, sáng tạo, nói đi đôi với làm, bằng những việc làm cụ thể để “làm đầu tàu lôi cuốn quần chúng tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm” nhằm khắc phục những yếu kém trong sản xuất ở vụ trước để vụ sau giành kết quả cao hơn. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải thực sự là những người tiền phong, gương mẫu trong thực hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, có phong cách làm việc cụ thể, tỉ mỉ, sâu sát quần chúng, biết làm gương và hướng quần chúng vào thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm trong từng thời kỳ nhất định.

Ngày 8-7-1958: Bác căn dặn “Vào Đảng, vào Đoàn không phải để làm “quan” cách mạng…”

Bác Hồ nói chuyện với học viên Lớp bồi dưỡng đảng viên mới do Đảng bộ thành phố Hà Nội tổ chức năm 1966. Ảnh tư liệu

Lời dạy của Người đã động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên, đoàn viên trong cả nước đề cao trách nhiệm chính trị, tích cực hăng hái tham gia vào các tổ chức ở địa phương, đơn vị, thực sự là nòng cốt thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ của địa phương và cơ quan, đơn vị. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự làm gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, đến năm 1960 đời sống của nhân dân miền Bắc đã từng bước ổn định, ý thức chính trị được nâng cao, kinh tế được khôi phục, văn hóa, giáo dục, y tế ngày càng phát triển.

Ngày 8-7-1958: Bác căn dặn “Vào Đảng, vào Đoàn không phải để làm “quan” cách mạng…”

Hội nghị tổng kết công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên năm 2021 tại tỉnh Bình Định. Ảnh: Dukccq.binhdinh.gov.vn

Quán triệt, thực hiện lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phụ nữ trong quân đội hiện nay phải luôn gương mẫu đi đầu trong chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, các cuộc vận động của các cấp, các ngành. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; những biểu hiện quan liêu, xa dân, vi phạm dân chủ, nói không đi đôi với làm. Cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị phải nêu cao tính tiền phong gương mẫu, thực hiện miệng nói tay làm, làm tốt, làm có hiệu quả cao, gương mẫu trong học tập, công tác và trong sinh hoạt, xông pha trong mọi nhiệm vụ nhất là những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ để làm gương cho bộ đội noi theo.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 8-7-1961, trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 914 có đăng tin Hồ Chủ tịch tặng thưởng huy hiệu cho 9 đồng chí vượt qua sấm sét, dũng cảm cứu dân, với nội dung: Vừa qua, Hồ Chủ tịch đã gửi huy hiệu của Người thưởng cho các đồng chí: Lê Thanh Uy, Đinh Văn Phấn, Đinh Văn Tưởng, Nguyễn Xuân Giòng, Đào Duy Nguyện, Nguyễn Khắc Thiệp, Đồng Văn Yết, Trần Đức Bản và Hoàng Đình Đành. Các đồng chí trên đây đã dũng cảm vượt qua cơn sấm sét dữ dội, quên mình, cứu 10 em học sinh cấp 1 xã Nam Hà, huyện An Lão, tỉnh Kiến An, bị sét đánh cháy sém người, mang về bệnh viện cứu chữa kịp thời.

Ngày 8-7-1958: Bác căn dặn “Vào Đảng, vào Đoàn không phải để làm “quan” cách mạng…”
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 914 ra ngày 8-7-1961. 
Ngày 8-7-1958: Bác căn dặn “Vào Đảng, vào Đoàn không phải để làm “quan” cách mạng…”
 

 

HUY ĐÔNG (tổng hợp)
(PS sưu tầm theo QĐND)